"Tiền thu phí của VEC đang có sẵn, vấn đề của chúng tôi là có tiền nhưng không có cơ chế để chi", lãnh đạo VEC than thở với Zing, hai tuần trước khi kết thúc thời hạn hoàn thành dự án thu phí tự động không dừng trên cả nước.
Sau lần vỡ tiến độ cuối năm 2019, dự án có nguy cơ lỡ hẹn lần thứ hai khi nhiều nhà đầu tư đường bộ khẳng định không thể kịp đầu tư hệ thống trước 31/12.
Thế kẹt tại VEC
Cách đây nửa năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và dàn cán bộ GTVT phải kiểm điểm vì để chậm tiến độ thu phí không dừng. Từ đó đến nay, cứ mỗi tháng một lần, tư lệnh ngành giao thông đều họp kiểm điểm tiến độ với các đơn vị liên quan, nhưng thời hạn đưa dự án về đích trước 31/12 vẫn đổ bể.
Trong khi đó, tính đến giữa tháng 12, tiến độ triển khai thu phí không dừng giai đoạn 1 (BOO1) của nhà đầu tư VETC mới đảm bảo 40/44 dự án. Bốn dự án không thể về đích là 4 tuyến cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Trao đổi với Zing, lãnh đạo VEC cho biết đã trình lên Bộ GTVT 4 phương án thu phí không dừng tại các dự án cao tốc mà doanh nghiệp đang quản lý gồm Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.
Bốn phương án thu phí không dừng của VEC gồm có phương án 1 là VEC tự đầu tư bằng tiền thu phí. Phương án 2 là các nhà đầu tư đổ tiền vào và hoàn vốn theo năm. Phương án thứ 3 là các nhà đầu tư đổ tiền vào và cho VEC thuê lại. Phương án thứ 4 là Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư và giao cho VEC quản lý.
"Trong 4 phương án này, chỉ có phương án Nhà nước bỏ tiền đầu tư là không đi kèm điều kiện VEC phải tái cơ cấu. Còn để doanh nghiệp đầu tư vào thì vẫn phải tính dòng tiền, nguồn thu từ đâu để trả cho họ, tóm lại vẫn phải 'cấu' từ tiền thu phí để trả, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính", lãnh đạo VEC chia sẻ.
Một trạm thu phí trên tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã có sẵn công nghệ thu phí không dừng nhưng không thể tích hợp được với hệ thống của VETC. Ảnh: VEC. |
Khẳng định nút thắt nằm ở việc phải tái cơ cấu doanh nghiệp, lãnh đạo VEC cho biết chỉ có Bộ Chính trị mới đủ thẩm quyền quyết định việc này.
Theo Quyết định 19/2020 của Thủ tướng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí không dừng như VETC hay VDTC sẽ nhận dòng tiền từ người sử dụng dịch vụ đường bộ và hoàn trả lại cho nhà đầu tư sau khi đã giữ lại một phần chi phí vận hành cho mình.
Theo mức khấu trừ hiện tại, với mỗi lượt xe đi qua làn ETC, VEC sẽ mất 2,7% doanh thu để trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng. Lãnh đạo VEC cho rằng việc trích tiền thu phí để thanh toán dịch vụ ETC sẽ dẫn đến vỡ phương án tài chính.
Trên thực tế, dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC đầu tư đã có công nghệ thu phí không dừng OBU. Tuy nhiên, công nghệ này không thể liên thông với hệ thống RFID mà VETC đang áp dụng.
Tình huống trớ trêu xảy ra khi nhiều tài xế đã dán thẻ Etag của VETC, đã nạp đủ tiền vào thẻ nhưng khi đi qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn phải mua thêm thẻ không dừng OBU của tuyến này. Để thống nhất, VEC sẽ vẫn phải đầu tư công nghệ RFID, đồng nghĩa với việc hệ thống OBU sẽ trở thành lãng phí.
