Đó là khẳng định của ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của ngành lao động, người có công và xã hội, tổ chức sáng 14/7.
Ông Tấn cho biết khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TP.HCM, sở nhận thức được mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới người dân nên đã chủ động đề xuất gói hỗ trợ cho người lao động với tổng kinh phí 886 tỷ đồng.
Giai đoạn TP.HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (31/5-29/6), TP đã hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng gồm: Người bị cách ly ở khu cách ly tập trung; lực lượng tham gia phòng chống dịch; người tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; giáo viên trong hệ thống giáo dục công lập hoặc ngoài công lập; lao động tự do và hộ kinh doanh cá thể.
Từ ngày 6/7 đến 14/7, gói hỗ trợ của TP.HCM đã đến tay 106.000 người với đối tượng ưu tiên là lao động tự do, đạt 46% chỉ tiêu với tổng kinh phí là 165 tỷ đồng.
“Chúng tôi phấn đấu hết ngày 15/7 sẽ hỗ trợ xong cho nhóm lao động tự do, sau đó chuyển sang hỗ trợ cho những đối tượng khác, đặc biệt là lao động phải ngừng việc mà không có giao kết hợp đồng hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động. Việc hỗ trợ trong những ngày tới sẽ theo đúng hướng dẫn của Nghị quyết 68”, ông Tấn cho biết.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành lao động, người có công và xã hội, tổ chức sáng 14/7. Ảnh: Mạnh Dũng. |
Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết đơn vị hướng đến mục tiêu hết ngày 30/7 sẽ giải quyết được các hồ sơ hợp lệ cho các chủ doanh nghiệp, người lao động và đảm bảo “trong 7 ngày, tiền sẽ được chuyển về cho người lao động”.
Ngoài ra, TP.HCM chủ trương đơn giản hóa các thủ tục, hồ sơ nhất có thể cho người lao động. Với lao động bị ngừng việc hoặc người phải nghỉ việc mà không có giao kết hợp đồng, người dân chỉ cần gửi giấy yêu cầu và một giấy chấm dứt hợp đồng lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội.
Sau đó, hồ sơ hợp lệ sẽ được chuyển lên UBND quận/huyện giải quyết trong tối đa 2 ngày và được gửi đến UBND TP để giải quyết trong tối đa 2 ngày tiếp theo. Như vậy, hồ sơ của người lao động chỉ mất tối đa 5 ngày để thẩm định, giải quyết và tiền sẽ tay người dân ngay sau đó.
Nói về những chính sách của TP.HCM, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá thành phố đang quyết tâm rất cao, vừa chống dịch nhưng vẫn đảm bảo ổn định đời sống người dân. Sở LĐTB&XH TP.HCM đã chủ động tham mưu gói hỗ trợ 886 tỷ đồng, xác định ưu tiên cho 226.000 lao động tự do là chủ trương đúng đắn.
"Việc hỗ trợ cho lao động tự do cần cố gắng xong trong ngày 15/7. Còn các đối tượng khác, đề nghị thành phố chạy song song, không để hỗ trợ hết đối tượng này mới đến đối tượng khác và cần rất lưu ý đến lao động bị chấm dứt hợp đồng", Bộ trưởng LĐTB&XH nói.
Ngoài ra, với các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người nghèo như "ATM gạo", "siêu thị 0 đồng", ông Đào Ngọc Dung đề nghị thành phố quyết liệt hơn nhưng cũng cần quan tâm đến những cách thức hỗ trợ phù hợp với tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16.