Lâm Túc Ngân bắt đầu hành trình với 3 môn phối hợp từ năm 2017 chỉ sau một lời rủ rê của đồng nghiệp. Đến nay, cô đã tham gia hàng chục giải lớn nhỏ trên toàn thế giới mà gần nhất là giải Vô địch Thế giới IRONMAN tại Kona (Hawaii, Mỹ).
Trở Việt Nam tham dự BIM Group 5150 Phu Quoc 2022, lần đầu tiên Lâm Túc Ngân thử sức tại một cự ly hoàn toàn mới, thiên về sức mạnh.
“Ngân xem đây là cơ hội để thử nghiệm tìm ra giới hạn bản thân và tiềm năng để phát triển của chính mình”, Túc Ngân khẳng định.
Lâm Túc Ngân liên tục đặt ra mục tiêu để thử thách bản thân. |
Làm mọi thứ tốt nhất có thể chính là “Best in me”
- PV: Trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục giải IRONMAN thế giới, đồng thời là VĐV duy nhất của Đông Nam Á trong hạng tuổi này tham gia, đây có phải là phiên bản Túc Ngân tốt nhất? Hay sẽ còn những đột phá trong tương lai?
- Lâm Túc Ngân: Đến với giải IRONMAN thế giới 3 môn phối hợp, Ngân luôn hướng đến việc trở thành phiên bản tốt nhất của mình, Ngân đặt ra kế hoạch, mục tiêu và cố gắng đạt được nó. Ở giải đấu ấy, mọi thứ diễn ra suốt chặng đua đều nằm trong kế hoạch, cả những yếu tố không kiểm soát được, rủi ro vẫn nằm trong dự toán.
Vẻ đẹp của cuộc chơi 3 môn phối hợp là vượt qua kỷ lục cá nhân, vượt qua chính mình. Ngân nghĩ, với thể thao đường dài, không phải thứ hạng nhất nhì ba mà là việc vượt qua chính mình, có kỷ lục cá nhân mới là điều quan trọng hơn cả. Trong cuộc chơi này, được thấy bản thân tiến bộ, còn cơ hội tiến bộ mới là thứ quý giá nhất.
Tất nhiên, nếu hỏi Ngân có muốn trở thành phiên bản tốt hơn nữa hay không thì câu trả lời chắc chắn là có. Ở những cự ly IRONMAN, Ngân luôn hướng đến phiên bản tốt hơn của mình. Ví dụ khi tham gia BIM Group 5150 Phu Quoc 2022, có thể Ngân sẽ đạt thành tích là 2 tiếng 20 phút nhưng các năm tiếp theo, Ngân sẽ đặt mục tiêu giữ được thành tích này, nghĩa là không thụt lùi và nếu đạt được 2 tiếng 16 phút hoặc 2 tiếng 17 phút thì càng tốt.
Với Túc Ngân, “Best in me” là làm tốt nhất những gì có thể trong khả năng của mình. |
- Chị nghĩ sao về khái niệm “Best in me”? Theo chị, liệu “Best in me” sẽ là điểm mốc hay là một hành trình dài hơi vươn tới phiên bản tốt nhất của bản thân?
- “Best in me” với Ngân là ở thời điểm đó, với tất cả những yếu tố diễn ra trong cuộc sống, mình đã cố gắng vượt qua để hoàn thành mục tiêu bản thân đặt ra, thi đấu với phiên bản tốt nhất của mình. “Best in me” với Ngân không hẳn là thành tích, bởi thành tích còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ví dụ như điểm rơi phong độ, chiến thuật, đối thủ...
Ví dụ như tại giải đấu ở Phillipines tháng 8 vừa qua, mọi thứ diễn ra suôn sẻ đến 70% chặng đường để Ngân tranh thành tích top 5 tổng sắp. Nhưng bất ngờ, Ngân bị bể bánh xe. Và điều Ngân nhận ra ở đây rằng, dù bể bánh xe, Ngân vẫn xử lý cuộc đua một cách trọn vẹn và cố gắng hết mình, giữ tâm thế hướng đến “Best in me” trong hoàn cảnh đó với Ngân mới là thứ quan trọng nhất.
Sau tất cả, chỉ có bản thân chúng ta mới thật sự hiểu là mình đã cố gắng hết mình hay chưa, và có nuối tiếc nếu không làm hết mình hay không, đó mới là điều quan trọng nhất. Như tại giải vô địch thế giới Ngân tham gia vào tháng 10 vừa rồi, Ngân có thể làm tốt hơn như thế, nhưng Ngân hài lòng với kết quả đạt được bởi cần phục hồi để trở về, còn nhiều giải nối tiếp nhau. Ngân đua với thành tích khiến Ngân đủ sự hài lòng để còn thi đấu ở những giải đấu tiếp theo như BIM Group 5150 Phu Quoc 2022 hay xa hơn vào cuối năm là giải Thế dục Thể thao toàn quốc dưới tư cách như một vận động viên chuyên nghiệp.