Hiện, chỉ có một tuyến cao tốc của VEC có hệ thống thu phí không dừng theo công nghệ RFID là tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình. Do dự án này còn nguồn vốn dư nên VEC có chi phí để đầu tư và kết nối với VETC. 4 tuyến cao tốc còn lại của VEC cần triển khai 395 làn ETC theo công nghệ RFID. Chi phí đầu tư giai đoạn đầu là gần 400 tỷ đồng và tổng chi phí khi lắp đặt đủ là khoảng 900 tỷ đồng.
"Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm, chắc chắn là không còn phép màu nào để các tuyến cao tốc của VEC kịp triển khai thu phí không dừng trong năm nay", lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Nhiều trạm BOT khác không thể về đích
Ngoài 4 dự án cao tốc của VEC chắc chắn không thể hoàn thành thu phí không dừng trong năm nay, Bộ GTVT xin Thủ tướng cho hoãn hoặc dừng hẳn việc đầu tư ETC tại một số dự án đường bộ trên quốc lộ.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị không triển khai thu phí không dừng tại 3 trạm thu phí trên quốc lộ 51 do có thời gian thu phí còn lại ngắn, dự kiến kết thúc trong năm 2021. Cùng với đó, 4 trạm thu phí tại tỉnh Cà Mau cũng được kiến nghị không đầu tư ETC do có quy mô nhỏ, lưu lượng xe ít, lắp đặt ETC sẽ không hiệu quả và phá vỡ phương án tài chính các dự án BOT.
Hầu hết trạm thu phí trên quốc lộ đã lắp đặt làn ETC. Một số trạm chưa thể lắp đặt do không thu xếp được nguồn tiền. Ảnh: Ngọc Tân. |
Theo kế hoạch, dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2) của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) có 33 trạm phải triển khai làn ETC. Đến nay mới có 25/33 trạm được lắp đặt. 8 trạm còn lại không thể ký hợp đồng với VDTC do doanh thu thu phí không đạt như dự kiến.
Trạm thu phí Bờ Đậu quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ) được kiến nghị tạm dừng thu phí không dừng do người dân phản đối vị trí đặt trạm. Ba trạm thu phí có doanh thu quá thấp là trạm km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi, cầu Thái Hà cũng được kiến nghị hoãn thu phí không dừng.
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, cho biết đã hoàn thiện liên thông về mặt kỹ thuật giữa 2 dự án BOO1 và BOO2. Sau khi hoàn thiện nốt các thủ tục pháp lý, xe dán thẻ Etag có thể di chuyển qua toàn bộ các trạm của VETC và VDTC.
Cả nước hiện có hơn 4,6 triệu ôtô. Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, khuyến khích tại các trung tâm đăng kiểm, đến nay đã có hơn 1 triệu xe dán thẻ Etag. Cùng với việc hàng loạt trạm thu phí bổ sung làn ETC, tỷ lệ tài xế nạp tiền để sử dụng ETC đã tăng từ 10% lên 46%.
Tại cuộc họp ngày 25/11 của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thu phí không dừng góp phần bảo đảm sự minh bạch và quản lý tốt doanh thu. Đến nay, cơ bản các trạm BOT đã lắp đặt thu phí không dừng, chỉ còn lại một số trạm chưa hoàn thành.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các nhà đầu tư dự án thu phí tự động đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị, bảo đảm đến 31/12 đưa vào sử dụng đồng bộ trên cả nước.
Cùng với đó, các nhà đầu tư BOT khẩn trương phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng để lắp đặt thiết bị thu phí tự động. Trường hợp đến 31/12 chưa vận hành thu phí tự động, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT quyết định dừng hoạt động trạm thu phí theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với một số trạm Bộ GTVT dự kiến chưa thực hiện thu phí không dừng, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá chặt chẽ, toàn diện, đề xuất giải pháp, trong đó làm rõ căn cứ pháp lý, thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng.
Bình luận