Cách đây 2 năm, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Viễn thông Myanmar từng giục các đối tác nhanh chân chiếm lĩnh thị phần, bởi chỉ 1-2 năm nữa sẽ không còn thị trường để giành.
Trong khi các hãng viễn thông khác được cấp phép từ 2014 và hiện đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường, chiều tối 14/1, Viettel mới được cấp phép sau 10 năm chờ đợi với nhiều lần lỡ hẹn.
Zing.vn trò chuyện với ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel.
- Chậm chân trong gia nhập thị trường, các ông vẫn đặt mục tiêu tham vọng mà nhiều người cho rằng bất khả thi: trong 3 năm dịch vụ của hãng phủ 95% dân số Myanmar?
- Như tôi đã từng chia sẻ, Myanmar là cô gái không trẻ nhưng vẫn đẹp. Phải thấy rằng Myammar là thị trường đang phát triển, sẽ lên rất nhanh. Cái gì chứ đã kinh doanh, đặc biệt kinh doanh viễn thông thì kinh tế đi lên sẽ có rất nhiều cơ hội.
Hai là, tuy rằng có rất nhiều đối tác đã vào thị trường này trước mình nhưng viễn thông là một dạng dịch vụ đặc biệt. Mỗi người dân không dùng một SIM mà thường có nhiều SIM. Khi có mạng mới ra, người dân sẽ dùng thử thêm một SIM nữa và nếu dịch vụ tốt, giá rẻ, họ sẽ dùng SIM này làm SIM chính. Vì vậy, dù đến sau, Viettel vẫn có cơ hội.
Hơn nữa, viễn thông đang chuyển từ thoại sang data. Thị trường data Myammar vẫn mới bắt đầu, chỉ có khoảng 20% đang dùng data thôi. Với đặc thù vừa data vừa thoại như vậy, thị trường vẫn còn rất mênh mông cho Viettel.
Đó là các cơ sở để Viettel tự tin có thể thành công ở Myanmar.
Ông Lê Đăng Dũng nhấn mạnh việc đối tác chọn Viettel để liên doanh vì hãng có nghề chứ không chọn vì có tiền. Ảnh: Hoàng Hà. |
‘Tìm khe ngách mà đi’
- Nhiều người quan sát thành công của tập đoàn khi ra nước ngoài chính nằm ở việc triển khai diện rộng, tập trung vào thị trường vùng sâu, vùng xa, nông thôn, nơi các nhà mạng đến trước bỏ quên. Thế nhưng tại Myanmar, các hãng khác cũng đã phủ trạm phát sóng ở ven biển lẫn vùng biên. Vậy Viettel có thay đổi cách tiếp cận để giành thị trường mới này?
- Có hai vấn đề: một là đã có sóng hay chưa và hai là chất lượng có đảm bảo không. Các đối tác khác ở Myanmar đã từng muốn phủ sóng các miền nông thôn, vùng sâu vùng xa nhưng chất lượng chưa tốt. Vì thế, cơ hội thị trường nông thôn và vùng sâu vùng xa vẫn còn rất nhiều cho Viettel.
Chúng tôi vẫn giữ định hướng phát triển rộng khắp toàn thị trường, không bỏ nông thôn, vùng sâu vùng xa mà vẫn đảm bảo phát sóng tốt ở thành thị.
- Cạnh tranh về giá là thế mạnh của Viettel khi qua các thị trường quốc tế trước đây, nhưng với Myanmar điều này có vẻ không còn là lợi thế, khi cước phí ở đây tương đối rẻ?
Viettel nhìn ở thì tương lai. Tư duy của Viettel là sẽ làm chiếc bánh thị trường phình to ra và hưởng lợi từ sự phát triển đó.
Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng
Đương nhiên đã làm viễn thông thì người dân vẫn sẽ được hưởng trọn vẹn cả thoại và data. Mình đã có tần số và sẵn sàng triển khai 4G.
- Tháng 3/2016, khi các doanh nghiệp ngoại đấu thầu để lập liên doanh tại Myanmar, mặc dù có một số tên tuổi khác ngỏ ý trước đó, phút cuối chỉ duy nhất Viettel nộp bản kế hoạch kinh doanh, còn các đối tác khác chê, bỏ ý định đầu tư. Điều gì khiến Viettel kiên gan, thậm chí được coi là liều như vậy?
