"Như Tổng bí thư nói, nhiều người khéo che đậy nên 'đừng tưởng đỏ là chín'. Người thực đức thực tài bao giờ cũng khiêm tốn, giản dị", GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ với Zing.
Hội nghị Trung ương 12 đã bàn thảo, quyết định nhiều việc quan trọng, trong đó có nội dung về nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Những lưu ý về nội dung này trước đó đã được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài viết trước thềm hội nghị cũng như khi phát biểu bế mạc.
GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, bày tỏ sự đồng tình với quan điểm “chọn người” và “dùng người” của người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Zing ghi lại ý kiến của GS Hoàng Chí Bảo.
Đạo đức, năng lực của lãnh đạo phải được nhân dân thừa nhận
Chúng ta đang ở giai đoạn rất khẩn trương chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII, trong đó nổi lên hai vấn đề lớn.
Một là Đảng ta phải chuẩn bị văn kiện thật tốt vì văn kiện lần này tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tính từ Cương lĩnh năm 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung và phát triển.
Hai là vấn đề nhân sự. Trên thực tế, bao giờ vấn đề nhân sự cũng hệ trọng và có tính quyết định, bởi phải có một ban lãnh đạo cấp cao thực đức thực tài, thực sự xứng đáng là tinh hoa của Đảng, của dân tộc thì mới có khả năng chuyển tư tưởng, nghị quyết của Đảng trong các văn kiện thành hiện thực.
GS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Hoài Vũ. |
Rút kinh nghiệm từ những Đại hội trước đây và kinh nghiệm từ thực tiễn về công tác cán bộ, ta phải cố gắng thể hiện quyết tâm cao nhất làm sao chọn được nhân vật thực sự xứng đáng vào ban lãnh đạo cấp cao thuộc Ban Chấp hành Trung ương khoá tới.
Vậy tiêu chuẩn của những người sẽ được lựa chọn vào Ban chấp hành Trung ương khoá mới phải là như thế nào?
Biểu hiện của người có bản lĩnh chính trị là họ không bao giờ mất phương hướng
GS Hoàng Chí Bảo
Trước hết, đó phải là người có tầm nhìn chiến lược, có trình độ hiểu biết thấu đáo các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Vì họ là những người đưa ra quyết sách để phát triển đất nước nên phải có trí tuệ khoa học cao, có trình độ, có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Biểu hiện của người có bản lĩnh chính trị là họ không bao giờ mất phương hướng vì trong chính trị, mất phương hướng có thể đưa sự nghiệp đến chỗ đổ vỡ và thất bại.
Bản lĩnh chính trị ấy còn biểu hiện cả về phương diện đạo đức khi cán bộ có thể vượt qua được cám dỗ của lợi ích, của đồng tiền, danh vọng trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
Còn về đạo đức, nhân cách, lối sống, cán bộ được lựa chọn cũng phải thực sự gương mẫu, đúng như lời Bác Hồ nói “một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn”. Cán bộ phải “nói đi đôi với làm”, “nói ít làm nhiều”, cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư.
Quan trọng hơn, cả đạo đức và trí tuệ, năng lực của người lãnh đạo phải được nhân dân thừa nhận
GS Hoàng Chí Bảo
Đặc biệt, phải thể hiện cuộc sống giản dị, trong sạch, liêm khiết, không có chút vướng mắc, bất minh về cá nhân.
Đức và tài phải là một thể thống nhất trong nhân cách con người. Bác Hồ từng nói có đức mà không có tài thì vô dụng, làm việc gì cũng khó, thậm chí hỏng việc, nhưng có tài mà không có đức thì nguy hiểm hơn. Bởi họ có thể làm điều xấu, điều ác một cách có tính toán, cái hại họ gây ra lớn hơn rất nhiều so với cái hại của một người hiểu biết kém, trình độ thấp gây ra những sai lầm tự phát.
