Dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, các y bác sĩ tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nhận được một lẵng hoa đặc biệt với 8 chữ: “Ghi nhớ ơn tập thể khoa Nhiễm D”.
Lẵng hoa này được ông Tạ Kiến Hòa (73 tuổi, Việt kiều Mỹ), người nhiễm Covid-19 tại TP.HCM và đã xuất viện hôm 21/2, gửi tặng khoa hôm 26/2, một ngày trước khi ông rời Việt Nam trở về Mỹ đoàn tụ với gia đình.
Lẵng hoa bệnh nhân Tạ Kiến Hoa gửi tặng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, cùng các điều dưỡng cũng liên tục nhận được điện thoại của ông Hòa từ ngày ra viện để hỏi thăm đủ thứ. Những tình cảm ấy khiến Ngày thầy thuốc Việt Nam của 21 cán bộ tại khoa Nhiễm D càng có thêm nhiều ý nghĩa bởi họ vừa “cứu một người từ cõi chết trở về” - như mô tả của chính bệnh nhân.
Trong thành công ấy, ngoài sự đồng tâm hợp lực của toàn tập thể khoa, phải kể đến nỗ lực rất lớn của bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, người phụ trách điều trị chính cho ông Hòa.
“Trước khi cứu người, đừng giết người”
Vừa trở về phòng làm việc sau những cuộc họp liên tiếp suốt buổi sáng, bác sĩ Phong đã liên tục bị làm phiền bởi những tiếng gõ cửa. Từ ngày có dịch Covid-19, ngày làm việc vốn đã bận rộn của các y bác sĩ tại đây lại càng trở nên tất bật hơn.
“Anh Phong ơi, người Campuchia này xuất viện được chưa?”, một điều dưỡng hỏi khi bước vào phòng, trên tay cầm tập hồ sơ. Mỗi lần như vậy, bác sĩ Phong đều đứng dậy khỏi bàn, đi ra tận cửa để trả lời hoặc chỉ dẫn cho đồng nghiệp.
“Hết 15 ngày cách ly và kết quả xét nghiệm âm tính, có thể làm thủ tục xuất viện rồi”, bác sĩ Phong nói sau khi trao đổi kỹ các thông tin.
Bệnh nhân Tạ Kiến Hòa chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể cán bộ và lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngày ra viện. Ảnh: N.T.H. |
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại Đại học Y dược TP.HCM, bác sĩ Phong về công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tới nay đã 22 năm. Trước khi về lãnh đạo khoa Nhiễm D - đơn vị chịu trách nhiệm phòng chống dịch cho bệnh viện, anh có gần 19 năm rèn luyện “tinh thần thép” ở Khoa Hồi sức cấp cứu. Nhờ đó, bác sĩ Phong đã đón nhận dịch bệnh này một cách chủ động nhưng bình tĩnh dù cho đây là một thử thách lớn với chính anh và khoa.
Từ khi Việt Nam tuyên bố có dịch, để luôn trong tâm thế sẵn sàng đón bệnh nhân mới, bác sĩ Phong đã quán triệt với các nhân viên trong khoa “không được nghỉ phép vào thời điểm này để hoàn thành trách nhiệm mà bệnh viện đã giao phó”. Bản thân bác sĩ Phong cũng phải tăng cường nghiên cứu thêm kinh nghiệm từ quốc tế cũng như đồng nghiệp để thực hiện một quá trình điều trị hiệu quả bên cạnh việc tuân thủ phác đồ của Bộ Y tế.
“Tôi luôn dạy cho sinh viên trường y, lứa bác sĩ tương lai, rằng trước khi cứu người thì đừng nên giết người, mà muốn không giết người thì phải có kiến thức. Mình không cố ý giết người ta, nhưng mình có thể giết người ta vì mình dốt. Thế nên mình không được dốt, tôi rất sợ dốt, phải học liên tục, học tới chết thì thôi”, bác sĩ Phong nói, giọng quả quyết.
Theo đuổi ước mơ y khoa vì người cha quá cố
Ở khoa Nhiễm D, không nhiều người biết người trưởng khoa với mái tóc gọn gàng, bước chân dứt khoát, tác phong nhanh nhẹn và khuôn mặt luôn tươi cười mà họ gặp mỗi ngày lại có một tuổi thơ khó khăn.
Năm anh Phong học lớp 10, căn bệnh thận mạn tính không chỉ cướp đi người cha anh hết mực thương yêu mà nó cũng rút dần rút mòn mọi đồng bạc cuối cùng của gia đình trong 5 năm cha anh chữa bệnh. Ngày đó, nhà anh nghèo đến độ “nhà không còn gì để bán”.
