Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lắng nghe những âm điệu thị dân

Sau nhiều cuốn tạp văn gây ấn tượng với độc giả ở nhiều tác phẩm, nhà văn Nguyễn Việt Hà lại vừa ra mắt "Giọng của phố".

Giọng của phố là tập hợp 62 bài tạp văn trải dài trên các chủ đề về phố, về người ở phố, những câu chuyện thoạt tưởng là phiếm, nhưng đọng lại trong người đọc nhiều ngẫm ngợi, suy tư.

Biên tập viên Nguyễn Đăng nhận định đọc tạp văn Nguyễn Việt Hà, có thể gặp mênh mông những chuyện Đông Tây, những pha “tân cổ giao duyên” cực kỳ duyên dáng, nhưng có một cách đọc khác, đó là đọc một cái giọng - “giọng của phố”.

Mặc dù Nguyễn Việt Hà vẫn luôn tâm niệm rằng: “Nói cho cùng, tạp văn là thứ văn mưu sinh, là thể loại “tủi thân” nếu miễn cưỡng phải so với tiểu thuyết hay truyện ngắn”, song xen lẫn giữa những cuốn tiểu thuyết ngốn của anh rất nhiều thời gian và sức lực, tác giả Cơ hội của chúa vẫn luôn dành cho tạp văn một vị trí đặc biệt.

Giong cua pho anh 1

Bìa sách Giọng của phố.

Đọc tạp văn của Nguyễn Việt Hà, người ta đơn giản là thích đọc một cái “giọng” và nhiều khi không quá chú mục vào những chuyện lỉnh kỉnh cụ thể trong đó. Vẫn như nhiều tác phẩm trước đó, trong mỗi câu chuyện, Nguyễn Việt Hà luôn làm mờ nhòe (hay là bị mờ nhòe) ranh giới về thời gian khiến người đọc mơ hồ như lạc về Hà Nội những năm 70-80 của thế kỷ trước rồi lại giật mình nhận ra là việc như mới xảy ra ngày hôm qua với những lo toan bộn bề nhặt từng mớ rau, thùng mì trong mùa dịch Covid-19.

Tất nhiên, giọng phố của Hà Nội, ngoại trừ thấp thoáng những dung tục thị dân thì âm điệu chủ yếu vẫn là nhân văn, đằm thắm, mạch lạc, tinh tế… Hoặc mỏng manh như lời tỏ tình của một cặp đang yêu, ngọt ngào hôn nhau ở góc phố vắng. Hoặc buồn bã xúc động như tiếng sấu rụng đêm hè…

Cũng ở đó, người đọc sẽ thấy lũ trẻ phố tụ tập đá bóng dưới lòng đường vào những đêm hè vắng; thấy những quán cà phê cũ với đám khách chỉ trung thành với thói quen đọc báo giấy vào mỗi sáng…

Bởi thế mà Hà Nội trong Giọng của phố cũng mờ ảo khiến người đọc đôi lúc cảm thấy mông lung không rõ là chuyện xưa hay nay. Điều đó có lẽ cũng không quá quan trọng bởi vượt lên tất thảy, cái kiểu viết vừa “tưng tửng” có phần như ngạo mạn mà lại vừa như giễu nhại, kiêu bạc song lại rất tình, rất đời, ấy mới là sức hút riêng của Nguyễn Việt Hà.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

https://www.sggp.org.vn/lang-nghe-nhung-am-dieu-thi-dan-post694933.html

Mai An/Sài Gòn Giải Phóng

Bạn có thể quan tâm