Các nhà nghiên cứu cho biết chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng mạnh nhất trong một thập kỷ vào năm 2019, đánh dấu lần đầu tiên có 2 quốc gia châu Á nằm trong số 3 nước có chi tiêu quốc phòng cao nhất thế giới, South China Morning Post cho biết.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), các nước trên thế giới đã chi 1.900 tỷ USD cho quốc phòng vào năm 2019, tăng 3,6% so với năm 2018, mức tăng chi tiêu lớn nhất kể từ năm 2010.
“Chi tiêu quân sự đã đạt mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”, Nan Tian, một nhà nghiên cứu tại SIPRI nói với AFP. Mức tăng này được thúc đẩy bởi các quốc gia có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới.
Đứng đầu là Mỹ, Washington đã chi 732 tỷ USD ngân sách quốc phòng năm 2019, tăng 5,3% so với năm 2018, chiếm 38% chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Năm 2019 đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp tăng ngân sách quốc phòng, sau khi 7 năm liên tiếp giảm.
Máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không A-50 của Nga trong một cuộc tập trận. Ảnh: Reuters. |
Lần đầu tiên 2 quốc gia châu Á nằm trong số 3 nước chi tiêu nhiều tiền cho quốc phòng nhất thế giới. Trung Quốc đã chi 261 tỷ USD, tăng 5,1%, trong khi đó, Ấn Độ chi 71,1 tỷ USD, tăng 6,8%.
Trong khi chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong 25 năm qua đã theo sát sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước, thì các khoản đầu tư của họ cũng phản ánh tham vọng về một quân đội đẳng cấp thế giới.
“Trung Quốc đã công khai tuyên bố rằng họ muốn cạnh tranh với Mỹ như một siêu cường quân sự”, ông Tian nói. Sự tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng phần nào giải thích cho sự trỗi dậy của Ấn Độ.
Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman cho biết căng thẳng và sự cạnh tranh với cả Pakistan và Trung Quốc là một trong những động lực cho việc tăng chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ.
5 quốc gia có ngân sách quốc phòng cao nhất bao gồm Nga và Saudi Arabia đã chiếm tới 60% tổng chi tiêu quốc phòng của thế giới. Theo SIPRI, sự tăng trưởng đáng chú ý khác là Đức. Berlin đã tăng 10% ngân sách quốc phòng năm 2019 lên mức 49,3 tỷ USD, mức tăng cao nhất trong top 15.
Theo các nhà nghiên cứu, việc tăng chi tiêu quốc phòng của Đức có thể được giải thích bằng sự gia tăng nhận thức về mối đe dọa từ Nga. Dù năm 2019 chứng kiến mức tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục, song các nhà nghiên cứu cho rằng đà tăng sẽ bị đảo chiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Khi thế giới đối mặt với cuộc suy thoái toàn cầu do đại dịch Covid-19, các chính phủ sẽ phải cân nhắc giữa chi tiêu quân sự và các lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà nghiên cứu Tian lập luận.
Tuy vậy, ông cho rằng mức giảm chi tiêu quốc phòng hậu Covid-19 sẽ không kéo dài. Ông trích dẫn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi chi tiêu quân sự của các nước châu Âu đã giảm trong những năm tiếp theo, nhưng mức giảm chỉ kéo dài 1-3 năm sau đó tăng trở lại.