Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Lãnh đạo hãng viễn thông phải chịu trách nhiệm cá nhân về SIM rác'

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các chủ tịch, tổng giám đốc các nhà mạng phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu không xử lý được SIM kích hoạt sẵn, hay còn gọi là SIM rác.

"Chỉ có ở Việt Nam, việc mua SIM mới dễ dàng như hiện nay", đây là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT). Thủ tướng cũng yêu cầu ngành cần xử lý triệt để vấn đề SIM rác.

Thủ tướng yêu cầu, chủ tịch, tổng giám đốc các hãng viễn thông phải chịu trách nhiệm cá nhân về SIM rác, bởi nếu không xử lý được thì hậu quả khôn lường.

so luong sim rac 2019 anh 1
Thủ tướng cho rằng "chỉ có ở Việt Nam, việc mua SIM mới dễ dàng như hiện nay". Ảnh: Ngô Minh.

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn là điều cả ngành trăn trở và cố gắng nhiều năm nay, nhưng thời điểm này vẫn là vấn đề nhức nhối cần phải giải quyết.

Ông Trung dẫn báo cáo của các doanh nghiệp cho biết sau một năm số lượng thuê bao đăng ký mới khoảng 37 triệu nhưng số thuê bao phát triển mới trong năm 2018 chỉ khoảng 13 triệu. Nói cách khác, khoảng 24 triệu SIM được dùng thay thẻ nạp tiền.

Nguyên nhân chính, theo ông Trung, là việc lấy số lượng thuê bao làm số đo thành tích và và kết quả kinh doanh. Doanh nghiệp viễn thông, vì thế, tìm mọi cách để tăng số lượng thuê bao.

Trong khi đó, quy định về số lượng thuê bao mà một tổ chức, cá nhân đứng tên bất hợp lý, một đơn vị, cá nhân có thể đứng tên với không giới hạn số lượng SIM.  Người dân lại không muốn mất thời gian làm thủ tục đăng ký, chưa hiểu hết trách nhiệm liên đới khi SIM đứng tên mình bị sử dụng vào mục đích phi pháp. 

Để xử lý vấn đề này, Cục Viễn thông nhấn mạnh giải pháp kinh tế, bởi nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ vấn đề kinh tế và chính sách phát triển của doanh nghiệp.

Cụ thể, đơn vị này đề xuất thống nhất mức trần đối với chi phí phát triển thuê bao mới của tất cả doanh nghiệp ở mức không quá 7.500 đồng. Đồng thời, Cục cũng cho rằng cần yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông không cung cấp các gói khuyến mại "khủng" nói chung, đặc biệt là với thuê bao mới.

Bên cạnh đó, Cục cũng đề xuất cần có giới hạn SIM sở hữu trên mỗi cá nhân. Theo đơn vị này, nhiều nước trong khu vực đã có cơ sở dữ liệu giấy tờ tùy thân để xác thực thông tin thuê bao chính xác vẫn có quy định cứng về hạn chế số lượng SIM hoặc rất chặt chẽ với khách hàng đăng ký nhiều SIM.

Ở Việt Nam, việc hạn chế cứng số lượng SIM đã được Bộ TT&TT đề xuất khu dự thảo Nghị định 49 nhưng không nhận được ủng hộ.

Trước mắt, trong dự thảo Nghị định 25 sửa đổi mới trình Chính phủ, Bộ TT&TT đang đề xuất giải pháp một cá nhân đăng ký nhiều hơn 3 SIM, một tổ chức đăng ký nhiều hơn 100 SIM chỉ được thực hiện tại các điểm của doanh nghiệp.

Cục Viễn thông cũng kiến nghị cần giới hạn lượng SIM tối đa mà một tổ chức hay cá nhân được quyền sở hữu. Có thể cân nhắc mỗi cá nhân không được sở hữu quá 7 SIM với mỗi nhà mạng.

Trước đó, theo lãnh đạo Bộ TT&TT, từ cuối năm 2016, các nhà mạng đã tiến hành thu hồi sim rác kích hoạt sẵn. Từ tháng 7/2017 đến nay đã thu hồi được 24 triệu sim, trong đó 50% thuộc về nhà mạng lớn nhất là Viettel. Thứ hai là tổ chức đăng ký lại thông tin thuê bao, từ 7/2017, các nhà mạng tổ chức đăng ký lại trong đó có chụp ảnh, những thuê bao chưa đủ thông tin mà không đăng ký lại thì kiên quyết cắt dịch vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp căn cơ để quét sạch SIM rác

Tân Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng giải pháp căn cơ nhất để xử lý vấn đề SIM rác là phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.


Ngô Minh

Bạn có thể quan tâm