Với Ngân, đây là một hành trình cần có chiến lược rõ ràng, hành trình này không thể bản năng quá, nên hiểu mình cần gì và có chiến thuật cho nó.
- Đâu là lý do mà chị quyết định tham gia BIM Group 5150 Phu Quoc? Cảm xúc của chị như thế nào khi đượcquay trở lại thi đấu tại Việt Nam sau những giải đấu xa nhà?
- BIM Group 5150 Phu Quoc 2022 là sự trở lại của giải đấu 3 môn phối hợp tại Việt Nam kể từ năm 2019. Lý do Ngân lựa chọn cự ly 51,5 là bởi cảm thấy bản thân đã vững vàng, đồng thời muốn thử thách bản thân ở một cự ly được xem là sở trường về mặt thể chất bẩm sinh.
Một người anh từng nói với Ngân: “Em nên chơi thể thao cự ly ngắn vì em không có lợi thế theo đuổi thể thao đường dài”. Tuy nhiên, Ngân không muốn từ bỏ, Ngân muốn đi đến giới hạn mà mình có thể đạt được và Ngân cũng đã đi được một hành trình rồi, chẳng lẽ vì một câu nói mà từ bỏ? Hiện tại, Ngân muốn thử sức với cự ly thiên về sức mạnh vì muốn xem thử khi mình sử dụng sở trường thì sẽ mang đến kết quả thế nào.
Thật sự mà nói, đua ở Việt Nam áp lực hơn khi đua ở nước ngoài rất nhiều. Ở nước ngoài người ta đâu biết mình là ai, mình cũng không biết đối thủ của mình, thứ duy nhất mình quan tâm là cố gắng hết sức, không quan tâm đối thủ là ai và tận hưởng cuộc đua một cách trọn vẹn nhất. Khi thi đấu ở Việt Nam, nhiều áp lực vô hình, đặc biệt là đôi khi, mọi người chỉ quan tâm là thành tích, thứ hạng. Những lời nhận xét như “Ngân chạy kém quá”, “Ngân xuống phong độ rồi”, “Tập lâu sao không tiến bộ”.... đôi khi lại làm mình xao nhãng, quên mất giá trị nội tại.
Nay, khi tâm thế đã sẵn sàng, bước ra thế giới, được dịp quan sát, trải nghiệm thấm nhuần vẻ đẹp thể thao, góc nhìn của Ngân về các cuộc thi thay đổi, Ngân quyết định trở lại, cảm nhận, trân trọng cảm xúc khi được đồng hành cùng những anh, chị, em trong cộng đồng.
Ngoài ra, vẻ đẹp của sự cố gắng và nỗ lực của bất kỳ ai, với thâm niên như thế nào, đều đáng trân trọng, mồ hôi nước mắt nào cũng đáng quý cả. Thể thao công bằng lắm, đối thủ mạnh hơn thì họ chiến thắng, đơn giản thế thôi. Với Ngân, đối thủ lớn nhất của mình bây giờ là thời gian, hạng mấy không còn quan trọng nữa rồi.
“Có giải đấu cự ly ngắn ở Việt Nam là rất cần thiết”
- Với chị, việc Việt Nam tổ chức một giải triathlon cự ly 51,5 km có ý nghĩa như thế nào?
- Xét về mặt khoảng cách, đây là cự ly rất phù hợp cho người mới bắt đầu chơi vì thật ra cộng đồng người chơi 3 môn phối hợp tại Việt Nam còn rất mới.
Xưa Ngân cứ nghĩ thể thao đường dài là môn của ý chí, nhưng thực sự không phải. Phải có sức khỏe, nền tảng thể lực trước tiên, khi đó mới đến công việc của ý chí.
Với 3 môn phối hợp, thể lực là điều không thể đạt được một sớm một chiều mà cần có sự tích lũy, đã gọi là tích lũy thì cần thời gian, không vội được. Trong suốt chặng đường đó, cần có những mục tiêu ngắn hạn, cột mốc để chinh phục để không nản chí, vậy nên việc xuất hiện cự ly vừa sức như 5150 là một điều cần thiết. Nếu ngay từ giải đầu, bạn đã tham gia quá tầm với khả năng cho phép của cơ thể thì sẽ phải trả giá bằng chấn thương và nhiều khi, không còn có thể chơi thể thao nữa.
