Các nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức tán thành thỏa thuận lịch sử để Anh rời khối, hay còn gọi là Brexit, tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ở Bỉ hôm 25/11, mở ra hy vọng về quan hệ gắn bó giữa hai bên trong tương lai, theo AFP.
Tuy nhiên, đây không phải là bước cuối cùng vì thỏa thuận này còn phải chờ Hạ viện Anh phê duyệt để chính thức có hiệu lực, một thách thức lớn với bà May vì nhiều nghị sĩ đã cảnh báo sẽ phản đối. Tất cả các bên vẫn đang lên kế hoạch cho trường hợp tồi tệ nhất là Anh sẽ rời EU sau 4 thập kỷ gắn bó mà không đạt được thỏa thuận nào.
“Một thảm kịch”
27 nhà lãnh đạo EU đã đồng ý với các điều khoản để Anh rời EU vào ngày 29/3/2019 trong cuộc gặp đặc biệt không có bà May, người sau đó nói rằng thỏa thuận sẽ mang lại "một tương lai tươi sáng hơn" cho nước Anh.
“EU27 đã tán thành Hiệp định Rút lui và Tuyên bố Chính trị về quan hệ EU - Anh trong tương lai”, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk viết trên Twitter sau hội nghị tại thủ đô Brussels của Bỉ.
Ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, nói đây là một "ngày buồn".
"Nhìn một nước như Anh... rời EU không phải là thời khắc đáng vui mừng hay chúc tụng, đây là một thời khắc buồn và là một thảm kịch", ông nói.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker bắt tay Thủ tướng Anh Theresa May tại Brussels, Bỉ. Ảnh: Getty. |
Sau 17 tháng đàm phán căng thẳng, nội dung thỏa thuận được chấp nhận bao gồm các vấn đề tài chính, quyền công dân, vấn đề Bắc Ireland và giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời tạo nền tảng cho mối quan hệ an ninh và thương mại trong tương lai.
Những người có tư tưởng chống EU trong đảng Bảo thủ của bà May và những người đồng minh Bắc Ireland cảnh báo họ sẽ không ủng hộ thỏa thuận trong lần bỏ phiếu ở Hạ viện vào tháng tới.
Trong “bức thư gửi đến cả nước” ngày 25/11, thủ tướng Anh nói đây là kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 và là “thỏa thuận cho một tương lai tươi sáng hơn”.
Nội bộ nước Anh vẫn đang chia rẽ sâu sắc về quyết định này, nhưng bà May cho rằng Brexit có thể là “thời điểm cho sự đổi mới và hòa giải”. “Để làm được điều đó, chúng ta cần phải tiếp tục thực hiện Brexit ngay bây giờ bằng cách ủng hộ thỏa thuận này”, bà May nói.
Thủ tướng Sebastian Kurz của Áo, nước đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của EU, nói sẽ không có chuyện tái đàm phán nội dung thỏa thuận.
"Việc mọi người ở Anh hiểu rằng kết quả đã có chính là kết quả, là điều quan trọng", ông nói. "Chắc chắn thỏa thuận sẽ không được đàm phán lại và cũng sẽ không có cơ hội để điều chỉnh".
Căng thẳng đến phút chót
Trước hội nghị thượng đỉnh tại Bỉ, Thủ tướng May đã có các cuộc hội đàm cuối cùng với ông Tusk và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker. Sau đó, người phát ngôn của ông Tusk đăng lên Twitter: “Chúng tôi đang chuẩn bị hướng tới sự kiện ngày mai”.
Tuy nhiên, hội nghị vẫn có nguy cơ "trật đường ray" vì việc Tây Ban Nha phản đối thỏa thuận vào phút chót. Madrid, vốn bất đồng với London về tương lai của vùng đất nhỏ bé Gibraltar hậu Brexit, cáo buộc chính phủ Anh “phản bội” và làm việc “trong bóng tối” về vấn đề này.
Bế tắc được giải quyết sau khi Anh hứa sẽ tiếp tục đàm phán song phương với Madrid sau Brexit.
Toàn cảnh vùng đất Gibraltar, nơi Anh và Tây Ban Nha đang vướng phải tranh chấp chủ quyền. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố rằng nội dung đàm phán sẽ bao gồm vấn đề "đồng chủ quyền" đối với vùng đất Gibraltar, từng bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý tại khu vực này vào năm 2002.
Phản ứng trước tuyên bố này, bà May cho rằng: “Quan điểm của Vương quốc Anh về vấn đề chủ quyền của Gibraltar đã và sẽ không thay đổi”. Về mặt pháp lý, sự phản đối của Tây Ban Nha sẽ không làm gián đoạn quá trình đàm phán Brexit.
Các nước EU cũng quan tâm đến quyền đánh bắt cá và các quy tắc thương mại mà Anh phải tuân theo để duy trì quyền tiếp cận với thị trường EU hậu Brexit.
Theo AFP, một nguồn thạo tin cho biết biên bản cuộc họp thượng đỉnh ngày 25/11 giữa 27 nhà lãnh đạo EU sẽ ghi lại những mối lo ngại này, nhưng không chắc biên bản sẽ được công bố hay không.
Trong thỏa thuận vừa được phê duyệt, 27 nhà lãnh đạo EU cũng hứa hẹn sẽ duy trì “mối quan hệ đối tác gần gũi nhất có thể với Vương quốc Anh” sau khi nước này rời EU theo dự kiến vào ngày 29/3/2019. Hiện các nhà lãnh đạo EU cũng đang thúc giục quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận này.