Lãnh đạo Vietcombank nói về nợ xấu cao: 'Rất tự hào!'
Kéo dài đến 12h trưa 16/8, buổi tọa đàm về tín dụng, gỡ khó cho sản xuất kinh doanh tổ chức tại Hà Nội thu hút nhiều ý kiến thẳng thắn từ các ngân hàng, trong đó có Vietcombank.
Ông Phạm Chí Quang, Trưởng phòng quản lý và kinh doanh vốn Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, nợ quá hạn của Vietcombank tăng mạnh song: "Rất tự hào”. Ông nói, Vietcombank đánh giá nợ xấu theo chuẩn quốc tế rất sát, số liệu nợ xấu, nợ quá hạn cũng theo tiêu chuẩn, trích lập dự phòng còn vượt nợ xấu. “Nếu các ngân hàng khác làm theo chuẩn quốc tế thì không lấy đâu ra lợi nhuận”, lãnh đạo này khẳng định. Ông cũng nói thêm, đúng là từ nay đến cuối năm, khả năng sẽ có nhiều ngân hàng báo lỗ.
Bàn về việc tín dụng hiện nay tắc nghẽn, ông Quang nói, các nhà băng trong đó có Vietcombank không biết làm thế nào để cải thiện cấu trúc nguồn thu của mình. Dẫn ví dụ lần thu phí giao dịch ATM gần đây nhất của Vietcombank bị dư luận phản ứng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải ngừng ngay, lãnh đạo này chia sẻ, mỗi ngày, Vietcombank phải duy trì số dư 500 triệu đồng cho một máy ATM. Số ATM của nhà băng này có tổng cộng 2.000, chi phí mỗi máy là 300.000 USD. Muốn tăng cấu trúc nguồn thu cũng khó khăn, ông nói.
Theo tiết lộ của ông Quang, tăng trưởng cho vay của các ngân hàng thương mại đến thời điểm này vẫn âm, nếu không tính kèm dư nợ trái phiếu. Ông phân tích, với cấu trúc tín dụng như vậy, đi kèm số liệu nợ quá hạn là 4%, 8% hay 10% như báo cáo thời gian gần đây chưa kể con số nợ xấu “khổng lồ” mà các nhà băng vay nhau trên thị trường hai thì ngân hàng không dám cho vay. “Từ vấn đề cung tín dụng người ta đã ‘thủ’ và rất cẩn trọng rồi, nên không thể tăng trưởng cho vay bằng mọi giá dù muốn. Cần phải đặt chất lượng tín dụng, chuẩn cho vay lên hàng đầu”, ông Quang chia sẻ.
Lấy dẫn chứng cụ thể tại Vietcombank, lãnh đạo này cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, gần 1 tháng nay, hội sở chính phải “xắn tay áo” chỉ đạo cho vay đến tận chân khách hàng. Dù thế, 2 gói tín dụng một bằng VND trị giá 15.000 tỷ đồng lãi suất 9%/năm, một bằng USD trị giá 700 triệu USD lãi suất 2%/năm, nhưng với “nền kinh tế đã nhiễm độc, ngành nào cũng có nợ xấu, hệ số tín nhiệm của doanh nghiệp giảm từ A xuống 2B là bình thường”, thì việc tìm khách hàng tốt không dễ và nhà băng phải “thủ” là điều dương nhiên.
Ông Quang ví von, chuyện ngân hàng thừa rất nhiều tiền mà không dám cho vay. Thậm chí, chuyện tranh giành khách hàng tốt để cho vay, qua lời lãnh đạo này, trở thành câu chuyện “quý tộc châu Âu đứng hai bên rút súng bắn nhau”, kiểu một sống một chết.
“Ngày hôm qua, có những khoản vay bằng tiền đồng chúng tôi chào khách hàng 6%/năm, để thấy là, nếu khách hàng tốt, ngân hàng sẽ cho vay bằng mọi giá luôn”, ông Quang nói. Hiện, có tình trạng cho vay “cắt lỗ” tại các ngân hàng. “Để an toàn thì ngân hàng cứ ngủ hết, đem tiền gửi Ngân hàng Nhà nước, nhận lãi suất 0%, nhưng thà lấy tiền đó về cho doanh nghiệp vay 6%/năm còn hơn. Nên câu hỏi là doanh nghiệp có đáp ứng đủ chuẩn cho vay hay không cực kỳ quan trọng.
Có những doanh nghiệp đến gõ cửa vay nhưng chúng tôi không thể cho vay, vì chuẩn không đáp ứng mà Vietcombank không thể hạ chuẩn”, ông Quang thẳng thắn chia sẻ.
Còn khi chia sẻ về vấn đề giảm lãi suất cho vay, ông Quang nhận định đây là điều dễ nhất trong hoạt động ngân hàng, nhưng cũng là vấn đề khó nhất. Ông đánh giá: “Dễ là vì chỉ cần điều chỉnh giảm. Nhưng khó là, nếu giảm lãi suất cho vay, anh sẽ phải nhượng lợi nhuận, nhượng ‘nồi cơm’ cho doanh nghiệp”. Theo đó, từ đầu năm, Vietcombank cũng liên tục thực hiện các đợt giảm lãi suất. Hiện tất cả các khoản vay cũ, mới của nhà băng nều đều đã về 15%/năm, chỉ còn 5% nợ đang tồn tại có lãi suất trên mức này. Ước tính của nhà băng này, việc giảm lãi suất khiến cho Vietcombank nhượng 1.800 tỷ đồng cho khách hàng vay.
Cái khó trong giảm lãi suất, theo ông Quang còn là sự tác động đến tiền lương, thu nhập của cán bộ công nhân viên ngân hàng. Ông chia sẻ, nếu năm nay Vietcombank không đạt 7.000 tỷ đồng lợi nhuận, mà còn mất 1.800 tỷ đồng khi giảm lãi vay, thì lương cán bộ nhân viên chắc chắn ảnh hưởng. Lãnh đạo này cũng trần tình, thực tế nếu nhìn lương cán bộ ngân hàng phân theo vùng, mức này sẽ không cao.
Trong khi đó, tính đến thời điểm này, Vietcombank vẫn là ngân hàng nằm trong top trả lương bình quân cho nhân viên cao nhất hệ thống với mức trên 18,9 triệu đồng/người/tháng năm 2011. Còn tính thu nhập bình quân, cán bộ công nhân viên nhà băng này nhận mức 22,4 riệu đồng/tháng, quán quân toàn ngành.
Trước đó, báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm của Vietcombank cho thấy, nợ xấu của ngân hàng này tăng khá mạnh, từ mức hơn 2% đầu năm tăng lên 3,47%, bỏ hơn 2.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro trong 6 tháng.
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank)- đơn vị tổ chức buổi tọa đàm cũng cho biết, tỷ lệ khách hàng đã được giảm lãi suất cho vay các khoản cũ về 15%/năm tại nhà băng này chiếm xấp xỉ 60% tổng số khách hàng vay vốn. Phía Oceanbank cho biết thêm, sẽ cân nhắc cho vay các dự án bất động sản tiềm năng với lãi suất trên dưới 16%/năm. |
LAN ANH
Theo Infonet