Là quốc gia đầu tiên được phân phối chiếc iPhone thương mại, khi Apple ra mắt iPhone 6, người dùng ở Úc phải chờ đến 6 - 7h sáng (theo giờ Việt Nam) để cầm trên tay những siêu phẩm mới của thương hiệu "trái táo cắn dở". Thế nhưng, ở Việt Nam, ngay vào 12h đêm ngày 19/9, hai phiên bản thương mại chính thức của dòng sản phẩm đã được trình làng bởi một công ty di động, trở thành những chiếc điện thoại iPhone đầu tiên, sớm hơn cả thị trường thế giới.
Suốt 2 ngày sau đó, từ 19 đến 20/9, dù iPhone đã được bán tại nhiều cửa hàng của hãng trên thế giới nhưng ở Việt Nam, tổng lượng bán ra cũng chỉ là vài chiếc. Ngay cả hai phiên bản "đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam" cũng không được bán ra trong ngày này, mà được chính doanh nghiệp thừa nhận là chỉ dùng để làm thương hiệu.
Mỗi lần ra mắt, iPhone lại tạo nên một cuộc cạnh tranh thương hiệu của các doanh nghiệp và cá nhân. |
Mức giá cho việc làm thương hiệu này là bao nhiêu không được tiết lộ, song được dự đoán là cực đắt, bởi những chiếc điện thoại này được hãng mua tại Hong Kong qua thị trường chợ đen. Mức giá chính thức cho một chiếc phiên bản iPhone 6 tại Hong Kong là khoảng 5.588 HKD (tương ứng khoảng 750 USD), nhưng có thể đẩy lên trên 1.000 USD ở thị trường chợ đen (chưa tính các chi phí liên quan) do nhu cầu cao tại các quốc gia chưa có hàng phân phối chính thức như Việt Nam, Trung Quốc...
Thực tế, việc làm thương hiệu ăn theo cơn sốt của những phiên bản iPhone không còn là điều mới mẻ mà đã trở thành cuộc đua không hồi kết kể từ khi chiếc iPhone 4S ra đời. Các hãng, cửa hàng phân phối sản phẩm xách tay là những đơn vị nhanh nhạy nhất trong cuộc đua này, ngay từ khi phiên bản thử nghiệm iPhone 6 được trình làng cách đó một tuần. Tại Hà Nội, ngay trong buổi sáng ngày 19/9, khá nhiều cửa hàng đều trưng biển "đã có iPhone 6 và iPhone 6 Plus". Tuy nhiên, hàng chỉ chính thức về Việt Nam vào ngày sau đó (20/9) và đến 21/9 thì đã lâm vào tình trạng "cháy hàng", chưa biết khi nào có để bán tiếp. Điều đó đặt ra câu hỏi về tính xác thực của thông tin "đã có hàng" hay thực chất chỉ là "chiêu trò" để ăn theo cơn sốt iPhone của các đơn vị kinh doanh nói trên?
Biển hiệu quảng cáo iPhone xuất hiện nhiều, dù sản phẩm này đang "cháy hàng" tại thị trường Việt. |
Không mang được chiếc iPhone 6 đầu tiên về Việt Nam nhưng một nhà phân phối di đông khác lại tổ chức buổi offline và cho phép khách hàng được dùng thử sản phẩm. Cách làm tương tự cũng được áp dụng tại nhiều cửa hàng di động nhỏ, khi họ cố gắng sở hữu một chiếc điện thoại mới nhưng chỉ dùng để trưng bày và nhận đơn hàng, với lời hứa sẽ có sản phẩm trong vòng một tuần tới.
Mạng xã hội cũng là nơi khá nhiều người sử dụng để làm thương hiệu. 5 tháng trước khi Apple quảng cáo về 2 sản phẩm mới, nhiều người dự đoán rằng ông lớn này sẽ ra mắt chiếc iPhone 6 và iPhone 6S (trong khi sản phẩm chính thức là iPhone 6 Plus), và đã đăng khá nhiều quảng cáo gợi ý đặt hàng. Mới đây, một người mẫu Việt Nam chuyên chụp ảnh nội y cũng đang gây xôn xao khi đăng liên tiếp hai bài viết trên trang cá nhân ăn theo cơn sốt iPhone. Trùng hợp ngẫu nhiên, người mẫu này đang tham gia chiến dịch quảng cáo cho một hãng hàng không tại Việt Nam.