Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo EVN lên tiếng việc gộp tiền hiếu hỷ vào chi phí

Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho hay đã đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính bỏ nội dung gộp tiền hiếu hỷ vào chi phí kinh doanh ra khỏi Dự thảo Nghị định vì không cần thiết.

Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Bộ Tài chính vừa công bố đang gây bão dư luận.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc bộ Tài chính cho phép EVN gộp cả tiền hiếu, hỷ… vào chi phí hoạt động kinh doanh vừa phi lý vừa bất bình đẳng.

Trao đổi riêng với Zing.vn về vấn đề này, Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cho hay đây không phải là quy định mới và EVN đã đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính bỏ nội dung trên.

Không ưu ái riêng EVN

hieu hy EVN anh 1

Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri. Ảnh: Đất Việt

Ông Tri cho rằng đó là dự thảo của Bộ Tài chính, được đưa ra để xin ý kiến. Về chính sách hiếu, hỷ, từ trước tới nay EVN vẫn thực hiện theo thông tư 96 của Bộ. Thông tư này quy định rất rõ và áp dụng chung cho tất cả mọi doanh nghiệp chứ không riêng EVN.

“Tổ soạn thảo bên Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã copy nội dung trên từ Thông tư 96 của Bộ Tài chính để đưa vào Dự thảo Nghị định. Tôi đã nói với lãnh đạo Bộ là bỏ cái đó đi. Đã là quy định chung cho cả nước rồi việc gì phải đưa vào quy chế tài chính của đơn vị", ông Tri nói.

Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri tiết lộ thêm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay tới đây sẽ bỏ nội dung trên khỏi dự thảo Nghị định.

Tiền hiếu, hỷ không liên quan tới giá điện

Theo ông Tri, từ trước tới nay, các đơn vị của EVN chi tiền hiếu, hỷ theo quy định chung của Bộ Tài chính. Việc chi tiền hiếu, hỷ ra sao tùy vào sự hảo tâm của từng đơn vị.

“Nếu đúng chế độ theo thông tư 96 thì người ta được phép hạch toán, nhưng cái đó có đáng bao nhiêu đâu.  Tôi nghĩ bới móc chuyện này không nhân đạo tí nào vì nó tùy vào cái tâm của từng người, nên để giám đốc doanh nghiệp tự quyết chuyện đó”, ông Tri nêu quan điểm.

Vị lãnh đạo EVN này cũng cho rằng cần xem lại việc phản ứng của dư luận xem có đáng không khi mà quy định trên áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp và đã triển khai lâu nay.

“Giờ người ta chỉ chép lại, ném đá gì? Tôi toàn tự bỏ tiền túi ra để lo việc hiếu, hỷ cho anh em. Cơ quan chỉ chi được cùng lắm là 1 – 2 triệu đồng trong trường hợp bố/mẹ, vợ/chồng của nhân viên EVN mất. Những thứ mua thêm như vòng hoa… cần phải có chứng từ mới được hạch toán”, ông Tri nhấn mạnh.

hieu hy EVN anh 2
Lãnh đạo EVN khẳng định tiền hiếu, hỷ không liên quan tới giá điện. 

Khẳng định tiền hiếu, hỷ không liên quan, không ảnh hưởng tới giá điện, ông Tri phân tích, giá điện được tính trên tổng chi phí EVN mua của các đơn vị tức là nó nằm trong giá thành của các nhà máy, liên quan tới lãi – lỗ của từng đơn vị sản xuất kinh doanh của EVN chứ đây không phải là cớ để tăng giá điện.

“Mọi người cứ hay bị bệnh “giật mình” chứ tôi khẳng định rất nhiều lần rồi EVN chưa có lộ trình tăng giá điện”, ông Tri nhấn mạnh.

EVN không còn muốn độc quyền về điện

Nhân chuyện này, ông Tri cho biết thêm: “Chúng tôi đang không muốn độc quyền về điện. EVN đang toát hết mồ hôi mà điện chẳng đủ dùng. Chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư mà chưa ai nhảy vào”.

Lý do “chưa ai nhảy vào được” theo ông Tri là do tiền đầu tư một nhà máy hàng tỷ USD, không phải ai cũng có tiền để làm.

“Rào cản vào ngành điện chính là vốn đầu tư một dự án quá lớn”, ông Tri khẳng định.

Trước đó, như chúng tôi đã thông tin, Điều 26 của Dự thảo Nghị định này có quy định về 19 khoản chi phí được tính vào chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong đó có nhiều khoản chi “bất ngờ”.

19 khoản chi phí được tính vào chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm cả tiền hiếu, hỷ, chi phí nghỉ mát, khen thưởng cho con em lao động…

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nếu tất cả các khoản phí đó được tính vào giá điện, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.

“Cần tính những khoản đó vào chi phí hành chính ở mức độ hợp lý chứ không nên đưa toàn bộ tiền hiếu, hỷ…cho nhân viên EVN vào khoản kinh phí khách hàng phải gánh chịu. Điều đó phi lý quá!

Đó không phải là chi phí sản xuất. Nếu EVN được tính như thế, toàn bộ các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng “đòi” tính thế thì giá thành ở Việt Nam sẽ tăng vọt ra sao?”, ông Doanh nói.

EVN được phép gộp tiền hiếu hỷ vào chi phí kinh doanh?

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc bộ Tài chính cho phép EVN gộp cả tiền hiếu, hỷ… vào chi phí hoạt động kinh doanh vừa phi lý vừa bất bình đẳng.


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm