Cận Tết, những lò gốm ở xã Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cấp tập sản xuất heo vàng, chó vàng “tài lộc” để cung ứng ra thị trường.
Anh Lê Quang Lợi (ngụ ấp Tân Hóa, xã Tân Vĩnh Hiệp) là chủ cơ sở sản xuất gốm rộng lớn. Để đảm bảo nguồn hàng cho khách, anh phải thuê nhiều công nhân làm việc và tăng thời gian sản xuất gốm.
Sản phẩm gốm chó vàng phục vụ Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Ngọc An. |
Ở lò gốm của anh Lợi, người đảm nhận công việc dựng khuôn, người trộn đất sét làm nguyên liệu, người đưa chó gốm vào lò nung. Không khí làm việc rộn ràng, hối hả suốt từ sáng sớm đến chiều tối.
Anh Lợi nói rằng, ngày thường, cơ sở anh sản xuất heo đất và đến gần Tết thì chuyển qua làm gốm con giáp của năm để bán.
“Từ tháng 10 âm lịch, tôi bắt đầu làm gốm con giáp. Năm nay, cơ sở tôi sản xuất các mẫu chó vàng tài lộc để cung cấp cho khách hàng”, anh Lợi nói. Anh cho biết thêm dịp Tết Mậu Tuất 2018, cơ sở anh cho ra lò trên 15.000 sản phẩm chó vàng tài lộc.
Những người thợ đổ đất sét loãng vào khuôn để đúc chó gốm. Ảnh: Ngọc An. |
Tại cơ sở gốm của bà Hà, hàng chục người đang tập trung vào công việc. Bà Hà cho biết hàng làm ra đến đâu đều được các cơ sở nhập ngay đến đó. “Nhiều hôm không đủ hàng để cung cấp nên tôi phải thuê thêm người, tạo thêm khuôn để sản xuất gốm. Vì không còn nhiều thời gian nên phải tranh thủ suốt ngày đêm”, bà Hà nói.
Để làm được chó gốm, những người thợ nhào đất sét với nước sau đó đổ đất này vào khuôn sứ nặng 50 kg. Sau 3 giờ phơi nắng, thợ gốm sẽ mở khuôn, lấy sản phẩm linh vật cho vào lò nung ở nhiệt độ cao.
“Để sản phẩm đẹp, chất lượng, chúng tôi phải nung trong thời gian 10-12 giờ”, một chủ lò gốm cho hay.
Người dân làm đẹp các sản phẩm gốm trước khi phun sơn. Ảnh: Ngọc An. |
Theo các chủ lò, sau khi nung, sản phẩm gốm được các cơ sở gia công ở phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An, Bình Dương) nhập về để sơn, vẽ, hoàn thiện các chi tiết còn lại. Mỗi sản phẩm sau đó được đóng gói để xuất ra thị trường.
Chị Võ Thị Thanh Hà, chủ cơ sở làm gốm tại phường Lái Thiêu, cho biết một sản phẩm thô có giá 20.000 đồng. Sau khi đánh bóng, làm đẹp, sản phẩm này được bán với giá từ 50.000-100.000 đồng/sản phẩm.
Những sản phẩm chó vàng, heo đất của làng gốm được đưa đến các tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ… để tiêu thụ.
Các cơ sở tất bật vào vụ gốm chó bán dịp Tết Mậu Tuất 2018 đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.
Anh Phan Thanh Đông (31 tuổi, quê Bến Tre), thợ làm heo đất, chó đất tại thị xã Tân Uyên cho biết, anh nhận việc làm gốm cho một cơ sở với mức tiền công 3.000 đồng/sản phẩm.
“Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ngày tôi có thể kiếm được khoản tiền từ 400.000-500.000 đồng”, anh Đông nói.
Một thợ gốm khác nói rằng, việc làm gốm linh vật dịp Tết chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng mức thù lao tương đối cao. Do vậy, anh và vợ tranh thủ làm việc để kiếm tiền tiêu Tết.