Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làn sóng chỉnh sửa tác phẩm lan đến tiểu thuyết của Agatha Christie

Theo The Guardian, một số tiểu thuyết của Agatha Christie đã được chỉnh sửa để loại bỏ những câu từ được cho là xúc phạm độc giả, bao gồm một số lời lăng mạ và nhạy cảm sắc tộc.

chinh sua nhay cam, anh 1

Nữ hoàng trinh thám Agatha Christie. Ảnh: Penguin.

Trong lần tái bản mới loạt truyện trinh thám xoay quanh hai nhân vật thám tử nổi tiếng Hercule Poirot và Miss Marple của Agatha Christie (được viết từ năm 1920 đến 1976), Nhà xuất bản HarperCollins đã chỉnh sửa và loại bỏ một số câu chữ có thể khiến độc giả hiện đại thấy khó chịu, đặc biệt là những đoạn văn các nhân vật chính của Christie gặp gỡ nhân vật khác bên ngoài Vương quốc Anh.

Cụ thể, các nội dung liên quan đến sắc tộc, chẳng hạn như mô tả một nhân vật là người da đen, người Do Thái hoặc người Digan, hay thân hình của một nhân vật nữ trông như “đá cẩm thạch đen” hoặc nhận định của một thẩm phán về người khác là “nóng nảy như kiểu người Ấn Độ”.

Các ấn bản mới cũng loại bỏ các thuật ngữ như “Oriental - Phương Đông” và các từ chửi tục. Từ “natives - bản địa” cũng được thay thế bằng từ “local - địa phương”.

Tờ Telegraph đã trích dẫn một số đoạn thay đổi cụ thể. Ví dụ trong cuốn tiểu thuyết Death on the Nile năm 1937 liên quan đến thám tử Poirot, trong đó nhân vật bà Allerton phàn nàn rằng một nhóm trẻ em đang quấy rầy bà. Bà nói rằng: “chúng quay lại và nhìn chằm chằm. Mắt và mũi của chúng trông thật kinh tởm, và tôi không tin là mình thực sự thích trẻ con”. Nội dung này đã được sửa trong ấn bản mới: “Chúng quay lại và nhìn chằm chằm. Và tôi không tin là mình thực sự thích trẻ con”.

chinh sua nhay cam, anh 2

Death on the Nile gần đây mới được làm lại bản phim mới. Ảnh: 20th Century Studios.

Hay trong ấn bản mới của cuốn tiểu thuyết A Caribbean Mystery năm 1964 về hành trình của Miss Marple, cảnh thám tử nghiệp dư này trầm ngâm khi một nhân viên khách sạn, người có “hàm răng trắng đáng yêu”, cười với cô đã bị xóa.

Việc chỉnh sửa tác phẩm để tránh xúc phạm độc giả không phải là hiếm trong thời gian gần đây. Trong quá trình tái bản các ấn phẩm cũ và ra mắt các ấn bản mới, nội dung của chúng sẽ được đánh giá xem có ngôn từ hay mô tả nào có khả năng gây khó chịu cho độc giả hay không, đồng thời nhằm mục đích cải thiện sự đa dạng trong ngành xuất bản.

Trước đó, tác phẩm của Roald Dahl và Ian Fleming cũng đã bị xóa các nội dung được cho là xúc phạm đến giới tính và chủng tộc. Việc chỉnh sửa hai tác phẩm này được thông báo là để giúp chúng phù hợp hơn với độc giả hiện đại.

Dù đây là lần đầu tiên tiểu thuyết của Christie bị thay đổi, cuốn tiểu thuyết năm 1939 And Then There Were None của bà đã được sửa tên. Tên trước đây của tác phẩm này có chứa thuật ngữ phân biệt chủng tộc (Ten Little Niggers) và được sử dụng lần cuối vào năm 1977.

Truyện trinh thám bối cảnh thời cổ đại của Agatha Christie

"Tận cùng là cái chết" là cuốn tiểu thuyết duy nhất lấy bối cảnh thời cổ đại, trong tất cả các tiểu thuyết trinh thám của nữ văn sĩ người Anh.

Vụ biến mất của 'nữ hoàng trinh thám' vẫn chưa có lời giải

Cả Arthur Conan Doyle, Dorothy L. Sayers và hàng nghìn người đã tham gia việc tìm kiếm vụ mất tích của nữ tiểu thuyết gia Agatha Christie.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm