Gần 3.000 nhân viên y tế Hong Kong bắt đầu đình công từ ngày 3/2, gây sức ép để chính quyền đặc khu đóng cửa toàn bộ ranh giới với Trung Quốc đại lục, ngăn dịch viêm phổi do chủng virus corona mới tiếp tục lan rộng.
Chiến dịch bước sang ngày thứ hai đang thu hút thêm hàng nghìn người tham gia, theo South China Morning Post.
Nhiều quan chức ngành y tế Hong Kong cảnh báo tình trạng đình công đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều chuyên khoa tại các bệnh viện như hồi sức tích cực, ung thư và xạ trị, cũng như các đơn vị cách ly người mang bệnh truyền nhiễm. Một số bệnh viện công đã khuyến nghị người bệnh nhẹ nên liên hệ bác sĩ và phòng khám tư.
Nhân viên các bệnh viện công tại Hong Kong tổ chức đình công đòi đóng cửa toàn bộ ranh giới với Trung Quốc đại lục. Ảnh: SCMP. |
Một người phát ngôn cho biết các dịch vụ đặc trị dành cho bệnh nhân ngoại trú hiện chỉ có thể tiếp nhận điều trị một cách hạn chế. Những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng đình công có thể đặt lại lịch khám, còn thuốc đặc trị vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.
"Điều đáng buồn và đặc biệt gây nhiều lo ngại hiện là tình trạng của các đơn vị điều trị tích cực khoa nhi", Đặc khu trưởng Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) ngày 3/2 kêu gọi y-bác sĩ Hong Kong trở về nhiệm sở làm việc.
Deacons Yeung Tai-kong, một giám đốc thuộc Cục Quản lý Bệnh viện Hong Kong, nói khối bệnh viện công đang trong tình trạng rất nghiêm trọng và đáng lo ngại.
"Tôi kêu gọi các y tá quay lại nhiệm sở vì đang rất nhiều việc, đặc biệt là các ca trực tối. Tôi cũng kêu gọi những đồng nghiệp làm việc tại khoa nhi các bệnh viện công và đơn vị điều trị tích cực cho trẻ sơ sinh hãy quay lại làm việc. Trẻ em cần chúng ta giúp đỡ", ông Yeung nhấn mạnh.
"Chúng tôi tổ chức làm việc 24/24, chia làm 3 ca, nhưng với một nửa số y tá khoa nhi không đi làm, việc đổi ca gần như không thể. Chúng tôi có thể phải thuê dịch vụ từ khu vực tư nhân, xác định bệnh nhân đủ điều kiện và đủ an toàn để chuyển sang bệnh viện tư vì nhiều trường hợp không nên chờ lâu hơn nữa", ông Yueng chia sẻ.