Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lần đầu xuất ngoại từ 2011, Kim Jong Un mong chờ điều gì?

Chưa biết bên nào mở lời cho chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim Jong Un, tuy nhiên dường như cả Triều Tiên và Trung Quốc đều có lợi trong việc thắt chặt mối quan hệ ngoại giao.

Ngày 28/3, Trung Quốc xác nhận tiếp đón nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Kim sau khi nắm quyền điều hành đất nước từ năm 2011. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo một nước bên ngoài được gặp ông Kim Jong Un - một người bí ẩn từ lúc nhậm chức cho đến tận giờ.

Trong chuyến thăm này, ông Kim Jong Un đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông cho biết Triều Tiên sẵn sàng thảo luận với Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề phi hạt nhân nếu hai nước này phản ứng có thiện chí.

Sự kiện trên chỉ xảy ra vài ngày trước cuộc hội đàm cấp cao của ông Kim với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và có thể là với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Liệu ông hy vọng đạt được điều gì trong việc tăng cường hoạt động ngoại giao sau thời gian dài liên tục hăm dọa, khiêu khích các nước khác bằng nhiều hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân?

Kim Jong Un vuon den Trung Quoc anh 1
Lãnh đạo Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Xuất đầu đối ngoại, tìm kiếm giảm trừng phạt

Nhiều dấu hiệu cho thấy lệnh trừng phạt nặng nề từ Liên Hợp Quốc và các quốc gia khác đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Triều Tiên. Theo New York Times, ông Kim Jong Un có thể đã thấy kinh tế Triều Tiên không thể trụ vững nếu liên tục bị "bóp nghẹt".

Một động thái ngoại giao "rầm rộ" đi kèm với việc hoãn thử nghiệm vũ khí và dừng phát ngôn khiêu khích có thể giúp ông Kim tránh những lệnh trừng phạt mới và "câu" thêm thời gian để nền kinh tế nước nhà kịp phục hồi. Ngoài ra, ông còn có thể nêu điều kiện chỉ tiếp tục đối thoại nếu các nước hoãn lệnh trừng phạt.

"Ông ấy đang đóng vai người hùng chống lại cả thế giới", nhà sử học Xia Yafeng tại Đại học Long Island cho biết.

Dựa vào các cuộc đàm phán trước đây, Trung Quốc và Nga có thể sẽ không quyết tâm bằng Mỹ trong việc trừng phạt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng cam kết về ngoại giao.

Ngoài ra, ông Kim Jong Un có thể còn nhắm đến mục tiêu củng cố quyền lực của mình tại Triều Tiên, theo New York Times.

Một trong những điều đầu tiên mà nhà lãnh đạo này cam kết với người dân khi nắm quyền vào năm 2011 đó là không bắt họ phải chịu tình cảnh "thắt lưng buộc bụng". Nay khi Triều Tiên khẳng định đã sở hữu kho vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công các nước đối thủ, ông Kim cần tập trung vào việc xây dựng lại nền kinh tế.

Để làm được điều đó, ông cần sự giúp đỡ của Trung Quốc, thị trường rộng lớn với hơn 1 tỷ dân.

"Đối với Triều Tiên, việc củng cố mối quan hệ với Hàn Quốc là quan trọng, nhưng củng cố mối quan hệ với Trung Quốc còn cấp thiết hơn", ông Cheong Seong Chang, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Sejong rại Hàn Quốc nói. 

Kim Jong Un vuon den Trung Quoc anh 2
Ông Kim Jong Un và phu nhân tham quan một triển lãm trưng bày các thành tựu sáng tạo của Học viện Khoa học Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Dù từng du học ở Thụy Sĩ, nhà lãnh đạo Kim Jong Un chưa bao giờ đến thăm chính thức bất kỳ quốc gia nào và cũng chưa từng tiếp đón lãnh đạo quốc gia nào khác kể từ khi nắm quyền lãnh đạo Triều Tiên.

Chuyến thăm đến Bắc Kinh có thể tận dụng những mối quan hệ mà Triều Tiên đã xây dựng thành công xung quanh sự kiện Thế vận hội Mùa đông 2018 được tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc, hồi tháng 2. 