Nhưng quan trọng hơn, cả đạo đức và trí tuệ, năng lực của người lãnh đạo phải được nhân dân thừa nhận, được nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao. Nhân dân là người có tiếng nói khách quan, đúng đắn nhất trong đánh giá cán bộ.
Cắt u nhọt để cứu cơ thể khỏe mạnh
Khóa XII, chúng ta đã có bài học đau đớn phải trả giá đắt khi nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Có lẽ ít có khóa nào mà chưa hết nhiệm kỳ đã có gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau, thậm chí đưa ra xử hình sự ở tòa án. Sai lầm của cán bộ giống như u nhọt trên cơ thể, cắt đi rất đau đớn nhưng phải làm để cứu cả cơ thể khỏe mạnh.
Bài học đó cảnh báo cho chúng ta một điều là lần này chọn người phải vượt qua được những khiếm khuyết ấy.
Trong khóa mới, phải làm nhân sự rất thận trọng, tìm đúng người, giao đúng việc, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Cụ thể hơn, hãy thử nhìn vào 3 thành phố lớn nhất cả nước: Hà Nội - là thủ đô, TP.HCM - là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, Đà Nẵng - từng là một trong những đầu tàu thúc đẩy đổi mới. Vậy mà lãnh đạo cao nhất của 3 địa phương này đều bị kỷ luật, việc này nói lên điều gì?
Theo tôi, thực trạng này chính là do đánh giá không đúng cán bộ, bố trí không đúng cán bộ gây hậu quả tai hại, làm tổn thương uy tín, ảnh hưởng đến danh dự của Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân.
Bởi vậy trong khóa này, chúng ta phải làm rất thận trọng, tìm đúng người, giao đúng việc, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Nguyên nhân cán bộ tha hóa có phần xuất phát từ phía cơ chế, chúng ta bố trí cán bộ nhưng lại buông lỏng và xem nhẹ kiểm tra, giám sát khiến các sai phạm được phát hiện quá muộn màng, không còn cơ hội sửa chữa.
Chúng ta cũng chưa chú ý đúng mức giáo dục đạo đức cho đảng viên, nhất là với người có trọng trách trong cơ quan quyền lực. Những cám dỗ về lợi ích, vật chất khiến cán bộ rất dễ sa ngã.
Song, quan trọng là khả năng tự tu dưỡng, tự giáo dục của từng cán bộ. Tất cả cán bộ cao cấp bị kỷ luật đều có điểm chung là khi đã ở cương vị như thế nhưng lại không chú trọng vấn đề danh dự, liêm sỉ, không tự kiềm chế bản thân và giáo dục chính mình, làm những điều sai trái để cuối cùng phải trả giá đắt.
Danh sách nhân sự dự kiến bầu vào Trung ương khóa mới có thể tính toán công khai để người dân biết và đóng góp ý kiến
GS Hoàng Chí Bảo
Vì thế lần này ta phải đặc biệt đề cao khả năng tự giáo dục, tự chịu trách nhiệm trước nhân dân, tự bảo vệ nhân cách của mình với những người ngồi vào cương vị lãnh đạo.
Chúng ta thường nói phải dân chủ trong lựa chọn cán bộ. Vậy để dân chủ, người dân phải nắm được thông tin về cán bộ, đó là mong muốn hợp lý, cần thiết, phản ánh một yêu cầu dân chủ thực chất.
Danh sách nhân sự dự kiến bầu vào Trung ương khóa mới cũng có thể tính toán công khai để người dân biết và đóng góp ý kiến.
Trong Đại hội sắp tới, Đảng ta còn có thể đưa cả dự thảo văn kiện ra để lấy ý kiến đóng góp của toàn dân. Văn kiện gắn liền mật thiết với nhân sự nên việc cung cấp thông tin dự kiến nhân sự của Trung ương cũng là việc nên để cho dân biết, dân bàn.
Đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, đề cử
Câu chuyện nhân sự lần này là chuyện hệ trọng, không chỉ cho nhiệm kỳ 5 năm của khóa XIII mà còn có tác động lâu dài trong sự trưởng thành bền vững của Đảng ta.
