Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm thế nào để sống sót trong cuộc tấn công hạt nhân

Tìm nơi trú ẩn ở gầm cầu thang, tầng hầm, không ra khỏi nhà trong thời gian 12-24 tiếng sau vụ nổ, uống thuốc kali là những cách để tồn tại trước cuộc tấn công hạt nhân.

Chiến tranh Lạnh đã kết thúc vào năm 1991 nhưng mối đe dọa hạt nhân vẫn còn hiện hữu. 9 quốc gia trên thế giới đang sở hữu tổng cộng 14.900 đầu đạn hạt nhân. Đặc biệt, những căng thẳng gần đây trên bán đảo Triều Tiên khiến bóng ma chiến tranh hạt nhân tiếp tục đe dọa cuộc sống của nhân loại.

Bom hạt nhân là vũ khí có sức hủy diệt vô cùng khủng khiếp. Nó phá hủy mọi thứ trong bán kính vài kilomet từ vụ nổ (tùy vào công suất). Phóng xạ từ vụ nổ tiếp tục tiêu diệt sự sống trong nhiều năm tiếp theo.

Chiến tranh hạt nhân là “tấn bi kịch” đối với nhân loại tuy nhiên, nếu nắm rõ cơ chế hoạt động của nó có thể giảm thiểu tối đa thiệt hại. Brooke Buddemeier, nhà vật lý và chuyên gia về bức xạ hạt nhân đã đưa ra một số giải pháp giúp con người sống sót trong cuộc tấn công hạt nhân.

Dấu hiệu nhận biết vụ nổ hạt nhân

Một số quốc gia có hệ thống cảnh báo tên lửa sẽ báo động cho người dân về nguy cơ cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo không thể xác nhận tên lửa có mang theo đầu đạn hạt nhân hay không nên việc nhận biết dấu hiệu vụ nổ hạt nhân là rất quan trọng.

Chien tranh hat nhan anh 1
Quả cầu lửa khổng lồ là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết vụ nổ hạt nhân. Ảnh: Wikipedia.

Theo chuyên gia Buddemeier, một vụ nổ hạt nhân có các đặc điểm sau: Tia sáng lóe lên cực mạnh kèm theo một quả cầu lửa, tiếp đó là sóng xung kích cùng nhiệt độ cao tỏa ra từ tâm vụ nổ. Đám mây hình nấm cuộn lên trên trời kèm theo phóng xạ và lan ra xung quanh.

3 dấu hiệu đầu tiên đến gần như ngay lập tức vì chúng di chuyển với tốc độ ánh sáng. Bức xạ nhiệt có thể kéo dài vài giây và gây bỏng nặng trong bán kính khoảng 2 km từ tâm vụ nổ. Tùy thuộc vào công suất của đầu đạn, trong bán kính vài kilomet từ tâm vụ nổ, mọi thứ trên mặt đất sẽ bị quét sạch.

Các chuyên gia vũ khí tin rằng Triều Tiên sở hữu đầu đạn hạt nhân có công suất từ 10-30 kiloton. Đối với vụ nổ có công suất 10 kiloton, vùng hủy diệt hoàn toàn có bán kính khoảng 800 m từ tâm vụ nổ. Vùng thiệt hại nặng tiếp theo có bán kính khoảng 1,6 km. Vùng ảnh hưởng trực tiếp từ sức mạnh vụ nổ có bán kính khoảng 5 km. Khu vực bị phơi nhiễm phóng xạ có thể lan rộng hàng chục kilomet tùy vào điều kiện gió.

Tìm chỗ trú ẩn ở đâu?

Chuyên gia Buddemeier cho biết nếu bạn đang ở trong một vụ nổ hạt nhân, giải pháp tốt nhất là tìm chỗ trú ẩn bên trong các tòa nhà kiên cố hoặc tầng hầm và tránh xa các cửa sổ. Điều này giúp con người không bị thương do kính vỡ dưới tác động của sóng xung kích, ngăn ngừa bỏng do nhiệt.

Vị trí ẩn nấp lý tưởng nhất là ở trung tâm của tòa nhà, dưới gầm cầu thang. Các khu vực này ít bị tác động bởi sóng xung kích nhất. Nếu bạn đang ở trong một tòa nhà, hãy tránh xa những căn phòng có nhiều đồ đạc, phòng có trần nhà vì chúng có thể bị rơi do chấn động từ vụ nổ.

Chien tranh hat nhan anh 2
Các khu vực trú ẩn an toàn dựa vào màu sắc và chỉ số. Khu vực màu xanh dương là nơi an toàn nhất. Đồ họa: Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore.

“Gầm cầu thang là cốt lõi của tòa nhà, nó có tường bê tông cốt thép, không có đồ đạc xung quanh, vì vậy đó sẽ là nơi lý tưởng để trú ẩn”, chuyên gia Buddemeier nói với Business Insider.