- Đa số đối tác từ bỏ là bởi người ta nhìn vào cơ hội thị trường bây giờ có 3 ông rồi: MPT - doanh nghiệp nhà nước hiện sở hữu 20 triệu người dùng, 2 doanh nghiệp ngoại là Telenor với 17 triệu người dùng và Ooredoo hơn 8 triệu người dùng; 75% dân số dùng điện thoại rồi. Họ cho rằng như vậy thị trường đã hết, không còn cơ hội nữa.
Nhưng Viettel nhìn ra tiềm năng vẫn mênh mông trước mặt. Người dân vẫn có thể dùng nhiều SIM, thị trường data còn hoang sơ, kinh tế lại đang phát triển.
Ông Dũng bắt tay với đối tác Myanmar, trở thành nhà cung cấp viễn thông thứ 4 ở nước này. Ảnh: Viettel. |
Quan trọng là tư duy của mình khác, nên thấy cơ hội khác đi. Họ tư duy an toàn hơn. Họ nhìn miếng bánh nhỏ, còn Viettel nhìn ở thì tương lai. Tư duy của Viettel là sẽ làm chiếc bánh thị trường phình to ra và hưởng lợi từ sự phát triển đó. Như ở Việt Nam, tỷ lệ điện thoại đã là 130%, chứ không phải 100%.
Trong kinh doanh, với những thị trường đang xông xênh, thu hồi vốn nhanh còn thị trường khó khăn hơn sẽ hồi vốn chậm nhưng cơ hội vẫn lớn.
Với người Viettel thì không bao giờ được nghỉ. Là doanh nghiệp, đứng lại là bạn chết, luôn phải vận động, đi lên để tồn tại và phát triển.
Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng
- Đối tác liên doanh với Viettel bao gồm công ty quân đội Myanmar, Star High và liên minh 11 doanh nghiệp địa phương với tên MNTH, trong đó một trong số ít đối tác Myanmar có kinh nghiệm về viễn thông là Yatanarpon Teleport (YTP) thì được đánh giá là gặp nhiều khó khăn tài chính. Liên doanh với đối tác như vậy, Viettel có lo lắng?
- Đúng là đối tác có khó khăn về tài chính. Chúng tôi sẽ đầu tư vốn, mang kinh nghiệm quốc tế để cùng đối tác địa phương phát triển mạng lưới ở Myanmar.
Phải nhấn mạnh, họ chọn chúng tôi vì có nghề chứ không chọn vì có tiền. Kinh nghiệm làm viễn thông ở nước đang phát triển, mới mở cửa, chẳng ai được như Viettel.
Luôn tìm đỉnh mới để chinh phục
- Sau Myanamar, đâu là đích đến tiếp theo. Cuba chăng?
- Viettel đã có mặt ở Cuba từ rất lâu rồi, đặt vấn đề đầu tư từ rất sớm nhưng nhà nước bạn vẫn chưa mạnh dạn triển khai. Bao giờ họ mở cửa, tôi tin họ sẽ mời Viettel bởi quan hệ hai bên rất thân thiết.
Cuba là thị trường Viettel nhắm cho tương lai. CHDCND Triều Tiên cũng vậy. Chúng ta phải đợi thôi.
Nhìn ra thế giới, ngay cả các nước châu Phi, thị trường nào cũng kín mít. Vấn đề là mình có muốn làm không. Muốn làm thì tìm cái khe mà đi, chứ không thì ngồi nhà hết.
Viettel luôn tâm niệm cái mình thành công rồi đến một lúc nào đấy lại trở thành quá khứ nên mình luôn phải tìm những đỉnh mới tiếp theo, tìm những việc mới khác tiếp theo để vươn lên, phát triển thay vì dừng lại.
Bây giờ trong thời của Facebook, Zalo mình phải làm gì? Data bùng nổ, 3G rồi 4G, từ điện thoại thông minh bây giờ là nhà thông minh, thành phố thông minh… Cơ hội phát triển chiều sâu là vậy. Phát triển các thị trường trên thế giới cũng rất rộng mở.
Quan trọng trong kinh doanh là có nhìn ra cơ hội không. Với người Viettel thì không bao giờ được nghỉ. Là doanh nghiệp, đứng lại là bạn chết, luôn phải vận động, đi lên để tồn tại và phát triển.
- Với Myanmar, Viettel sẽ sử dụng công nghệ gì, 3G hay 4G?
- Đây là chuyện mang tính bí mật kinh doanh. Nói chung, data ở Myanmar vẫn đang ở mức độ thử nghiệm sơ khai, tiềm năng dành cho Viettel là rất nhiều. Đặc biệt ở thị trường này, tỷ lệ sử dụng smartphone của người dân cao hơn Việt Nam rất nhiều.