Những ngày chống dịch, nhiều câu chuyện giản dị mà cao đẹp xảy ra quanh ta. Trên mạng xã hội, những câu chuyện ấy tiếp tục được “kể” qua những bức tranh xúc động, gần gũi với giới trẻ. Mỗi bức tranh được hàng chục nghìn người hưởng ứng, chia sẻ.
Người vẽ những bức tranh chống dịch ấy là họa sĩ Bùi Đình Thăng (Thăng Fly). Anh chia sẻ về những bức tranh của mình.
Tôn vinh những người xông pha chống dịch
- Điều gì khiến anh bắt đầu vẽ những bức tranh chống dịch và câu chuyện đẹp của con người trong khó khăn?
- Tôi vẽ về đề tài này từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, cũng đã lâu nên không nhớ cụ thể. Từ đợt bùng dịch gần đây nhất, mỗi ngày, tôi vẽ một tranh. Với chủ đề chống dịch, tôi vẽ về đời sống. Tôi không ước lượng hay đếm số tranh mình vẽ.
Tôi vẽ những gì mà mình có cảm xúc. Câu chuyện ấy cũng không bị lặp lại nội dung với chủ đề từng vẽ. Ví dụ, người dân ở nhiều nơi góp thực phẩm gửi vào vùng dịch, tôi chọn mỗi nơi một câu chuyện điển hình. Tôi cũng muốn chia sẻ những câu chuyện ấy nhiều hơn, nhưng thời gian có hạn.
Họa sĩ Bùi Đình Thăng (Thăng Fly). Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
- Nghĩa là các bức tranh anh vẽ đều có nội dung từ những câu chuyện mà mọi người gửi tới?
- Trước đây, tôi thường đọc tin trên báo, hoặc mạng xã hội và vẽ câu chuyện đẹp. Nhưng càng về sau, tôi càng nhận được nhiều câu chuyện, hình ảnh từ người trong cuộc gửi đến. Tôi có thể liên lạc và khai thác được nhiều khía cạnh, cảm xúc từ chính người thật việc thật.
Thông thường, buổi tối, một bộ phận y, bác sĩ, tình nguyện viên, người dân trong khu cách ly, giãn cách có thời gian nghỉ. Họ nhắn tin cho tôi nhiều. Khi ấy, tôi sẽ trả lời tin nhắn của họ, trò chuyện để hiểu nhau.
Với câu chuyện khơi gợi được cảm xúc, tôi sẽ trò chuyện nhiều để tìm hiểu góc cạnh khác nhau. Sáng hôm sau, tôi dành vài giờ để vẽ. Bởi vậy, các bạn thấy tôi thường đăng tranh lúc 11h.
- Có thể thấy, việc vẽ tranh tốn khá nhiều thời gian của anh. Anh sắp xếp ra sao để làm công việc riêng của mình?
- Khi dịch chưa bùng phát, tôi có dự án kể câu chuyện của người dân TP.HCM. Để thực hiện, tôi ra đường tìm hiểu, va chạm cuộc sống. Dịch xảy ra, tôi không thể tiếp tục làm được những việc ấy. Bởi vậy, tôi gác lại, chỉ tập trung vẽ tranh chống dịch.
Là họa sĩ, tôi muốn kể câu chuyện thông qua tranh của mình. Người có kiến thức y tế có thể đăng ký đi lấy mẫu xét nghiệm, các bạn trẻ đăng ký làm tình nguyện viên… Tôi biết vẽ nên đóng góp cho cộng đồng bằng khả năng của mình.
Tôi muốn tôn vinh, ủng hộ những người đang xông pha chống dịch. Tôi sẽ động viên mọi người đến khi họ hoàn thành nhiệm vụ.
Tranh họa sĩ Thăng Fly vẽ về đội ngũ chống dịch. |
Muốn sống ý nghĩa hơn
- Trước đây, anh thường vẽ những bức tranh vui, hài hước, nhưng bây giờ lại vẽ tranh mang tới sự xúc động. Điều gì dẫn tới sự thay đổi này?
- Tôi đã không vẽ tranh hài gần một năm, từ đợt lũ lụt ở miền Trung năm ngoái. Tôi có sự thay đổi về nhận thức, “già” hơn một tuổi. Trải qua biến cố trong cuộc sống khiến tôi suy nghĩ: Nếu làm điều mình thích, để lại cái gì đó cho cuộc sống, cuộc hiện sinh của mình trên đời này có ý nghĩa hơn.
Tôi muốn vẽ những gì mình thích, gần gũi với cuộc sống, chứ không muốn ngồi nghĩ một truyện hài rồi vẽ để mọi người cười trong vài giây. Tôi nghĩ nên thay đổi, làm sao để sống có ý nghĩa hơn.
Tranh của Thăng Fly vẽ về tình cảm, sự đùm bọc của đồng bào dành cho nhau. |
- Anh từng chia sẻ vẽ tranh hài mang lại thu nhập tốt. Vậy khi chuyển đề tài, phong cách, điều đó ảnh hưởng ra sao tới thu nhập của anh?
- Trên mạng xã hội, nhiều người yêu thích những câu chuyện ngắn gọn, vui vẻ, hài hước.
Hầu hết họa sĩ truyện tranh ngày nay muốn đi lên cũng bắt đầu từ vẽ truyện hài. Nó mang lại nhiều tương tác, giúp mình dễ được "book" quảng cáo hơn nhiều.
Còn khi vẽ chuyện đời thường, tôi sẽ không có cơ hội làm việc với một số nhãn hàng nữa. Điều đó dẫn tới thu nhập, lượng fan giảm… nhưng tôi chấp nhận.
Cái được nhất với người làm nghề là giá trị trong tranh của mình được mọi người đón nhận.
- Ngoài đăng tranh trên mạng xã hội, anh có dự định gì lớn hơn với các tác phẩm theo chủ đề chống dịch?
- Tôi có dự định kết hợp với một tổ chức để làm triển lãm. Tuy nhiên, dịch chưa biết khi nào kết thúc, nên chưa thể nói gì sớm. Tôi chỉ có thể nói rằng nếu làm bất cứ điều gì từ những bức tranh chống dịch này, số tiền thu được đều để ủng hộ người khó khăn vì dịch bệnh và người khuyết tật.
Họa sĩ Bùi Đình Thăng sinh năm 1988 tại Nghệ An, hiện sống và làm việc ở TP.HCM. Tác giả trang “Thăng Fly Comics”.
Sách đã xuất bản: Cả nhà thương nhau, Thư gửi nỗi buồn, Ông, Trước bến Văn Lâu, 100 điều anh yêu em, Quan trọng là phải đẹp trai.