Khám bệnh qua loa, kê thuốc chỉ theo… lời kể của người bệnh mà không cần tiến hành bất cứ xét nghiệm nào, Nguyễn Trí Đức, người đứng khám phòng chẩn trị đông y Thiên Thảo (số 23, đường số 23, KP5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) còn có cách chữa bệnh hết sức nguy hiểm đó là “đau ở đâu rút máu ở đó”.
Chẩn đoán, bốc thuốc theo… lời khai của người bệnh
Trong vai người bệnh đã có chuyến “đi khám bệnh” tại phòng chẩn trị đông y Thiên Thảo. Đường vào phòng khám quanh có khó tìm, đa phần những người đến đây đều qua sự giới thiệu của ai đó.
Vừa bước vào phòng khám, cô gái tên Linh trạc tuổi 30 có nhiệm vụ tiếp bệnh nhân, dò xét: “Ai giới thiệu anh đến đây, tại sao biết địa chỉ phòng khám”.
Khi đã biết rõ người giới thiệu, người này mới lấy sổ khám bệnh ghi chép thông tin cá nhân người đến khám. Dùng máy đo huyết áp đo cho bệnh nhân xong, Linh cử cô gái chừng 20 tuổi dẫn bệnh nhân vào căn phòng cuối phòng khám là nơi thầy Đức, lương y trị bách bệnh chẩn khám.
Tuy nói khám bệnh nhưng thầy chỉ bắt mạch chừng 5 giây rồi hỏi bệnh nhân những câu hỏi chung chung: “Đã có tiểu sử bệnh gì?”, “Ho như thế nào”, “Ăn uống được không”… Khi PV trình bày mắc bệnh viêm gan siêu vi C, thầy cũng ghi vào sổ bệnh y hệt như vậy. Thời gian thầy khám bệnh kéo dài chưa tới 5 phút và không tiến hành bất cứ xét nghiệm nào. “Lương y” hỏi bệnh nhân đã tiến hành xét nghiệm ở bệnh viện nào chưa, khách trả lời để quên kết quả ở nhà, thầy cũng dễ dàng cho qua rồi vô tư kết luận vào sổ khám bệnh y hệt lời khai của người đến khám.
Hút máu bệnh nhân để chữa bệnh. |
Xong, thầy kê đơn thuốc: “Trước tiên phải uống 10 thang thuốc rồi kiểm tra tiếp mới biết kết quả”. Khi PV nói không mang đủ tiền, “thầy” liền hạ xuống: “Cứ lấy 5 thang một đợt cũng được”.
Theo quan sát của PV, phòng chẩn trị có 6 giường bệnh và 4 cô gái trẻ mặc áo trắng. Tất cả đều không đeo bảng tên, kể cả thầy được nhân viên quảng cáo theo học nhiều trường đại học đông y ở Trung Quốc, có khả năng trị bá bệnh. Khi chúng tôi xin số điện thoại, tên tuổi thì thầy khéo từ chối: “Có gì cứ liên lạc với tiếp tân”.
Khác với các phòng khám khác, trong phòng khám bệnh này không hề có bất kì dụng cụ chẩn khám nào ngoài cuốn sổ ghi chép các bài thuốc y học cổ truyền. Căn phòng nằm sát nhà bếp của ngôi nhà sặc mùi thức ăn.
Khám xong, thầy vừa bốc thuốc vừa tra sổ. Khi được hỏi về công dụng bài thuốc, thầy chỉ trả lời chung chung: “Bệnh gan này do thận hư, khí nóng. Phải uống thuốc 1 tháng (tức 30 thang) mới bắt đầu thấy kết quả”. Trong quá trình khám bệnh, thầy không ngừng “nổ” mình chữa bệnh hoàn toàn bằng y học cổ truyền và có thể trị bá bệnh.
Khám xong, người bệnh được dẫn ra ghế bên ngoài đợi lấy thuốc. Một số bệnh nhân tái khám được châm cứu, giác hơi. Theo quan sát, trong cuốn sổ theo dõi bệnh, tất cả nội dung chẩn đoán đều được ghi theo lời kể của người bệnh. Ngồi đợi chừng 30 phút, cô gái tên Linh đứng tiếp nhận bệnh nhân xách ra 2 chai thuốc bổ phế và 5 thang thuốc. Khi PV nói rằng 2 chai thuốc đã có sẵn ở nhà, cô gái tỏ vẻ khó chịu: “Có rồi để đem lên trả lại”.
Ngoài những sản phẩm có sẵn trên thị trường, Linh đưa cho người bệnh một số loại thuốc dạng cao lỏng hoặc viên được thầy kê toa nói rằng do thầy tự bào chế.