Đoàn đại biểu tham dự Thế vận hội do Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong Nam dẫn đầu cùng với bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un, đã gây ấn tượng vừa đủ. Điều này trực tiếp dẫn đến việc Triều Tiên đồng ý hội đàm với Hàn Quốc và có thể gặp gỡ thượng đỉnh với Mỹ.

Khi quyền lực được củng cố tại quê nhà và chương trình hạt nhân của đất nước có lẽ cũng đã đủ hoàn thiện, ông Kim Jong Un dường như đã sẵn sàng xuất hiện với tư cách một chính khách được công nhận, thậm chí được tôn trọng, trên chính trường thế giới.

Theo New York Times, đây là thành tựu đáng ghi nhận của vị lãnh đạo trẻ.

Thắt chặt quan hệ, giúp Bắc Kinh trở lại "cuộc chơi"

Trung Quốc từ lâu là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên. Trung Quốc đóng vai trò như dây đai an toàn giữ cho nền kinh tế của Triều Tiên đứng vững sau hàng loạt đòn trừng phạt từ phương Tây.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên trong thời gian qua dần trở nên căng thẳng. Trung Quốc, rõ ràng không hài lòng về thái độ khiêu khích của Triều Tiên, đã về phe Mỹ và các đồng minh trong việc thắt chặt nghị quyết trừng phạt đáp trả việc Bình Nhưỡng đẩy mạnh chương trình hạt nhân.

Kim Jong Un vuon den Trung Quoc anh 3
Trong cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo, ông Kim Jong Un cho biết Triều Tiên sẵn sàng thảo luận về vấn đề phi hạt nhân nếu Mỹ và Hàn Quốc phản ứng có thiện chí.  Ảnh: Tân Hoa Xã.

Thời điểm này, ông Kim Jong Un lại đang cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc thoát khỏi trạng thái cô lập với thế giới. Trong bối cảnh sắp hội đàm cấp cao với Mỹ và Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ cần mọi sự ủng hộ về ngoại giao có thể có được.

Đồng thời, ông Kim cũng không thể liều lĩnh làm phật lòng một nhà lãnh đạo đầy tự tin và quyết đoán như ông Tập Cận Bình bằng việc phớt lờ Bắc Kinh khi đang chuẩn bị nói chuyện với Mỹ và Hàn Quốc.

Theo South China Morning Post, cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo là thông điệp rõ ràng với thế giới rằng Trung Quốc và Triều Tiên vẫn là những đồng minh thân cận.

Chưa rõ Triều Tiên hay Trung Quốc mở lời trước về cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc bị "cho ra rìa", ít nhất là một cách công khai, trong những hoạt động ngoại giao đột phá gần đây như cuộc hội đàm giữa Triều Tiên với Hàn Quốc hoặc với Mỹ là một nguyên nhân khiến cuộc gặp gỡ diễn ra.

Trung Quốc chắc chắn sẽ muốn lấy lại vị thế trung tâm trong những "cuộc chơi" ngoại giao để bảo vệ quyền lợi chiến lược trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.

"Trung Quốc lo lắng về việc bị phớt lờ bởi Mỹ và Triều Tiên. Họ lo sợ các nước sẽ liên kết với nhau và sợ cả việc bị coi nhẹ lợi ích", ông Trầm Chí Hoa, nhà sử học nổi tiếng của Trung Quốc, cho biết.

Đoàn tàu bí ẩn nghi đưa Kim Jong Un tới Bắc Kinh Đoàn tàu bí ẩn được cho là đi qua cầu Hữu nghị tại biên giới Trung - Triều hướng tới Bắc Kinh dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt. Tại Bắc Kinh, an ninh được tăng cường cao độ.

SCMP: Ông Kim Jong Un đã rời Bắc Kinh

Tờ SCMP của Hong Kong đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã rời Bắc Kinh sau nửa ngày thăm viếng. Điếu Ngư Đài và ga tàu ở thủ đô TQ đã trở lại hoạt động như thường lệ.

TQ nói không có thông tin về việc tin Kim Jong Un tới Bắc Kinh

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời rằng họ "không hiểu gì" khi được hỏi về thông tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm nước này.

Chi Mai

Bạn có thể quan tâm