Hơn 80 năm qua, bà Betty Eppel vẫn nhớ rõ mình đã khóc khi bị bố ép lên chiếc sà lan tối om vào một ngày tháng 9/1942. Lúc đó bà 7 tuổi, còn sợ bóng tối.
“Nếu con không xuống thì chúng ta sẽ chết hết. Con có thấy bọn phát xít cầm súng đứng trên cầu kia không?”, bà Eppel nhớ lại lời bố gắt. Bà sau đó bị đẩy vào một góc sà lan, bắt đầu hành trình trốn chạy phát xít Đức.
Eppel là một trong những người Do Thái may mắn sống sót sau Holocaust - thảm họa diệt chủng cướp đi sinh mạng gần 6 triệu người ở châu Âu. Nhân lễ tưởng niệm nạn nhân Holocaust, bà có mặt tại Hà Nội vào ngày 29/3 để kể lại câu chuyện của mình.
Theo Đại sứ quán Israel tại Hà Nội, đây là lần đầu tiên một nạn nhân sống sót sau Holocaust có mặt ở Việt Nam để trực tiếp chia sẻ những gì từng trải qua.
Bà Betty Eppel tại Lễ tưởng niệm nạn nhân Holocaust tại Việt Nam vào sáng 29/3. Ảnh: Quốc Đạt. |
Những lần thót tim
Betty Eppel sinh năm 1935 tại Pháp, có bố mẹ là người Do Thái gốc Ba Lan. Ban đầu, cô bé sống cùng bố mẹ và 2 người em trai tại vùng Valenciennes, miền Bắc nước Pháp.
Tới năm 1942, 2 năm sau khi phát xít Đức chiếm đóng Pháp, Eppel và em trai đầu, tên Jacques, được gửi tới sống với người quen ở thị trấn gần đó. Ngày 7/9/1942, bố mẹ Eppel mang em tới thăm vì đó là sinh nhật 5 tuổi của Jacques.
Đó cũng là lần cuối cả gia đình có dịp sum họp vì chỉ 4 ngày sau, bố mẹ cùng em trai út của Eppel bị phát xít Đức bắt tới trại tập trung Auschwitz, theo Jerusalem Post. Sau khi trốn thoát, người bố quay lại để đưa 2 con tới nơi an toàn.
Kể lại với khán giả người Việt Nam, bà Eppel nói mình và em trai đã ở trên sà lan 3 ngày để vượt qua khu phát xít chiếm đóng tới vùng tự do. “Trên sà lan chỉ có một chai nước và một gói bánh quy. Tôi liên tục hỏi mẹ đâu nhưng không có câu trả lời”, bà Eppel nhớ lại. “Tôi rất sợ hãi”.
Bà Eppel kể về gia đình của Josephine Guicherd cùng chồng Victor ở Dullin, Pháp - những người đã chăm sóc và che giấu hai chị em bà khỏi phát xít Đức. Ảnh: Quốc Đạt. |
Sau khi lên bờ, bà Eppel cùng với bố đi tàu. Tại đây, họ bị Gestapo - lực lượng cảnh sát mật của Đức Quốc xã - kiểm tra giấy tờ. Trái tim bà Eppel như thắt lại vì bà biết đó là căn cước giả do bố chuẩn bị để che giấu thân phận Do Thái của gia đình.
“Bố tôi ra hiệu cho tôi đừng nói gì. Tôi sợ không dám nhìn vào những tờ giấy ấy”, bà nói. Nhưng cuối cùng, Gestapo chỉ trả lại giấy tờ và cho họ qua.
Eppel và em trai Jacques sau đó được bố gửi tới chăm sóc tại nhà của Josephine Guicherd cùng chồng Victor ở Dullin - một ngôi làng nhỏ với khoảng 90 người dân.
“Bố tôi thỉnh thoảng xuất hiện. Ông không bao giờ kể ông ở đâu vì sợ có ngày chúng tôi bị bắt và tra tấn”, bà Eppel kể trong sự kiện ngày 29/3.
Tại Dullin, Eppel và em trai phải học theo thông lệ của người Cơ Đốc giáo để che giấu thân phận người Do Thái. Khi binh sĩ Đức tiến vào làng, hai đứa trẻ phải chui vào trốn trong chiếc thùng gỗ chuyên đựng bánh mì.
Nhờ được dân làng Dullin cưu mang, Eppel và em trai thoát được phát xít Đức. Cách Dullin chỉ 5 km là Izieu, nơi binh sĩ Đức từng vây bắt hơn 40 đứa trẻ tại trại mồ côi Do Thái để chuyển tới các trại tập trung. Hầu hết sau đó đều bị giết hại tại Auschwitz, theo Jerusalem Post.
Câu trả lời về người mẹ
Eppel và Jacques sống với gia đình Guicherd trong gần 3 năm. Khi Thế chiến II kết thúc vào năm 1945, Eppel và Jacques đoàn tụ với bố và quay trở lại Pháp.
Năm 1964, Eppel chuyển tới sống tại Israel, sau đó lập gia đình. Bà giữ liên hệ thường xuyên với gia đình Guicherd và từng vài lần thăm lại làng Dullin.
Cháu trai của bà Eppel cũng dự sự kiện sáng 29/3. Ảnh: Quốc Đạt. |
Một ngày tháng 9/2020, bà Eppel nhận được email từ người quen, trong đó có chứa thông tin về những ngày cuối cùng trong đời mẹ và em trai út của bà. Thông tin này xuất phát từ nghiên cứu của một trung tâm lưu trữ về Holocaust ở Bỉ.
Jerusalem Post dẫn email trên cho biết bà Perla, mẹ của Eppel, cùng con trai Maurice đã được chuyển tới trại Auschwitz-Birkenau vào ngày 15/9/1942.
Sau quá trình sàng lọc, hơn 700 người Do Thái trong nhóm xấp xỉ 1.000 người này bị sát hại trong phòng hơi ngạt. Hơn 300 người bị ép lao động.
Email nói không có giấy chứng tử có tên Perla hoặc Maurice, có thể do phát xít Đức hủy nhiều tài liệu trước khi trại Auschwitz được giải phóng. Nhưng khó có chuyện một phụ nữ và đứa trẻ sơ sinh được cho đi lao động, nên nhiều khả năng họ đã bị đưa tới phòng hơi ngạt sau khi tới Auschwitz, lá thư kết luận.
“Tôi không thể ngủ được sau khi đọc thư”, bà Eppel nói với Jerusalem Post vào năm 2020.
Bất chấp nỗi đau, bà Eppel cố gắng sống cuộc sống trọn vẹn và có ích. Người phụ nữ 88 tuổi kể hiện nay, bà có 6 người cháu “tuyệt vời” và bà vẫn làm công việc tình nguyện tại một bảo tàng. Bà Eppel cũng bắt đầu nhận thấy những người sống sót qua Holocaust như mình cần lên tiếng để thế giới không lãng quên bài học hòa bình.
“Khi tôi còn nhỏ, bà ngoại chưa bao giờ kể với tôi về những gì bà trải qua. Tôi chỉ biết chuyện qua bố tôi”, Alon Eppel, một trong 6 người cháu của bà Eppel, người cũng dự sự kiện ngày 29/3, nói với Zing.
“Bắt đầu từ vài năm trước, bà mới bắt đầu nói chuyện với tôi về (Holocaust), mới phát biểu ở các trường học…”, Alon chia sẻ. “Tôi thấy vui khi bà có thể nói về nó”.