Nếu bạn ở tâm của vụ nổ, sống sót hay không còn tùy thuộc vào sự may mắn của bạn, chuyên gia Buddemeier cho biết. Lịch sử đã ghi nhận một số người sống sót khi ở cách tâm vụ nổ chỉ 300 m trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản năm 1945.

Làm thế nào để tránh nhiễm phóng xạ

Nếu bạn đã sống sót qua những phút đầu tiên sau vụ nổ, việc tiếp theo cần thực hiện là tránh nguy cơ bị nhiễm phóng xạ. Đây là thứ nguy hiểm thứ 2 sau sức công phá khủng khiếp của vụ nổ. Bụi phóng xạ bị cuốn lên trời theo đám mây hình nấm từ vụ nổ tạo ra. Nó mất khoảng 15 phút để rơi trở lại xuống mặt đất.

Chien tranh hat nhan anh 3
Bản đồ minh họa vùng ảnh hưởng của phóng xạ sau vụ nổ. Đồ họa: Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore. 

Gió có thể khiến phóng xạ lan ra khu vực rộng hàng trăm kilomet vuông. Vùng phóng xạ nguy hiểm nhất hình thành trong khoảng 24 giờ và sau đó thu hẹp lại. Chuyên gia Buddemeier khuyên mọi người ở yên tại nơi trú ẩn ít nhất từ 12-24 tiếng sau vụ nổ, vì đi ngoài trong khoảng thời gian này sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm phóng xạ.

Ông cho biết thêm tùy thuộc vào khoảng cách đến tâm vụ nổ, bạn có khoảng 10-15 phút để tìm nơi trú ẩn phù hợp. Nơi lý tưởng nhất là tầng hầm không có cửa sổ. Đất và bê tông có thể ngăn chặn sự lan rộng của phóng xạ.

Các bức tường bê tông cốt thép bên cạnh việc giảm thiểu thiệt hại do sóng xung kích tác động tới con người, nó còn có tác dụng hấp thụ phóng xạ làm giảm sự lây lan trên diện rộng. Phóng xạ có xu hướng rơi xuống mặt đất nên tầng một là nơi có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cao nhất.

Theo tính toán của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, Mỹ tầng hầm là nơi an toàn nhất, tiếp theo là các tầng từ 2-8. Khả năng chống lại tác động của phóng xạ tùy thuộc vào kích thước, tòa nhà càng lớn thì chỉ số an toàn càng cao và ngược lại. Độ sâu của tầng hầm cũng là một yếu tố quyết định mức an toàn cho con người bên trong.

Một nghiên cứu vào năm 2014 chỉ ra rằng ở yên tại nơi trú ẩn một tiếng sau vụ nổ, sau đó di chuyển đến vị trí khác tốt hơn trong khoảng 15 phút là lựa chọn thông minh nhất.

Những mẹo nhỏ

Thực hiện đúng các giải pháp nêu trên cùng một số mẹo nhỏ sẽ giúp bạn sống sót trong thảm họa hạt nhân. Một bộ dụng cụ chứa các đồ dùng thiết yếu ở trong xe, nhà hoặc nơi bạn làm việc sẽ giúp bạn đối phó hiệu quả với bất kỳ thảm họa nào, ông Buddemeier đưa ra lời khuyên.

Khi bạn tìm được nơi trú ẩn phù hợp, nhanh chóng sử dụng băng keo dán kín các khe hở trên cửa sổ, cửa ra vào, hay bất kỳ hệ thống sưởi ấm hoặc làm mát nào hút không khí từ bên ngoài vào. Sử dụng nước uống đóng chai, thực phẩm đóng gói là cách tốt nhất để tránh nhiễm phóng xạ.

Nếu bạn đã tiếp xúc với phóng xạ cần thực hiện các bước sau để loại bỏ chúng. Cởi áo quần bên ngoài và bọc kín trong túi ni lông, nếu có thể hãy tắm và gội đầu bằng dầu gội hoặc xà phòng, hỷ mũi để loại bỏ những bụi bẩn đã hít vào, rửa mắt, mũi bằng nước, mặc quần áo sạch. Cuối cùng bạn cần uống thuốc kali để chống phơi nhiễm phóng xạ.

Chuyên gia Buddemeier nhấn mạnh, điểm mấu chốt để sống sót trong vụ nổ hạt nhân là “ở yên tại chỗ” cho đến khi bạn nghe được những hướng dẫn qua radio, loa phóng thanh hoặc gặp trực tiếp nhân viên cứu hộ.

Bom nhiệt hạch tàn khốc như thế nào? Bom nhiệt hạch (bom H), mà Triều Tiên vừa tuyên bố thử nghiệm thành công ngày 3/9, được Liên Xô thử nghiệm từ 1953. Nó có thể gây bỏng chết người ở cách xa 100 km.

Dân Trung Quốc được hướng dẫn cách sống sót qua chiến tranh hạt nhân

Một tờ báo nhà nước đăng tải bài hướng dẫn người dân tại biên giới Trung Quốc - Triều Tiên cách đối phó với vụ nổ hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm