Trước đây, công ty môi giới bất động sản của anh Toàn chi 50 triệu đồng mỗi tháng để thuê một căn nhà phố ở TP.HCM làm văn phòng. Nhưng từ đầu năm đến nay, công ty buộc phải chuyển về mặt bằng 100 m2 ở Bình Dương với giá thuê chỉ 18 triệu đồng.
"Hầu như công ty môi giới nào cũng gặp phải hoàn cảnh như chúng tôi. Sau khi bất động sản khó khăn, công ty đã cắt giảm hơn 60% nhân sự, chỉ giữ lại môi giới. Ngoài chính sách lương thưởng giảm, chúng tôi cũng phải dời văn phòng để tiết kiệm chi phí'', anh nói với Zing.
Chuyển, trả văn phòng để cắt giảm chi phí
Thậm chí, một công ty môi giới bất động sản đặt tại TP Thủ Đức thành lập hồi tháng 10/2021 đã từng bước từ cắt lương cứng, sa thải nhân viên đến ngưng hoạt động.
"Đến tháng 12 năm ngoái, công ty còn cố gắng duy trì tiền thuê mặt bằng văn phòng 50 triệu đồng/tháng và hỗ trợ anh em tư vấn khách. Đầu năm nay, do quá khó khăn, công ty đã cho tất cả nhân viên nghỉ, chỉ giữ lại tầng trệt với chi phí thuê 20 triệu đồng/tháng. Đến nay không thể cầm cự được nữa nên công ty tạm dừng hoạt động và trả lại mặt bằng này", đại diện công ty chia sẻ.
Từ doanh nghiệp bất động sản đến công nghệ, dịch vụ... đều trả mặt bằng hoặc thu hẹp diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngay từ đầu năm nay, hàng loạt văn phòng giao dịch tại quận 1, quận 3, quận 7, TP Thủ Đức (TP.HCM) của một công ty công nghệ phục vụ lĩnh vực bất động sản và tài chính cũng đã ngừng hoạt động.
Trả lời Zing hồi đầu tháng 1, đại diện doanh nghiệp cho hay đang trong giai đoạn tái cấu trúc để có thể hoạt động hiệu quả và phù hợp với thời điểm hiện tại hơn. Từ 9 văn phòng ở TP.HCM để tiếp đón khách hàng, thời điểm đó doanh nghiệp chỉ còn duy trì 3 địa điểm ở quận 1, 3 và Bình Thạnh.
"Cùng với việc 'chắt lọc' nhân sự chất lượng, chúng tôi cũng thu hẹp lại các mặt bằng, chỉ sử dụng một số mặt bằng tương ứng số lượng nhân sự", vị này xác nhận.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, theo ghi nhận của Zing, các trang mạng xã hội của công ty này không còn cập nhật thông tin mới, thậm chí hiện không thể truy cập được trang web công ty.
Là doanh nghiệp chuyên cho thuê văn phòng ở các quận trung tâm TP.HCM, ông Bùi Minh Thức, đại diện TSA Land thừa nhận thời điểm hiện tại, thị trường cho thuê văn phòng đang bị ngưng lại. Hiện hệ thống của ông đang ghi nhận có đến 50-60% diện tích sàn trống.
"Hiện tại khách thuê có xu hướng giảm diện tích văn phòng, đồng thời ưu tiên chuyển ra ngoài trung tâm TP nhằm tiết kiệm chi phí vận hành. Đặc biệt, các công ty về tài chính, bất động sản giải thể rất nhiều, do đó tỷ lệ trả mặt bằng cũng dần tăng theo", ông nói với Zing.
Chủ tòa nhà điều chỉnh để thích nghi
Trong báo cáo về thị trường văn phòng quý I/2023 công bố cách đây không lâu, CBRE ghi nhận sự trở lại của các giao dịch thu hẹp và trả mặt bằng với quy mô lớn, đặc biệt từ nhiều chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn về tài chính.
Đơn vị này cho hay nhiều giao dịch thuê văn phòng đang trong quá trình thương thảo cũng phải trì hoãn tạm thời do khách thuê cắt giảm ngân sách hoặc thay đổi kế hoạch kinh doanh. Trong lúc này, một số chủ nhà đồng thời chào thêm các mặt bằng đã giữ lại trong giai đoạn trước.
Lần đầu tiên sau đại dịch, diện tích thuê mới rất hạn chế, trong khi diện tích khách trả mặt bằng và thu hẹp tăng nhiều.
Bà Thanh Phạm - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam
"Những yếu tố này cùng khó khăn kinh tế trước mắt đã gây áp lực lên thị trường khi lần đầu tiên sau đại dịch, diện tích thuê mới rất hạn chế, trong khi diện tích khách trả mặt bằng và thu hẹp tăng nhiều.
Điều này dẫn đến diện tích trống của hạng A tăng 3.500 m2, diện tích cho thuê mới của hạng B cũng chỉ hơn 2.200 m2 (trong đó đã bao gồm gần 3.800 m2 của dự án mới đi vào hoạt động)", bà Thanh Phạm - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam nhìn nhận.
Thực tế này khiến tỷ lệ trống văn phòng hạng A và hạng B lần lượt là 6,9% và 9,8%, tương đương với mức tăng 0,7 điểm phần trăm và 1,1 điểm phần trăm so với quý IV/2022.
Trong khi đó, giá chào thuê đều giảm ở cả hai phân khúc. Giá thuê trung bình hạng A đạt 45,6 USD/m2/tháng, giảm 0,7% so với quý trước đó. CBRE cho rằng điều này cho thấy các chủ tòa nhà đã bắt đầu thận trọng hơn để đối phó với tình hình suy thoái kinh tế hiện tại. Đối với hạng B, giá trung bình đạt 25,6 USD/m2/tháng, giảm 0,8% so với quý trước và 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của đơn vị này, giá chào thuê và giá chốt trên hợp đồng thực tế có thể chênh 15-20% tùy điều kiện chào thuê và diện tích thuê.
Từ nay đến cuối năm, CBRE thống kê sẽ có thêm 6 tòa nhà văn phòng mới với khoảng 170.000 m2 sàn, trong đó hạng A vẫn sẽ chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 80% tổng nguồn cung.
Bà Thanh Phạm cho rằng nguồn cung mới dồi dào cùng ngân sách thắt chặt của các công ty trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế sẽ đặt nhiều áp lực lên tình hình hoạt động của thị trường.
"Do đó, các chủ đầu tư cần phải thận trọng khi đưa ra các chính sách chào thuê, nhất là những dự án mới cần phải thật sự linh hoạt trong điều khoản thuê để đạt tỷ lệ lấp đầy như kỳ vọng", bà nói.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.