Trong phần hỏi đáp tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tập đoàn Novaland sáng 5/6, các thắc mắc của nhà đầu tư dành cho ban lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản này phần lớn xoay quanh các kế hoạch kinh doanh 2020 hậu dịch Covid-19.
Tháo gỡ dự án chậm sổ đỏ trong quý III, IV
Trả lời câu hỏi về sự ảnh hưởng của đại dịch đến hoạt động kinh doanh, Tổng giám đốc Novaland Bùi Xuân Huy cho biết nhờ kịch bản ứng phó chủ động, hoạt động vận hành của công ty vẫn diễn ra bình thường. Kế hoạch bàn giao các dự án năm 2020 chưa có sự thay đổi. Với hoạt động đầu tư, công ty sẽ chủ động rà soát giãn tiến độ.
Một cổ đông băn khoăn công ty làm thế nào để hoàn thành kế hoạch bán hàng năm nay sau khi đại dịch xảy ra. Giám đốc Tài chính doanh nghiệp Nguyễn Thái Phiên chia sẻ mục tiêu doanh số của Novaland năm 2020 là 8.000 căn, tăng 25% so với 2019.
Ông Phiên cho hay khi dịch Covid-19 xảy ra, doanh nghiệp đã chủ động giãn thanh toán cho khách hàng mua nhà. Một lợi thế của Novaland là tỷ lệ khách hàng mua nhà có vay vốn ngân hàng chỉ là 20% trong khi với nhiều doanh nghiệp bất động sản khác lên tới 50-60%.
Ngoài ra, trong năm nay, doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối thông qua hệ thống đại lý bán hàng ngoài đội ngũ nhân sự nội bộ, áp dụng công nghệ, triển khai các chương trình ưu đãi. Đại diện Novaland tiết lộ đến cuối quý I, công ty đã bán được 2.600 căn.
Một cổ đông khác đề nghị lãnh đạo công ty cung cấp thông tin về việc giải quyết cho một số dự án của Novaland đang chậm cấp sổ đỏ tại TP.HCM. Giám đốc Pháp lý Lương Thị Thu Hương cho biết việc dự án chậm có sổ đỏ chủ yếu do vướng mắc về thủ tục pháp lý, các cơ quan chức năng chậm định giá tiền sử dụng đất.
Sau khi các doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM gửi kiến nghị, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Với các dự án đang vướng mắc về vấn đề sổ đỏ, công ty sẽ cố gắng tháo gỡ trong quý III, IV năm nay.
Tổng giám đốc Bùi Xuân Huy (đứng), Giám đốc Pháp lý Lương Thị Thu Hương và Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn. Ảnh: NVL. |
Chủ tịch Bùi Thành Nhơn cũng chia sẻ Novaland đã được tháo gỡ vướng mắc với nhiều dự án nhưng vẫn còn một số dự án bị chậm pháp lý; ảnh hưởng đến tiến độ bán hàng, cam kết với khách hàng; tiến độ xây dựng, gây thiệt hại đến doanh thu, lợi nhuận và uy tín của doanh nghiệp.
“Đây là những vướng mắc trong các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai, Novaland chỉ là điển hình cho những khó khăn chung của doanh nghiệp trong ngành gặp phải”, ông Nhơn phát biểu.
3 trụ cột
Về định hướng dài hạn, CEO Bùi Xuân Huy cho biết chiến lược sản phẩm trọng tâm của Novaland gồm 3 dòng sản phẩm là bất động sản ở trung tâm TP.HCM, khu đô thị vệ tinh và bất động sản nghỉ dưỡng. Trong ngắn hạn, công ty sẽ tập trung vào các dự án thiết thực, phù hợp nhu cầu của đại đa số khách hàng.
Trong quỹ đất gần 5.000 ha của Novaland hiện tại, ông Huy chia sẻ 14% để phát triển bất động sản trung tâm, 15% cho đô thị vệ tinh và 71% của bất động sản nghỉ dưỡng.
Dù bất động sản nghỉ dưỡng đang gặp khó khăn do Covid-19 và việc một số dự án condotel không trả lãi suất cam kết, lãnh đạo Novaland cho rằng nhu cầu nghỉ dưỡng có thật nên các dự án nếu đạt tiêu chuẩn quốc tế, có ưu điểm vượt trội vẫn sẽ thu hút du khách.
Đại diện Novaland nhấn mạnh các dự án nghỉ dưỡng của doanh nghiệp nằm ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu nên có thể di chuyển từ TP.HCM bằng đường bộ. Đây là một lợi thế so với những dự án ở các khu vực phải di chuyển bằng đường hàng không.
Giám đốc Tài chính Nguyễn Thái Phiên cũng cho rằng việc TP.HCM đang phát triển khu đô thị sáng tạo phía đông là một ngoại lực thuận lợi cho doanh nghiệp khi 70% quỹ đất tại TP.HCM của công ty ở khu đông. Các dự án nghỉ dưỡng của Novaland cũng đều nằm ở hướng đông TP.
Đại hội cổ đông của Novaland thông qua mục tiêu doanh thu thuần 14.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.650 tỷ cho năm 2020. Tại đại hội, ông Lê Quốc Hùng, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT độc lập.