Làn sóng tẩy chay các Viện Khổng Tử đã lan đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại hai quốc gia này, nhiều nhà hoạt động, chính trị gia đã kêu gọi chính quyền điều tra hoặc đóng cửa các học khu do Trung Quốc thành lập, báo South China Morning Post đưa tin.
Trước đó, hệ thống Viện Khổng Tử đã bị tẩy chay ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm ở Mỹ, châu Âu và Australia. Các nước cho rằng Viện Khổng Tử giúp Trung Quốc quảng bá hình ảnh và sức mạnh mềm, thậm chí còn can thiệp đến tự do ngôn luận hoặc hỗ trợ hoạt động gián điệp.
Tại Hàn Quốc, các nhà hoạt động cực hữu chỉ trích Viện Khổng Tử là “công cụ tẩy não”. Tại Nhật Bản, chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đang điều tra về các nguồn tài trợ, hoạt động và mức độ ảnh hưởng của những học khu này.
Hệ thống Viện Khổng Tử
Viện Khổng Tử lần đầu xuất hiện ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào năm 2004. Đến nay, mạng lưới Viện Khổng Tử đã có mặt ở gần 160 quốc gia, với hơn 500 học khu trên toàn thế giới.
Viện Khổng Tử được giới thiệu là đối tác giáo dục của nhiều trường đại học, cao đẳng của Trung Quốc. Ở nước ngoài, các học khu nằm dưới sự quản lý của Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ, một đơn vị có liên kết chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc.
Hồi tuần trước, cựu quan chức của Bộ Văn hóa Hàn Quốc Han Min Ho đã dẫn đầu một nhóm các nhà hoạt động để biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Seoul. Nhóm này mang theo cờ Hàn Quốc và cờ Mỹ, cùng biểu ngữ ghi: “Không có Khổng Tử trong các Viện Khổng Tử”.
“Các Viện Khổng Tử là công cụ tẩy não của Trung Quốc nhằm lôi kéo người ủng hộ”, ông Han tuyên bố với This Week In Asia.
Học sinh quốc tế tham quan Viện Khổng Tử. Ảnh: Getty. |
Ông cũng thấy “đáng tiếc” khi nhiều học giả của Hàn Quốc so sánh Viện Khổng Tử với những tổ chức văn hóa, ngôn ngữ danh tiếng như Cộng đồng Pháp ngữ, Hội đồng Anh hay Viện Goethe.
Ông Han nói nhiều nhà lập pháp tại Hàn Quốc đang “làm ngơ” vì họ sợ hãi tầm ảnh hưởng và quyền lực của Trung Quốc.
Năm ngoái, đại biểu quốc hội Chung Kyung Hee đã cáo buộc Viện Khổng Tử xuyên tạc lịch sử, cổ xúy cho các ý tưởng và chính sách của Trung Quốc. Bà Chung kêu gọi giới chức giáo dục điều tra hoạt động của Viện Khổng Tử, song bị chỉ trích nặng nề, dẫn một nguồn tin của This Week In Asia.
“Tôi không nghĩ họ đang xem xét việc này một cách nghiêm túc… Bà Chung đã yêu cầu họ báo cáo kết quả điều tra từ 6 tháng trước. Nhưng đến nay, bà ấy vẫn chưa nhận được câu trả lời”, nguồn tin cho biết.
Công cụ tuyên truyền
Tại Nhật Bản, Bộ Giáo dục xác nhận họ sẽ điều tra tất cả 14 Viện Khổng Tử ở nước này. Trước đó, các học khu bị cáo buộc tuyên truyền và thu thập thông tin tình báo trái phép. Bộ Giáo dục đã yêu cầu các viện phải giải trình về hoạt động, nguồn tài trợ và số lượng sinh viên.
“Nhiều đồng minh của chúng tôi, như Mỹ và nước châu Âu, đều chia sẻ những giá trị chung là tự do, dân chủ và pháp quyền. Họ ngày càng quan ngại và muốn bãi bỏ hoặc yêu cầu các học khu phải cung cấp đầy đủ thông tin”, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Koichi Haguida phát biểu trước quốc hội hồi tháng trước.
Các cơ quan chức năng tại Nhật Bản thường gặp khó khi quản lý hệ thống Viện Khổng Tử, do những cơ sở này không cung cấp giấy phép chính thức. Dù vậy, các viện vẫn liên kết được với nhiều trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc, giúp thu lợi nhuận từ sinh viên quốc tế.
Giáo sư về quan hệ quốc tế Yoichi Shimada tại Đại học tỉnh Fukui chia sẻ: “Đối với Nhật Bản, mối lo ngại lớn nhất là các cơ sở này thao túng công chúng theo hướng có lợi cho Trung Quốc”.
Ông Shimada cũng đề cập đến khả năng các Viện Khổng Tử hỗ trợ hoạt động gián điệp trong các trường đại học.
Ông Shimada lấy ví dụ về trường hợp của giáo sư Anming Hu từ Đại học Tennessee. Người này đang bị xét xử vì che giấu mối quan hệ với một trường đại học ở Trung Quốc, trong khi đang nhận tài trợ nghiên cứu từ chính phủ Mỹ.
Một Viện Khổng Tử ở Trung Quốc. Ảnh: Asia News. |
Đây là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh có thể thâm nhập vào các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học và các công ty chuyên nghiên cứu công nghệ.
Ông Shimada cho rằng các Viện Khổng Tử ở Nhật Bản nên “minh bạch về nguồn vốn”, đồng thời “công khai toàn bộ” nội dung các khoa học mà họ giảng dạy.
“Trung Quốc sẽ không truyền tải những quan điểm cân bằng về lịch sử tại các học khu. Thay vào đó, họ muốn nuôi dưỡng những thế hệ đồng minh trong tương lai. Những người này sẽ sẵn sàng phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc”, ông Shimada nhận xét.
Cựu Chủ tịch Ủy ban An toàn Công Quốc gia Nhật Bản, ông Jin Matsubara, ủng hộ các cuộc điều tra của chính phủ nhắm vào hệ thống Viện Khổng Tử. “Tôi tin rằng chúng ta nên công khai tranh luận và đánh bại kế hoạch tuyên truyền từ phía Trung Quốc”, ông Matsubara nói.