Lãnh đạo Trung Quốc chọn thế hệ kế nhiệm?
Một số lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã đến thị trấn duyên hải Bắc Đới Hà để tham dự một hội nghị quan trọng nhằm chọn ra thế hệ lãnh đạo kế tiếp vào cuối tuần này, trước thềm cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm một lần vào cuối năm nay.
Mặc dù truyền thông và các quan chức nhà nước giữ im lặng về phiên họp kín, nhưng phụ tá của một ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác nhận với tờ The Hindu của Ấn Độ sự hiện diện của một số lãnh đạo tại Bắc Đới Hải vào cuối tuần này.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. |
An ninh đã được thắt chặt tại thị trấn duyên hải trong những ngày gần đây. Một số người dân Bắc Kinh muốn đến thị trấn đã bị cảnh sát chặn lại và yêu cầu quay trở về vào hôm 3/8, theo tờ The Hindu.
Tuy nhiên, hiện không rõ tất cả các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc có tham dự hội nghị này hay không. Tờ The Hindu cho biết đây chưa chắc là hội nghị cuối cùng để các lãnh đạo trong quá khứ và hiện tại “mặc cả” về sự lựa chọn những người kế nhiệm trước Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, dự kiến diễn ra vào tháng 10 hoặc tháng 11.
Hội nghị ở Bắc Đới Hà là nghi thức diễn ra 5 năm một lần và được che phủ bởi một bức màn bí mật. Trong lịch sử, khu nghỉ dưỡng ở Tần Hoàng Đảo thuộc tỉnh Hà Bắc là nơi nghỉ ngơi kín đáo của các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc.
Hội nghị lớn cuối cùng được tổ chức ở Bắc Đới Hà diễn ra cách đây 5 năm, trước thềm Đại hội đảng lần thứ 17.
Chương trình nghị sự hàng đầu của các lãnh đạo Trung Quốc là hoàn tất danh sách Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị kế tiếp.
Chỉ có hai trong số chín ủy viên thường vụ hiện tại sẽ tiếp tục ở lại sau quá trình chuyển giao quyền lực. Đó là Phó chủ tịch Tập Cận Bình, người dự kiến sẽ kế nhiệm Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, và Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, người nhiều khả năng sẽ tiếp quản vị trí của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, theo tờ The Hindu.
Cũng theo tờ The Hindu, các đề xuất về việc giảm số lượng ủy viên thường vụ Bộ Chính trị xuống còn bảy người để bớt cồng kềnh nhiều khả năng sẽ được mang ra thảo luận.
Việc giảm số lượng ủy viên thường vụ là một vấn đề tế nhị bởi các lãnh đạo thuộc các phái khác nhau trong quá khứ và hiện tại đều vận động cho đại diện của họ.
Theo tờ The Hindu, sự xuất hiện của cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân trên truyền thông nhà nước trong những ngày gần đây được xem là tín hiệu về sự ảnh hưởng của ông trong các buổi thảo luận sắp diễn ra.
Ít nhất có hai nhân vật được cho là nhận được sự tiến cử của ông Giang Trạch Dân. Đó là Phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn, một trong những quan chức cao cấp nhất phụ trách các vấn đề kinh tế, và ông Trương Đức Giang, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, người được giao nhiệm vụ xử lý cuộc khủng hoảng chính trị ở Trùng Khánh sau vụ kỷ luật người tiền nhiệm Bạc Hy Lai.
Các suất còn lại nhiều khả năng sẽ được lấp đầy bởi ít nhất hai hoặc ba nhân vật thân cận với ông Hồ Cẩm Đào và có liên hệ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.
Các ứng cử viên tiềm năng là ông Lý Nguyên Triệu, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng; ông Lưu Vân Sơn, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương đảng và Ủy viên Quốc vụ viện Lưu Diên Đông, người sẽ trở thành một gương mặt nữ hiếm hoi trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị nếu trúng cử.
Một vấn đề quan trọng khác sẽ được thảo luận là số phận của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, người mất chức ủy viên Bộ Chính trị vì “những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Vào tuần trước, nhà chức trách Trung Quốc thông báo bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc, đã bị khởi tố tội sát hại thương nhân người Anh Neil Heywood. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Hợp Phì ở tỉnh An Huy vào tuần tới.
Theo Thanh Niên