“Chứng kiến cảnh ba bệnh vậy thành ra tôi có ý nguyện học bác sĩ để cứu người, để cuộc sống của mình cũng đỡ khổ hơn. Mong mỏi thi bác sĩ nhưng hổng có tiền. Tiền ăn không có còn mơ mộng”, anh Phong cười tươi hồi tưởng lại quãng thời gian khó khăn thuở thơ ấu.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: N.T.H. |
Nhà nghèo, thường trực trong tình trạng gạo không có ăn nên từ năm 13 tuổi, cậu bé Phong ngày ấy đã biết tìm cách tự kiếm tiền. Những ngày mẹ đưa ba đi chữa bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy, để lại anh cùng 4 đứa em nheo nhóc, nhà không còn gạo hay tiền, anh đã tự đi đặt lợp tép để bán kiếm tiền nuôi các em. Cũng chính nhờ sự chịu khó, nhanh nhẹn đó mà 6 năm học y, mẹ anh không phải tốn một đồng bạc nuôi anh ăn học.
“Bước chân lên Sài Gòn học mà trong người không có đồng nào, nhưng bằng nỗ lực, tôi đã tự nuôi mình học 6 năm bác sĩ và theo đuổi nghề này đến giờ”, bác sĩ Phong tự hào kể lại.
Sự nỗ lực và nhiệt tâm đó vẫn được bác sĩ nuôi dưỡng trong suốt 22 năm làm nghề. Kể về anh, tất cả các y bác sĩ ở đây đều miêu tả bằng 2 đặc điểm: sự lăn xả và tinh thần thương yêu bệnh nhân hết mực.
Yêu bệnh nhân như người thân
Điều dưỡng Huỳnh Thị Kim Huệ (50 tuổi) là người đã đồng hành cùng bác sĩ Phong hơn 20 năm nay, kể từ khi ở Khoa Hồi sức cấp cứu cho đến lúc về khoa Nhiễm D. Ở anh Phong, điều khiến chị và các đồng nghiệp trân trọng nhất ngoài sự lăn xả và tích cực chính là tình thương yêu bệnh nhân.
Chị kể lại hôm 21/2, trước khi ông Tạ Kiến Hòa xuất viện thì phát hiện không có thắt lưng. Thấy vậy, bác sĩ Phong đã lập tức lấy thắt lưng của mình và tự đeo cho bệnh nhân như một món quà mừng ông khỏi bệnh. “Bác Phong là người rất tích cực mà thương bệnh nhân lắm, thương như người nhà, người thân vậy. Chuyện gì khó kêu là ổng ấy nhào vô làm liền”, chị Huệ nhận xét về người đồng nghiệp.
Điều dưỡng Huỳnh Thị Kim Huệ là đồng nghiệp với bác sĩ Phong gần 20 năm nay. Ảnh: Thu Hằng. |
Chia sẻ về thành công trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, bác sĩ Phong cho biết phác đồ điều trị chỉ là một phần nguyên nhân, điều quan trọng là sự đồng tâm hợp lực của toàn bộ bệnh viện, từ các y bác sĩ trong khoa đến những phòng ban chức năng và cả ban lãnh đạo từ bệnh viện, sở y tế và thành phố.
Anh Phong nhấn mạnh đây mới là thành công bước đầu và cả ngành y tế vẫn còn một chặng đường dài phải chiến đấu. “Khi rời bệnh viện, ông Hoa cứ nhắc đi nhắc lại rằng không thể chỉ cảm ơn các bác sĩ, mà phải nói là tri ân, rằng khoa Nhiễm D đã cứu ông từ cõi chết trở về. Tình cảm đó là động lực để tôi và toàn khoa tiếp tục giữ vững tinh thần chống dịch như chống giặc”, bác sĩ Phong chia sẻ.
Trước đó, chiều 21/2, UBND TP.HCM đã trao bằng khen và thưởng nóng 100 triệu đồng cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, đặc biệt là ekip điều trị của khoa Nhiễm D, vì có thành tích trong chẩn đoán, điều trị thành công cho ca bệnh Covid-19 thứ ba tại TP.HCM. Hiện, khoa Nhiễm D vẫn đang tiếp nhận, cách ly và xét nghiệm các ca nghi nhiễm có triệu chứng trở về từ vùng dịch tại TP.HCM.