Gần 1/3 trong số 350.000 công nhân nhập cư làm việc như nô lệ trong các nhà máy ở Malaysia. Ảnh minh họa: NDTV |
Bộ Lao động Mỹ đã ủy quyền cho tổ chức Verité thực hiện cuộc điều tra kéo dài hai năm về điều kiện làm việc của lao động nhập cư ở Malaysia.
Báo cáo cho biết những nhóm công nhân từ Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar, Nepal, Việt Nam và một số quốc gia khác đang phải chịu đựng điều kiện làm việc khắc nghiệt tại hơn 200 nhà máy ở Malaysia, báo New York Times ngày 17/9 đưa tin.
Theo Verité, một trong những nguyên nhân chính buộc lao động nhập cư phải làm việc vất vả vì họ nợ khoản tiền lệ phí tuyển dụng rất lớn. Người nước ngoài muốn làm việc tại các công xưởng ở Malaysia phải trả phí tuyển dụng cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn mà pháp luật quy định (không quá một tháng lương).
Ngoài ra, đơn vị tuyển dụng cũng thông tin không đúng sự thật cho người lao động về điều kiện làm việc, mức lương và điều kiện nghỉ việc.
Phần lớn người lao động than phiền về chuyện thường xuyên làm việc ngoài giờ, phải ngủ chung với rất nhiều người trong một căn phòng nhỏ, các ông chủ hạn chế hoạt động của công nhân.
Chủ lao động cũng tước hộ chiếu của công nhân để giữ họ. 94% lao động mà điều tra viên Verité tiếp cận không giữ hộ chiếu, 71% số người thừa nhận họ rất khó lấy lại hộ chiếu trong trường hợp cần thiết.
“Giữ hộ chiếu của chúng tôi chẳng khác gì một hình thức giam giữ nô lệ thời hiện đại”, một lao động nam từ Myanmar nói với AFP.
"Hình thức bóc lột trong ngành công nghiệp hiện đại này đã tồn tại từ rất lâu và lẽ ra phải biến mất trong quá khứ. Tình hình không chỉ xảy ra ở một vài trường hợp cá biệt mà rất phổ biến", Daniel Viederman, Giám đốc điều hành Verité, cho biết.
Báo cáo của Verité không nêu tên cụ thể một công ty Malaysia nào. Giới chức Malaysia chưa bình luận về báo cáo của Verité.
Sản xuất thiết bị điện tử là một trong những trụ cột kinh tế của Malaysia. Các nhà máy chế tạo thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị ngoại vi của máy tính và những hàng điện tử khác. Chúng chiếm 1/3 hàng hóa xuất khẩu của Malaysia và là mặt hàng của các công ty lớn như Apple, Samsung, Sony.