South China Morning Post cho hay lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có cuộc hội đàm bên lề hội nghị nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) vào ngày 5/9 tại thành phố Hạ Môn ở miền nam Trung Quốc. Đây là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi cuộc tranh chấp kéo dài hàng tháng ở biên giới hai nước kết thúc.
Các nhà phân tích cho biết hai bên ngờ vực lẫn nhau trong nhiều vấn đề và căng thẳng vừa qua có thể gây ra những hệ quả lâu dài cho quan hệ song phương.
Chủ tịch Tập lẫn Thủ tướng Modi đều chưa từng đề cập trực tiếp đến cuộc tranh chấp ở khu vực Doklam (Trung Quốc gọi là Donglang) tại ngã ba biên giới với Bhutan. Tuy nhiên, sự việc đã làm bùng nổ cuộc khẩu chiến giữa Bắc Kinh và New Delhi, thậm chí có nguy cơ biến thành xung đột.
Chủ tịch Tập Cận Bình đón Thủ tướng Modi trong ngày khai mạc hội nghị BRICS. Ảnh: Reuters. |
Các nhà quan sát cho biết hai bên đều có áp lực phải tìm giải pháp cho vấn đề trước khi hội nghị BRICS diễn ra. Vấn đề giờ đây là liệu ông Tập và ông Modi có thể đưa ra cam kết phù hợp để ngăn chặn một cuộc tranh chấp tương tự trên đường biên giới kéo dài giữa hai nước.
Vấn đề an ninh chiến lược cũng có thể là trọng tâm tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. New Delhi lo lắng về Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan, việc Trung Quốc phản đối Ấn Độ gia nhập Nhóm Cung cấp Hạt nhân cũng như sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, Bắc Kinh nổi giận khi Ấn Độ không tham dự hội nghị "Vành đai và Con đường" diễn ra hồi tháng 5. Đây là chiến lược đầy tham vọng của Trung Quốc mà trong đó Ấn Độ là một mắt xích quan trọng.
Phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị BRICS, Chủ tịch Tập nhấn mạnh rằng các nước BRICS cần "củng cố hòa bình và ổn định quốc tế". Trong khi đó, Thủ tướng Modi nói khối BRICS đã đóng góp cho sự hợp tác hòa bình trong một thế giới "đang đi về phía bất định".
Theo các nhà phân tích, bất chấp căng thẳng biên giới hay nguy cơ an ninh, hai ông lớn châu Á vẫn có nhiều cơ hội trong hợp tác kinh tế, bao gồm thương mại và đầu tư. Ông Tập và ông Modi có thể tìm cách để cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai nước, bao gồm đề cập lo lắng của New Delhi về việc chịu thâm hụt thương mại từ Trung Quốc.
Việc mở rộng khối BRICS (nhóm nước hiện bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng có thể được chủ tịch Trung Quốc đưa ra thảo luận với thủ tướng Ấn Độ. Bắc Kinh muốn thêm nhiều nước vào khối này song New Delhi quan ngại về việc đó là những nước ủng hộ Trung Quốc.
Tại hội nghị lần này, Trung Quốc đã mời Thái Lan, Mexico, Ai Cập, Tajikistan và Guinea tham dự trong khuôn khổ BRICS+. Hồi năm ngoái, New Delhi cũng mời một số nước khi tổ chức hội nghị BRICS, song Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng việc mời khách của Trung Quốc năm nay "không nên liên quan tới bất cứ sự mở rộng nào của BRICS lúc này".