Ngày 22/9, Facebook cho biết họ đã xóa hai mạng lưới tài khoản ảo do có những hành vi không xác thực, một trong số đó có có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tổng cộng đã có 115 tài khoản Facebook và 6 tài khoản Instagram đã bị xóa.
“Các chiến dịch kêu gọi được Trung Quốc thực hiện thông qua mạng xã hội tại nhiều khu vực trên thế giới ngày càng hung hãn hơn”, Fang Kecheng, giảng viên trường Đại học Hong Kong nói với South China Morning Post.
Nguồn gốc từ Trung Quốc
Mặc dù sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để che giấu những hành vi của mình, Facebook đã điều tra ra nơi đăng ký những tài khoản ảo bị họ xóa bỏ là tại tỉnh Phúc Kiến, miền Nam Trung Quốc. Công ty này không tiết lộ vì sao họ có thể tìm ra địa điểm này, hay các tài khoản ảo có liên hệ gì với chính phủ Trung Quốc không.
Các bài đăng ban đầu của những tài khoản này thường có nội dung vui vẻ, ca ngợi thành tựu của Trung Quốc. Ảnh: Graphika. |
“Việc xóa mạng lưới tài khoản này có lẽ không hiệu quả lắm vì theo thông báo, dường như các tài khoản bị xóa được đăng ký từ cùng một nhóm người, thậm chí có nhiều tài khoản chỉ là ảo, không có bạn bè hay người theo dõi”, King-wa Fu, phó giáo sư của Đại học Hong Kong chia sẻ. Ông Fu cũng nhận xét Trung Quốc giờ đây đã chủ động truyền bá góc nhìn sai lệch của mình về những vấn đề liên quan đến chính trị trên toàn cầu.
Reuters dẫn lời Nathaniel Gleicher, Giám đốc an ninh mạng Facebook cho biết đây là lần đầu tiên Facebook gỡ bỏ các tài khoản được đăng ký tại Trung Quốc vì cho rằng những tài khoản này cố gắng can thiệp vào nền chính trị của Mỹ.
Graphika, một công ty phân tích mạng xã hội đồng thời là đối tác của Facebook cho biết những hội nhóm và trang tin trên Facebook được liên kết với Trung Quốc thường có chung quản trị viên.
Mặc dù các tài khoản quản trị nằm ở nhiều nước, nghiên cứu chỉ ra chúng thực tế đều đến từ Trung Quốc. Ảnh: Graphika. |
Trước đó, một trang tin có tên “Những điều cần biết về eo biển Đài Loan” được lập ra vào năm 2016 là điểm khởi đầu cho sự bành trướng của Trung Quốc trên mạng xã hội. Từ những video về gấu trúc đăng tải trong những ngày đầu tiên, trang tin này sau đó đã đăng nhiều bình luận nhằm ca ngợi sức mạnh của Trung Quốc và đả kích vào lãnh đạo Đài Loan, bà Tsai Ing-wen.
Các bài đăng của những nhóm này thường xuyên thay đổi dựa trên tình hình ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước khác. Năm 2019, khi biểu tình tại Hong Kong lan rộng, những trang trong mạng lưới đã bôi nhọ người biểu tình.
Tuyên truyền không hiệu quả
Các trang tin và tài khoản xã hội có liên kết với Trung Quốc hết mực ca ngợi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người cho đến nay vẫn duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh. Một số trang tin ủng hộ vị ông Duterte thu hút tới hàng chục nghìn người theo dõi. Các trang nói về tình hình Biển Đông thu hút khoảng 10.000 người theo dõi. Số lượng người quan tâm tới các vấn đề khác như Tổng thống Mỹ Donald Trump thì ít hơn.
“Những nỗ lực kiểm soát mạng xã hội của Trung Quốc trong giai đoạn này dường như không diễn ra theo đúng ý muốn vì họ đang phải đối mặt với sự phản đối từ Twitter và Facebook”, Yim Chan Chin, Giáo sư tại trường Đại học Xian Jiaotong-Liverpool ở Tô Châu, Trung Quốc cho biết.
Bà Chin tin rằng chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thuê những công ty bên thứ ba nhằm tăng độ phủ sóng của mình trên quốc tế. Tuy nhiên, những bên thứ ba thường sử dụng nhiều tài khoản ảo hoặc tài khoản giả mạo, vi phạm vào chính sách của Facebook và Twitter.
Các tài khoản này sử dụng công cụ AI để tạo ra những khuôn mặt mới (bên trái). Khi chồng các ảnh vào nhau, có thể thấy mắt của mọi ảnh ở cùng vị trí, dấu hiệu cho thấy chúng là ảnh tạo ra bằng máy chứ không phải ảnh thật. Ảnh: Graphika. |
“Đối với Chính phủ Trung Quốc, họ không mấy quan tâm là những chiến dịch tuyên truyền có diễn ra hiệu quả hay không. Mục đích của các chiến dịch này là cho thấy có sự trung thành với Bắc Kinh. Họ quan tâm tới những gì Chính phủ Trung Quốc nghĩ hơn là những gì mà thế giới đang nghĩ về họ”, ông Fang Kecheng nhận xét.
Gần đây, các bài viết dường như đang cố gắng tỏ ra đa chiều. Facebook tìm thấy nhiều bài viết được đăng tải tại khu vực Đông Nam Á với nội dung cả khen lẫn chê về Trung Quốc, trong khi nội dung hướng tới thị trường Mỹ thì đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về Tổng thống Trump và ứng viên tổng thống Joe Biden.
Để che giấu thân phận, các tài khoản hoặc trang thường sử dụng cách đăng ký qua VPN và lấy những hình ảnh phổ biên trên mạng xã hội về làm ảnh riêng của mình. Sau đó, trong quá trình hoạt động, một số tài khoản đã sử dụng thêm công nghệ AI để tạo ra những khuôn mặt mới. Để che giấu sự giả tạo, các bức ảnh thường có độ phân giải thấp, bị cắt gọt.
Mặc dù vậy, bằng nhiều phương pháp khác nhau, các chuyên gia của Facebook vẫn có thể tìm ra được nơi mà các tài khoản giả mạo được đăng ký.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng Facebook không chỉ đang nhắm đến mỗi Trung Quốc mà họ còn mở rộng phạm vi điều tra trên toàn cầu.
Ông Fang Kecheng cho biết: “Trước khi xóa một số tài khoản được đăng ký tại Trung Quốc, Facebook đã làm điều tương tự tại Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg cần đưa ra các cơ chế minh bạch hơn”.
“Facebook nên có một chính sách và tiêu chuẩn nhất quán đối với những thông tin sai lệch áp dụng cho các bên khác nhau”, Giáo sư Yim Chan Chin nói thêm.