Tất cả những lọ thuốc tự bào chế này đều không dán bất kì nhãn mác nào. Tất cả bệnh nhân đến khám tại phòng chẩn trị đông y Thiên Thảo đều cho biết thuốc ở đây cao hơn thị trường. Nhưng vì tin vào lời quảng cáo cộng với tâm lý đang mang bệnh nên họ chấp nhận mua.
Mặc dù khám bệnh qua loa nhưng trong phiếu thanh toán ghi rõ “phí khám và mua sổ hết 60 ngàn đồng”. Khá kì lạ nữa, tất cả bệnh nhân đều được thầy khám y hệt nhau, bốc bài thuốc na ná nhau.
Chữa bệnh bằng cách “đau ở đâu rút máu ở đó”
Một bệnh nhân xin giấu tên cho biết ông bị đau sưng chân, được bạn bè giới thiệu đã đến phòng khám Thiên Thảo chữa trị. Tại đây, ông được chỉ định điều trị “hút máu bệnh” bằng phương pháp “giác hơi”. Người bệnh này thuật lại: Cô y tá khoảng 20 tuổi dùng vật sắc nhọn khứa vào vùng da bị sưng, sau đó dùng những chiếc cốc giác hơi úp vào. Chỉ sau vài phút, máu từ vết khứa chảy ra và được y tá đem bỏ”.
Cũng theo phản ánh của người bệnh này, tất cả người đến khám đều được áp dụng phương pháp “rút máu bệnh” na ná phương pháp “giác hơi” trên. Hiệu quả chưa thấy đâu, nhưng những lời đồn thổi từ nhân viên ở phòng khám không ngừng “nổ” liệu pháp đặc trị của thầy chữa khỏi tất cả các căn bệnh từ cảm cúm đến ung thư, tiểu đường, gút…
Đơn thuốc hoàn toàn dựa theo lời khai của người bệnh. |
Nguy hiểm nhất là trường hợp bà Hồng ở Long An bị đau khớp chân. Bà cho biết đã điều trị tại cơ sở chẩn trị y học cổ truyền Thiên Thảo 2 đợt. Lần đầu bà đã được bắt mạch, kê đơn thuốc và điều trị bằng hình thức cạo gió, “giác hơi” và “hút máu bệnh” ở đầu gối.
Thầy chẩn đoán bà Hồng bị viêm đa khớp, đầu gối là trung tâm của bệnh và cần hút máu để khai thông huyết mạch. Trong thời gian điều trị gần 2 tuần (đợt 1), bà Hồng được y tá dùng dao khứa đứt da đầu gối, hút máu. Hết thời gian điều trị đợt 1, bà Hồng về nhà, tiếp tục uống thuốc.
Tuy nhiên khi về nhà khoảng 1 tuần, bà có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt đã quay trở lại để thầy điều trị. Lần này điều trị chưa được bao lâu, đến ngày 2/7/2014 vừa rời phòng điều trị của thầy về đến khách sạn, bà Hồng có biểu hiện khó thở, chân tay co quắp, mặt mày tím tái.
Ngay lúc ấy bà được người thân đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ chẩn đoán bà Hồng bị thiếu máu trầm trọng. Người nhà bệnh nhân này bức xúc cho biết thêm, tổng chi phí điều trị tại cơ sở thầy Đức hết 40 triệu đồng bao gồm các khoản tiền khám, tiền giác hơi, tiền hút máu, tiền thuốc, tiền thuê phòng ăn ở nhưng kết quả là “tiền mất tật mang”.
“Thầy” Đức khám bệnh bằng cách hỏi qua loa. |
Anh Tuấn (28 tuổi, ở Bình Dương) vào khám bệnh chung đợt với PV cũng cho biết anh bị đau lưng. Được giới thiệu “thầy” trị bá bệnh nên Tuấn tìm đến chữa trị. Tận mắt PV đã chứng kiến các y tá rút máu, giác hơi trên lưng bệnh nhân này. Lúc ra về, Tuấn cũng được kê toa thuốc gồm nhiều loại, có cả thuốc do thầy tự bào chế với giá 1,7 triệu đồng. “Tôi chỉ nghe chứ chưa biết hiệu quả ra sao. Cứ thử chữa trị vài bữa, nếu giảm thì tiếp tục uống thuốc, không thì bỏ”, người bệnh này vô tư nói.
Trao đổi với PV, lương y Nguyễn Thành Tâm, chủ tịch Hội đông y quận Thủ Đức cho hay, không biết rõ thông tin về thầy lang Đức. Còn trách nhiệm cấp phép mở phòng khám, quản lý thuộc về Sở Y tế TP.HCM.
Ông Lê Minh Hải, trưởng phòng quản lý dịch vụ y tư nhân thuộc sở, cho biết, người đứng tên xin giấy phép thành lập phòng chẩn trị đông y Thiên Thảo là người khác chứ không phải ông Nguyễn Trí Đức. Phòng khám này vừa bị Sở Y tế xử phạt bởi hành vi hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép.