Lam Trường không cầm lòng được khi nhớ con
"Bình thường hai bố con cũng ít liên hệ. Gọi điện cho An cũng khó, cô ấy ít bắt máy lắm. Có lẽ An vẫn còn giận tôi nên chủ yếu liên lạc qua email", nam ca sĩ "Gót hồng" chia sẻ.
>> Lam Trường tái hiện 'Gót hồng' trong đêm tưởng nhớ Bảo Phúc
>>Lam Trường khoe clip con trai đáng yêu
Nhắc đến Kiến Văn, ánh mắt Lam Trường lấp lánh niềm vui và cả chút ngậm ngùi. Không ở bên cạnh con thường xuyên nên mỗi lần gặp gỡ, hai bố con đều tranh thủ trò chuyện, quấn quýt đến chẳng muốn rời. Lam Trường thú nhận: "Mỗi lần gặp con, lúc chia tay thật sự khó khăn lắm…".
- Hình như anh mới có những ngày nghỉ bên cạnh cậu con trai cưng của mình ở nước ngoài trong thời gian vừa qua?
- Kiến Văn gần 6 tuổi, mỗi năm tôi qua lại thăm con vài lần, gặp con, cùng chơi với con. Tôi mừng vì sức khỏe con tốt, bé năng động, càng lớn càng giống bố, mê nhạc và nhảy hàng tiếng đồng hồ không mệt. Ông ngoại bé rất am hiểu về âm nhạc nên bé Văn cũng có ảnh hưởng phần nào.
Mỗi lần gặp con, tôi thấy tình phụ tử ngấm sâu. Tôi không giống nhiều ông bố khác có thời gian bên con, nhưng tôi nghĩ tình cảm máu mủ là điều không thể thay đổi hay che đậy. Tôi cảm nhận được sự thương nhớ của con, mỗi lần gặp nhau hai cha con quyến luyến lắm, bé cứ bám theo đi chơi, nói chuyện với bố suốt. Bé Văn không biết nói tiếng Việt nhiều, hầu như bé chỉ nói tiếng Anh, nhưng nghe tiếng Việt thì bé hiểu. Bây giờ, Văn bắt đầu tập làm quen để nói tiếng Việt, nếu mình yêu cầu thì bé mới nói, còn môi trường bé tiếp xúc chủ yếu nói tiếng Anh.
- Mỗi lần gặp gỡ, hai bố con anh thường nói và chia sẻ với nhau những gì?
- Tôi thường hẹn gặp con, dắt con đi chơi game, đi ăn. Bé vẫn còn rất vô tư, vào khu vui chơi là chỉ chơi, chỉ khi đi mua sách tôi mới có thời gian để trò chuyện cùng con. Mới đây, tôi tới trường bé vào buổi trưa, lúc con đang ăn cơm. Tôi cũng muốn tìm hiểu xem con ăn uống học hành thế nào, vui chơi ra sao. Đấy là điều tôi mong muốn, vì các bạn con thường có bố mẹ đưua đón hàng ngày, còn bé Văn chủ yếu là mẹ hoặc ông bà ngoại nên lúc tôi đến bé rất vui, các bạn con cũng vui lắm.
Tôi cùng chơi với con và các bạn bé, cùng ăn, cùng làm ảo thuật với các bạn nhỏ. Tôi cảm nhận được niềm vui của con, khi có bố xuất hiện bên cạnh giống như bao bạn bè của nó. Tuy khoảng thời gian đó không nhiều, nhưng đó là những khoảnh khắc rất đáng nhớ và hy vọng tôi sẽ có nhiều lần gặp con trong những môi trường như vậy, vì tôi nghĩ điều đó sẽ tốt cho con hơn.
- Sự xa cách đó có làm anh cảm thấy những ảnh hưởng của mình với con sẽ bị giảm sút ít nhiều?
- Tôi nghĩ là có nhưng sẽ không nhiều, sống gần thì sẽ ảnh hưởng đến bé nhiều hơn, nhưng các cụ có nói "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Càng lớn bé càng có nhiều đặc điểm giống bố như thuận tay trái, có đồng điếu, đam mê âm nhạc. Điều đó tự bé có từ trong máu chứ không cần phải chỉ dạy.
