Ngày 7/5, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 2 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, 3, Bình Thạnh trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV.
Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 2 gồm Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đỗ Đức Hiển; Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến và Phó giám đốc Công an TP.HCM Nguyễn Sỹ Quang.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri cho rằng hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, xúc phạm, chửi bới người khác là việc không thể chấp nhận được.
Điển hình như vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng. Bà Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
"Đến giờ này, những fan cuồng của bà Hằng vẫn cho rằng bà bị phạt oan, tiếp tục ca ngợi bà. Thậm chí có cả luật sư, giới tri thức cũng lên tiếng thay cho bà" - cử tri Ngô Thanh Loan, phường 27, quận Bình Thạnh, bức xúc.
Cử tri Loan cho rằng việc này sẽ còn ảnh hưởng rất xấu trong xã hội, gây nhiều hệ lụy sau này do đó cần xử lý nghiêm khắc.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM thông tin về những vi phạm trên không gian mạng. |
Trao đổi với cử tri về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết pháp luật đảm bảo cho người dân có quyền tự do dân chủ nhưng người dân cũng phải tuân thủ quyền này, không thể dùng quyền này xâm phạm lợi ích riêng tư, quyền nhân thân và quyền lợi khác của nhà nước, của người dân.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Quang, Việt Nam là đất nước được phổ cập Internet mạnh mẽ, số người dùng mạng xã hội rất cao nhưng ý thức pháp luật và thái độ, kỹ năng còn hạn chế.
"Có nhiều người tưởng lên mạng xã hội nói gì thì nói, làm gì thì làm. Đây là điều không được mà chúng ta phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân", ông nhấn mạnh.
Ông cho biết vừa qua Công an TP.HCM cùng các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quyền tự do dân chủ, theo mức độ từ thấp đến cao, chứ không hẳn chỉ xử lý hình sự. Trong đó có vụ xử lý theo hình thức khuyến cáo, gỡ bài, xin lỗi; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM xử lý vi phạm hành chính.
Công an TP.HCM đã xử lý 6 vụ với 8 bị can vi phạm Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc này. Chúng ta không thể cho mình quyền như thế mà vi phạm quyền tự do dân chủ, vu khống người khác", Phó giám đốc Công an TP.HCM lưu ý.
Tại buổi tiếp xúc, Phó giám đốc Công an TP.HCM cũng thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM trong năm 2021, đầu năm 2022.
TP.HCM là đô thị đặc biệt, tình hình an ninh trật tự luôn là vấn đề trọng điểm, tội phạm luôn chiếm khoảng 10%.
Năm 2021, tỷ lệ phạm pháp hình sự của TP.HCM đã kéo giảm 22%, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay, dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng không phủ nhận nỗ lực của hệ thống chính trị, đã không để xảy ra vụ án quá phức tạp như trước đây.
Trong 10 vụ án được đưa vào diện Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương theo dõi thì TP.HCM có 4 vụ đang được Công an TP.HCM thụ lý và tám vụ việc khác nên khối lượng công việc rất lớn, chưa kể còn các vụ, việc khác do cơ quan khác thụ lý.
Vừa qua, cơ quan tố tụng TP.HCM đã thu hồi trên 1.300/1.600 tỷ đồng từ tiền phạm tội do tham nhũng (chiếm trên 81%).
"Trong việc phòng chống tham nhũng thì ngoài hoàn thiện pháp luật cần tiếp tục chấn chỉnh cơ chế, chính sách minh bạch để cán bộ không thể, không có điều kiện tham nhũng; chứ không phải đợi khi xuất hiện thì mới đấu tranh" - ông Nguyễn Sỹ Quang nhìn nhận.