Chỉ vào chiếc thau vừa múc ít nước từ bể chứa bà Nguyễn Thị Sen (64 tuổi, thôn Yên Ninh, xã Công Bình, Nông Cống, Thanh Hóa) thở dài: "Nước cứ bơm lên là nổi váng, bốc mùi".
Để có nước dùng, gia đình phải tích trong bể chứa. Nửa tháng sau, khi lớp váng đỏ chìm xuống đáy, bà tiếp tục lọc thêm cả chục lần nhưng vẫn không khử được mùi hôi.
Nước vừa hút lên đã bốc mùi xăng dầu nồng nặc, nổi váng. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Bà Sen cho biết thêm, dù đã bỏ hàng chục triệu đồng để khoan, đào giếng nhưng mạch nước nào cũng nhiễm xăng. Không chỉ giếng đào phải bỏ hoang mà đất ao hồ của người dân cũng bị ô nhiễm, váng nổi đỏ quạch.
Anh Nguyễn Thanh Tình (47 tuổi) cho biết: “Gia đình cũng muốn đào ao nuôi cá để có đồng ra đồng vào nhưng xăng dầu nổi váng thế kia thì đành chịu. Người còn sống vật vờ thế này, huống chi là cá”.
Theo các hộ dân ở Yên Ninh, trước đây, một số khu đất ở trong làng ô nhiễm trầm trọng. Mỗi lần mưa xong, họ còn đến các vũng lầy múc nước về gạt lấy váng dầu để thắp sáng.
Trong những ngày nắng nóng, khô hạn gần đây, giếng nước cạn trơ đáy, bà con phải sang các làng lân cận chạy nước từng bữa. Mỗi thùng nước 15-20 lít giá 10.000-20.000 đồng.
Tuy nhiên, để tiết kiệm, người dân chỉ mua nước để phục việc ăn uống, còn sinh hoạt hàng ngày thì đành chấp nhận “vét” nước nhiễm xăng dầu.
Vết hoen ố trên bể do nước nhiễm xăng dầu tràn ra để lại. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng thôn Yên Ninh, gần như 100 % giếng đào, giếng khoan của thôn đều trong tình trạng tương tự. Thôn với 42 hộ (134 nhân khẩu) thì 10 hộ chịu cảnh ô nhiễm nặng quanh năm, số còn lại đỡ hơn một chút - mùi xăng dầu chỉ bốc lên khi mưa xuống.
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên nhưng vẫn chưa thấy có dự án nước sạch nào về", ông Quý nói.
Về nguyên nhân nguồn nước thôn Yên Ninh bị ô nhiễm, ông Nguyễn Ngọc Tấn, cán bộ địa chính xã Công Bình cho biết, trong những năm tháng chiến tranh, đất đồi núi thôn Yên Ninh được chọn làm nơi đặt kho xăng dầu trung chuyển cho chiến trường miền Nam. Sau nhiều lần bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá, téc xăng dầu vỡ tràn thấm vào lòng đất gây ô nhiễm nặng cho đến nay.
Giếng đào của người dân bỏ hoang, nước đọng đầy váng xăng dầu. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Trước việc người dân nhiều lần kiến nghị mà vẫn không được hỗ trợ, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Công Bình than thở: “Không chỉ người dân sốt sắng vì dùng nước nhiễm xăng dầu, chính quyền cũng rất lo cho tình hình sức khỏe, cuộc sống của bà con".
Theo ông, xã đã trình bày với cấp trên, song, đến nay, chưa có giải pháp hay dự án nước sạch nào. Trước mắt, xã hỗ trợ mỗi hộ dân một thùng nhựa 500 lít để chứa nước sạch.
Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Trần Văn Thuấn thì bày tỏ, việc giải quyết hậu quả ô nhiễm vượt quá khả năng của địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng chưa đưa ra được giải pháp khả thi để xử lý triệt để.
"Sở Tài nguyên và Môi trường nhiều lần cử cán bộ về nghiên cứu, lập dự án xử lý nhưng đến nay mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ", ông Thuấn nói.