Đặc biệt, chọn cán bộ phải rất cẩn thận, tỉnh táo để không bị nhầm lẫn, làm sao chọn ra người lãnh đạo cao nhất thực sự xứng đáng để giao trọng trách đưa sự nghiệp đất nước tiến lên.
Nhân sự cho khóa mới, cần phải “ chọn mặt gửi vàng”, chứ đừng “giao trứng cho ác”. Vì sao ta phải lưu ý vấn đề này?
Bởi như Tổng bí thư từng nói, “nhiều người khéo léo che đậy lắm”, nên “đừng tưởng đỏ là chín”.
Người thực đức thực tài bao giờ cũng khiêm tốn và giản dị. Nếu không, họ thường lấy nhiều thứ làm “trang sức” để che giấu yếu kém bên trong, dễ gây nhầm lẫn.
Thực tế trong cuộc sống, rất nhiều người giỏi che đậy. Có cán bộ trong túi có đủ loại bằng cấp và bảng thành tích dài dằng dặc nhưng thực chất không làm được việc. Những thứ đó chỉ như “đồ trang sức” trang trí cho đẹp, che đậy khiếm khuyết bên trong mà thôi.
Có thể thấy, hầu hết cán bộ bị kỷ luật đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vô hiệu hóa cả tập thể lãnh đạo, thao túng tất cả. Những sai lầm này nếu không được phát hiện sớm sẽ làm mất uy tín cả những người làm thực chất. Khi cái giả nhiều quá lấn át đi cái thực, ảnh hưởng chung đến cả xã hội, tạo ra đánh giá lệch lạc của cả xã hội về vấn đề con người, bằng cấp.
Lựa chọn nhân sự lãnh đạo cho khóa mới phải "chọn mặt gửi vàng". Ảnh: Đoàn Bắc. |
Để sửa chữa khuyết điểm này không hề đơn giản, phải thực hiện đồng bộ hàng loạt giải pháp từ cơ chế chính sách, lựa chọn con người, nâng cao chất lượng đào tạo và bố trí cán bộ, để cuối cùng chọn đúng người có đức có tài, giao đúng việc và kiểm tra, giám sát thường xuyên, ngăn chặn từ xa cái xấu, cái hư hỏng.
Giới thiệu nhân sự lần này, chúng ta đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, đề cử. Việc này thực ra không mới vì từ thời phong kiến, người giới thiệu cán bộ tốt được coi là người có công. Ngược lại, giới thiệu sai người sẽ bị xử lý.
Người thực đức thực tài, bao giờ cũng khiêm tốn và giản dị
GS Hoàng Chí Bảo
Nhưng nay chúng ta yếu về chế tài, mới chủ yếu là động viên về đạo lý mà chưa có công cụ kiểm soát, xử lý. Lần này, theo tôi cần quy định rõ người giới thiệu phải liên đới chịu trách nhiệm về nhân sự mình giới thiệu căn cứ vào thực tế diễn ra tốt hay xấu. Lâu nay ta không làm được nên khi có việc xảy ra không biết quy trách nhiệm cho ai.
Với những gì Tổng bí thư đã nhấn mạnh và những vấn đề đã được bàn thảo, quyết định ở Hội nghị Trung ương 12, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hy vọng rằng Đại hội XIII sẽ chọn được đội ngũ đủ sức lãnh đạo đất nước trong thời kỳ rất quan trọng, được coi là bước ngoặt của phát triển.
Dĩ nhiên trong thực tế ta không thể cầu toàn, tuyệt đối nên rất có thể sẽ có phân số nhỏ bé không đáp ứng kỳ vọng, nhưng qua công việc ta có thể phát hiện sớm, xử lý nghiêm để đảm bảo bộ máy chất lượng.
Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm sau:
(1) Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
(2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình.
(3) Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
(4) Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm.
(5) Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp.
(6) Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.
(7) Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; chú ý tăng thêm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên).
Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.
*Trích phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12 của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.