Những ngày đầu cách ly xã hội, đường phố TP.HCM không còn cảnh tấp nập. Việc giãn cách đem lại hiệu quả khi 6 ngày đầu tháng 4, TP.HCM không phát hiện ca nhiễm mới.
Tuy nhiên, không lâu sau, sự cảnh giác cao độ của người dân giảm đi phần nào. Từ chiều 6/4, nhiều tuyến đường ở TP.HCM có mật độ xe lưu thông đông đúc. Không ít thời điểm, các nút giao chật kín phương tiện dù đang trong thời gian cách ly xã hội.
Kết quả khả quan vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng 6 ngày liên tiếp không có ca nhiễm Covid-19 mới đã khiến một bộ phận người dân địa phương chủ quan, lơ là dịch bệnh.
Ông Liêm đề nghị tới từng phường, xã phải áp dụng mọi biện pháp quyết liệt để tinh thần của Chỉ thị 16 không suy giảm trong "giai đoạn vàng" chống dịch.
Đường phố TP.HCM đông đúc trở lại trong đợt cách ly xã hội. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Nhắc lại những yêu cầu trong Chỉ thị 16 về việc người dân hạn chế ra ngoài trong 15 ngày, lãnh đạo UBND TP.HCM nói tình trạng đông người hiện tại sẽ gây nguy hiểm vì vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
"Đây là vấn đề cấp bách. Thực tế những ngày qua, số lượng người dân ra đường tăng trở lại không rõ lý do, không thật sự cần thiết, không đảm bảo giãn cách đủ 2 m. Dù ca nhiễm giảm, việc chống dịch không thể lơ là bất kỳ lúc nào vì luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm", Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Khi nhận thấy sự thờ ơ trước dịch bệnh, ngày 7/4, TP.HCM đã thực hiện những biện pháp mạnh tay hơn. Chế tài đối với người không đeo khẩu trang, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch được áp dụng.
Chỉ trong 2 ngày, lực lượng chức năng xử phạt 2.482 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. Ngoài ra, 62 chốt, trạm kiểm dịch trên địa bàn đã kiểm tra khoảng 110.000 người tham gia giao thông, trong đó có 392 người nước ngoài. Lực lượng chức năng đã phát hiện 60 người có thân nhiệt cao và 1 trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19.
62 trạm, chốt kiểm dịch y tế được dựng tại cửa ngõ TP.HCM. Ảnh: Y Kiện. |
Chiều 9/4, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu UBND các cấp tăng cường biện pháp giám sát, kiểm tra để thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16. Cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền để người dân không ra đường nếu không thật sự cần thiết. Người trên 60 tuổi phải ở nhà toàn thời gian.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã làm việc với sở LĐTB&XH và 24 quận, huyện về việc giám sát biện pháp phòng, chống Covid-19. Sở Y tế đã đề nghị ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương cần tăng cường xử phạt để đảm bảo chấp hành nghiêm chỉ thị 16.
Không đảm bảo an toàn thì dừng sản xuất
Ngoài việc người dân đổ ra đường, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, còn bày tỏ lo ngại với việc tổ chức hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp thời gian này. Với quy mô lên đến hàng chục nghìn người lao động làm việc tại một địa điểm, hậu quả của việc không tuân thủ tuyệt đối quy định phòng, chống dịch mang lại là không tưởng.
"Trong giai đoạn quyết định của thời gian giãn cách xã hội, nếu kiểm soát tốt hoạt động phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, khu chế xuất, chúng ta sẽ đảm bảo được an toàn", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định.
Để thực hiện nghiêm túc đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19, UBND TP.HCM đã phân cấp quản lý, giám sát với từng quy mô doanh nghiệp. Thanh tra liên ngành gồm Sở Y tế, Sở LĐTB&XH, Sở Xây dựng sẽ giám sát doanh nghiệp trên 3.000 lao động. Còn UBND quận, huyện, phường xã sẽ giám sát đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn.
Hình ảnh chen chúc giờ tan ca tại một khu công nghiệp thuộc quận Bình Tân (TP.HCM). Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh lấy ví dụ về công ty Pouyuen (quận Bình Tân, TP.HCM) có hơn 70.000 người lao động nhưng không đáp ứng được yêu cầu theo bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19. Theo quy định, cơ sở sản xuất có mức rủi ro 80-90% không được phép hoạt động, còn doanh nghiệp này có chỉ số là 91%.
"Công ty Pouyuen ban đầu đã tự làm bản đánh giá rủi ro lây nhiễm là 52%. Tuy nhiên, đoàn giám sát đánh giá lại và cho kết quả 91%", ông Bỉnh thông tin.
Thực trạng thiếu an toàn phòng dịch trong sản xuất tại khu công nghiệp, khu chế xuất đã được đưa ra bàn luận. Đại diện UBND quận Bình Tân - một trong những quận tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất trong, ngoài nước nhất TP.HCM - cho hay qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp sản xuất ở địa phương còn tiềm ẩn những yếu tố không đảm bảo an toàn.
Tại buổi họp phòng chống Covid-19 tại TP.HCM chiều 8/4, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định các doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất nếu đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Nếu không đảm bảo an toàn tuyệt đối, chính quyền cần nghiên cứu tạm dừng hoạt động các doanh nghiệp này.
“Nhà nước không ngăn cản doanh nghiệp sản xuất, nhưng phát triển kinh tế phải đảm bảo yêu cầu, không gây rủi ro cho an toàn người dân. Khi nào doanh nghiệp khắc phục được các tiêu chí về phòng chống dịch bệnh thì mới được sản xuất”, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nhấn mạnh.
Tính đến sáng 9/4, Việt Nam ghi nhận 251 trường hợp mắc Covid-19 (156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%; 95 người lây nhiễm thứ phát). Trong đó, 126 ca bệnh đã được điều trị khỏi.
Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 77.298. Trong đó, 1.248 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 46.503 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú và 37.544 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác.
TP.HCM ghi nhận 54 người dương tính với Covid-19, 35 người đã được xuất viện. 6.384 trường hợp tiếp xúc với ca bệnh đang được theo dõi và cách ly. Trước đó, TP.HCM đã xác minh, điều tra 20 trường hợp từng đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 13/3 đang sinh sống trên địa bàn.