Tất nhiên môi trường cũng rất quan trọng, Văn được mẹ nuôi dạy rất tốt, biết lễ phép, vâng lời và có kỷ luật. Nếu bị la, bé sẽ tự động đi lên lầu, tự phạt mình úp mặt vào tường chứ không chờ người lớn phải nói điều đó, đến khi nào nói cho ra thì bé mới ra. Và tôi hoàn toàn có thể yên tâm về điều này.
- Vậy anh có bao giờ phải trả lời thắc mắc của con về chuyện tại sao bố và mẹ không còn ở chung với nhau nữa?
- Kiến Văn tuy còn nhỏ nhưng luôn cảm nhận được tình cảm, sự quyến luyến gắn bó cha con. Mỗi lần hai bố con gặp nhau xong lúc ra xe đi về, lúc đầu thì bé cũng ngạc nhiên vì thấy bố không còn ngồi lên xe để về cùng hai mẹ con nhưng không biết hỏi sao, mặt bé cứ buồn hiu và nhìn mình chờ đợi. Sau nhiều lần bé cũng quen và hiểu, bố sẽ không đi về cùng hai mẹ con nữa.
Gần đây nhất, bé có hỏi mẹ: "Mẹ ơi, sao bố không ngồi chung xe với mình về nhà?". Mẹ bé cũng không biết trả lời sao, còn tôi phải nói với con: "Bố phải đi làm, con ở nhà ngoan, rồi bố qua thăm và sẽ mua quà cho con". Dần dần bé phải chấp nhận thôi, dù mỗi lần gặp gỡ hai bố con chia tay nhau cũng khó khăn lắm.
Tôi biết là bé có suy nghĩ đó nhưng chưa biết thể hiện bằng lời nói thôi, nhìn ánh mắt con tôi hiểu con muốn thắc mắc. Chỉ mong vài năm nữa, khi bé lớn hơn một chút thì có thể nói chuyện để con hiểu hơn, gần gũi hơn và thông cảm cho bố mẹ nhiều hơn.
- Không gặp được thường xuyên, vậy hai bố con anh có thường nói chuyện qua điện thoại không?
- Bình thường hai bố con cũng ít liên hệ, cũng có vài lần hiếm hoi mẹ bé chuyển máy để tôi có thể nói chuyện với con, vì gọi điện cho An cũng khó. Cô ấy ít bắt máy lắm. Có lẽ vì An vẫn còn giận tôi nên chủ yếu liên lạc qua email. Tôi hy vọng tương lai mọi thứ có thể tốt hơn, người lớn có thể không sao nhưng con nít thì có đủ tình cảm của bố và mẹ sẽ tốt hơn.
Có những lúc đi ngoài sân bay, tôi gặp Quang Dũng và Jennifer Phạm cũng đưa bé Bảo Nam đi đón ông bà. Tôi cũng có hỏi thăm và thấy mừng cho hai người. Mặc dù bây giờ đã xa nhau nhưng họ vẫn giữ được mối quan hệ tốt vì con, vẫn có thể dành cho con mọi điều tốt đẹp và tôi mong muốn mình cũng sẽ có cơ hội làm được điều đó để tốt cho con, nhưng tôi nghĩ cần có thêm thời gian.
- Vậy anh sẽ lo lắng cho con thế nào để làm tròn trách nhiệm làm bố của mình?
- Tôi chu cấp cho bé tới khi 18 tuổi và có tạo một tài khoản riêng dành cho con tới khi bé đi học đại học, biết nhận thức thì sẽ có quyền sử dụng số tiền đó.
- Mỗi lúc nhớ tới con anh thường làm gì?
- Gọi điện thoại cho con nhưng cũng khó… Chỉ khi nào qua bên kia thì email hẹn rồi gặp con.
- Quan hệ giữa bố con anh có vẻ đã khó khăn nên quan hệ giữa bé và gia đình bên nội càng trở nên xa hơn. Anh có nghĩ đó là một thiệt thòi đối với bé?
- Đó thật sự là một thiệt thòi với bé. Con nít nhận được nhiều sự quan tâm ruột thịt thì sẽ tốt hơn, đó là tình thân, nhưng điều quan trọng nhất là tình cảm bố con, phụ tử và tôi muốn cải thiện để điều đó được tốt hơn.
- Anh có nói chuyện với mẹ của Kiến Văn suy nghĩ này?
- Tôi chưa nói chuyện chính thức nhưng qua hành động, tôi nghĩ là An hiểu. Hy vọng là thời gian tới mọi chuyện sẽ tốt hơn.
Theo Mẹ yêu bé