Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn cho nhóm binh sĩ đảo chính cho biết các quan chức cần tới dự họp vào 11h sáng (giờ địa phương), Reuters đưa tin ngày 6/9.
Một ngày trước, một đơn vị quân đội tinh nhuệ tuyên bố giành chính quyền ở Guinea và phế truất Tổng thống Alpha Conde, sau trận đấu súng ác liệt với những người lính trung thành với ông Conde, theo Guardian.
Tại thủ đô Cornakry, xe cộ đã bắt đầu xuống đường, trong khi một số quán xá xung quanh quận Kaloum, nơi diễn ra đấu súng cả ngày 5/9, mở cửa trở lại, theo Reuters.
Đại tá Mamadi Doumbouya, lãnh đạo đơn vị tinh nhuệ nói trên và là người đứng đầu mưu đảo chính, phát biểu trên truyền hình sau vụ đảo chính ngày 5/9. Ảnh: Guinea TV. |
Một phát ngôn viên quân đội cho biết biên giới trên không và đất liền của Guinea cũng đã được tái mở cửa.
Dù vậy, tình hình tại Guinea vẫn ẩn chứa nhiều bất trắc. Tuy nhóm binh sĩ đảo chính dường như đã bắt được ông Conde và tuyên bố giải tán chính quyền, các nhánh quân đội khác chưa chính thức lên tiếng.
Đại tá Mamadi Doumbouya, lãnh đạo đơn vị tinh nhuệ nói trên và là người đứng đầu mưu đảo chính, ngày 5/9 từng nói “sự đói nghèo và tham nhũng triền miên” đã thúc đẩy lực lượng của mình phế truất Tổng thống Conde.
Hành động đảo chính đã bị một số đồng minh thân thiết nhất của Guinea lên án. Liên Hợp Quốc nhanh chóng phản đối vụ tiếm quyền, và cả khối Liên minh châu Phi và Tây Phi cùng đe dọa áp lệnh trừng phạt.
Chuyên gia chỉ ra rằng với quốc gia không có biển như Mali, nơi cũng vừa xảy ra binh biến, các nước láng giềng có thể gây sức ép với chính quyền quân sự sau đảo chính.
Nhưng sức ép đối với quân đội tại Guinea có thể bị hạn chế vì đây là quốc gia có biển. Ngoài ra, Guinea cũng không phải thành viên thuộc liên minh tiền tệ Tây Phi.