Để phát triển lòng biết ơn chân thành, chúng ta cần phải cẩn thận quan sát nhân viên, đặt bản thân vào vị trí của họ, xây dựng tinh thần đồng cảm, đồng thời nỗ lực hiểu thấu thách thức họ phải đối mặt. Chúng ta cần phải nhìn thấy được những biểu hiện tốt và bày tỏ sự cảm kích từ tận đáy lòng trước những hành động đúng.
Ở chiều ngược lại, người lãnh đạo vô ơn là người gặp phải vấn đề về nhận thức: không nhận thức được nỗ lực cống hiến của người khác cũng như khó khăn họ gặp phải nếu có. Những người lãnh đạo vô ơn này thiếu hụt thông tin trầm trọng. Nếu hỏi họ tại sao lại không đạt được kết quả tốt hơn, thông thường những người này không biết phải trả lời thế nào.
Thể hiện lòng biết ơn đúng cách không những sẽ thúc đẩy năng suất và tinh thần làm việc mà còn giúp bạn hiểu rõ hơn nhân viên của mình, biết được họ đã cống hiến ra sao và còn gì để cống hiến nữa.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Andrea Piacquadio/ Pexels. |
Những nhà lãnh đạo nào rũ bỏ được thói quen vô ơn đều xây dựng nền văn hóa đội ngũ tích cực, hiệu quả bằng cách chủ động tìm kiếm những thành tựu thúc đẩy giá trị và mục tiêu của tổ chức mà nhân viên đạt được. Họ cũng xác định được những chướng ngại trên con đường thành công, họ có khả năng củng cố những hành động đúng và điều chỉnh theo hướng tích cực.
Tại sao lại có một số người “nói không” với lòng biết ơn
Đừng xem thường sức mạnh cổ vũ tinh thần mà lòng biết ơn đem lại. Một đối tác nghiên cứu của chúng tôi đã làm việc với 200.000 đối tượng, kết quả cho thấy những nhà quản lý giàu lòng biết ơn hơn sẽ dẫn dắt đội ngũ đạt được chỉ số kinh doanh tổng thể cao hơn, bao gồm khả năng sinh lời cao gấp đôi so với các đồng nghiệp khác, mức độ hài lòng của khách hàng trung bình cao hơn 20%, và điểm số tương tác của nhân viên cao hơn đáng kể, bao gồm các chỉ số quan trọng như niềm tin và trách nhiệm.
Chúng tôi cũng nhận thấy khi nhân viên được khích lệ thường xuyên, họ sẽ nhiệt tình đóng góp hơn cho công việc, bớt căng thẳng hơn và cảm thấy thoải mái yêu đời hơn. Nếu là bạn thì bạn cũng sẽ thấy như vậy thôi, đúng không? Bên cạnh đó, người được khích lệ cũng có xu hướng thấu hiểu và tích cực giúp đỡ đồng nghiệp hơn, đồng thời hình thành sự trân trọng ngược lại với những vất vả và thách thức mà quản lý của mình gặp phải.
Chúng tôi đã ngồi trò chuyện vài giờ với Alan Mulally, người hùng của tập đoàn Ford Motor. Vị tổng giám đốc về hưu nói rằng sự lãnh đạo "nằm ở con người. Hoặc bạn hiểu được điều đó ở mức độ cơ bản nhất, hoặc không.
Và nếu đã hiểu được rồi thì hãy thể hiện tình cảm với họ. Hãy cho họ biết mọi điều đang diễn ra; sự tôn trọng tuyệt đối đó thể hiện ở việc tạo nên một môi trường để tất cả mọi người nắm rõ kế hoạch hiện tại, tình trạng tiến hành, và những nơi cần đặc biệt chú ý. Sau đó là vấn đề trân trọng, tôn trọng, và cảm ơn họ ở mỗi bước hành trình”.