Chúng ta phải tham gia những giải đấu đầu tiên, để biết bản thân cần gì, để biết mình như nào, thích gì thì mới tìm được phiên bản tốt nhất mình mong muốn được.
Ngân sẵn sàng đi chậm một chút, tập luyện dưới sức một chút. Ngân không bao giờ dồn hết 100% sức lực cho các bài tốc độ. Nếu bạn chạy bằng 100% sức sẽ đẩy cơ thể đến giới hạn, mà đó là ranh giới rất mỏng manh của lúc lơ đễnh dẫn đến chấn thương.
Sự tích lũy mới là yếu tố rất quan trọng trong 3 môn phối hợp. |
- Cộng đồng 3 môn hiện tại có xu hướng chơi khi chưa đủ tích lũy, nguy cơ quá sức, nguy hiểm, chị có suy nghĩ thế nào về quan điểm này?
- Ngân không ủng hộ việc mọi người không tập mà mọi người đi thi. Ngân đã thấy rất nhiều giải mọi người chỉ tập 3-5 tuần rồi đi thi, rút ngắn thời gian chuẩn bị, nếu quá sức sẽ rất rủi ro. Đôi khi mọi người phải lựa chọn điều gì an toàn cho bản thân.
Ngân không đồng tình với quan điểm: “Có dũng khí bước đến vạch xuất phát đã là thành công rồi” - có thể khi đăng ký giải mình chưa sẵn sàng, nhưng sau đó phải lên kế hoạch, tôn trọng cuộc thi bằng việc có kế hoạch tập luyện rõ ràng để khi quyết định đặt chân đến vạch xuất phát, đã có sự chuẩn bị, tích lũy đủ hoặc dư cho chặng đường ta muốn chinh phục rồi, không nên thi đấu bằng “niềm tin” được.
- Theo chị, để tham gia BIM Group 5150 Phu Quoc thì các VĐV cần bao lâu để luyện tập?
- Điều này còn tùy thuộc vào xuất phát điểm của mỗi người. Nếu bạn đã có nền tảng về 3 môn bơi, đạp xe và chạy bộ, thì thời gian luyện tập sẽ ngắn hơn so với những người chưa biết bơi chẳng hạn. Đạp xe là dễ và an toàn nhất bởi tại Việt Nam, hầu hết chúng ta đều được đạp xe từ bé. Ngoài ra, chạy bộ cũng mang đến nhiều khó khăn khi luyện tập bởi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chấn thương nhiều nhất.
Rào cản lớn nhất đối với những người bắt đầu chơi 3 môn phối hợp, gần như 80% người Việt Nam, chính là bơi. Phải biết bơi đã, sau đó là làm quen dần với việc bơi ở biển, nơi mà sóng liên tục. Đó lại là lý do Ngân khẳng định BIM Group 5150 Phu Quoc phù hợp với người mới vì biển Phú Quốc rất lặng, thuận lợi hơn cho người mới từ hồ ra biển.
- Là một VĐV đã bước đến thánh đường dành cho các IRONMAN xuất sắc, chị đặt mục tiêu gì khi tham gia giải BIM Group 5150 Phu Quoc?
Ngân không biết trước được hay đặt mục tiêu là mình sẽ về ở vị trí nào, Ngân chỉ muốn cố gắng hết sức của bản thân có thể với tinh thần “Best in me”. Tham gia giải BIM Group 5150 Phu Quoc lần này, Ngân háo hức khi biết mình có nhiều đối thủ mạnh, trong có một VĐV tuyển quốc gia sẽ tham dự là Trà My và đây cũng là cự ly sở trường của bạn ấy. Ngân xem đây là động lực và muốn thử xem mình thi đấu thế nào khi có đối thủ.
Về mặt thành tích, Ngân mong bản thân sẽ có kỷ lục cá nhân mới về cự ly bơi 1,5 km. Phần đạp xe và chạy cũng đạt kết quả tốt. Ngân muốn hoàn thành 3 môn trong khoảng 2 tiếng 20 phút. Ngân cũng phải tính cả chiến thuật thi đấu nữa, bởi với các cự ly ngắn, mỗi giây mỗi phút đều đáng giá. Thời gian là đối thủ lớn nhất của mình ở gần như tất cả cự ly.
- Cảm ơn Ngân về cuộc trao đổi.
Khu phức hợp nghỉ dưỡng - giải trí Phu Quoc Marina
Địa điểm: Bãi Trường, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Lịch sự kiện thể thao, giải trí trong tháng 11:
- Lễ hội biển Phu Quoc Marina Beach Fest (18-20/11)
- Sự kiện chạy cộng đồng Newborns Vietnam Runout (19/11)
- Giải 3 môn phối hợp “BIM Group 5150 Triathlon Phu Quoc - Best In Me” (20/11)