Người mẫu, diễn viên Vương Đức Thuận vẫn trình diễn thời trang, đóng phim khi đã bước vào tuổi 80. Ảnh: ĐAKT. |
Mặc dù nhận thức bị lập trình theo hàng nghìn cách, cách thuyết phục nhất là thứ mà chúng ta gọi là niềm tin. Niềm tin là thứ bạn bám vào vì nghĩ rằng nó đúng. Nhưng không giống một ý nghĩ vốn chủ động tạo ra những từ ngữ hoặc hình ảnh trong não bạn, niềm tin nhìn chung là im lặng.
Một người bị chứng sợ không gian hẹp không cần nghĩ rằng: “Căn phòng này nhỏ quá”, hay “Nhiều người quá”. Khi bị đặt vào trong một căn phòng nhỏ, đông người, cơ thể người đó sẽ tự động phản ứng.
Ở đâu đó trong nhận thức của người này ẩn giấu một niềm tin sẽ sản sinh tất cả triệu chứng sợ hãi trên cơ thể mà chẳng cần nghĩ về nó. Dòng adrenalin khiến tim đập nhanh, tay đổ mồ hôi, hơi thở hổn hển, và tình trạng choáng váng được kích hoạt ở cấp độ sâu hơn tâm trí suy nghĩ.
Những người mắc các chứng sợ hãi phải vật lộn trong tuyệt vọng để sử dụng suy nghĩ nhằm trấn áp nỗi sợ nhưng vô ích. Thói quen sợ hãi đã ăn sâu đến mức cơ thể luôn nhớ mang nó ra ngay cả khi tâm trí đang dùng toàn lực để ngăn cản.
Những suy nghĩ của một người mắc chứng sợ không gian hẹp - “Chẳng có gì phải sợ cả”; “Phòng nhỏ thì có sao chứ”; “Ai cũng trông rất bình thường mà, mình có gì mà không vượt qua được chứ?” - đều là những lời phản đối mang tính lý trí, nhưng cơ thể hành động theo những mệnh lệnh lấn át suy nghĩ.
Những niềm tin của chúng ta về việc lão hóa cũng nắm giữ sức mạnh tương tự đối với chúng ta. Hãy để tôi đưa ra một ví dụ: Trong 20 năm qua, những nhà lão khoa đã thực hiện các thí nghiệm để chứng minh rằng việc duy trì hoạt động trong suốt cuộc đời, thậm chí đến tận cuối năm 80 tuổi, sẽ chặn đứng tình trạng suy giảm mô xương và cơ.
Tin tức lan rộng trong những người đã nghỉ hưu là họ nên tiếp tục đi bộ, chạy bộ, bơi lội và làm việc nhà; dưới câu khẩu hiệu “Không dùng thì mất”, hàng triệu người giờ đang kỳ vọng là họ sẽ vẫn khỏe mạnh khi đã về già. Với việc niềm tin mới này thế chỗ, một điều từng được coi là bất khả thi đã xảy ra.
Những nhà lão khoa táo bạo tại Đại học Tufts đã đến thăm một viện dưỡng lão, chọn một nhóm các cụ yếu nhất, và cho họ thực hiện một phác đồ tập tạ. Người ta có thể lo ngại rằng việc đột nhiên phải rèn luyện thể chất sẽ khiến các cụ kiệt sức hoặc qua đời, nhưng trên thực tế, họ đã hồi xuân. Trong vòng tám tuần, các cơ bị mất đã quay trở lại với tỷ lệ 300%, sự phối hợp và cân bằng được cải thiện, và nhìn chung, cảm giác về một cuộc sống năng động được phục hồi.
Một số đối tượng trước đây không thể đi mà không có sự trợ giúp thì nay có thể tự mình ngồi dậy và đi vệ sinh lúc nửa đêm, một hành động đoạt lại phẩm giá có giá trị không hề nhỏ dù xét theo bất cứ khía cạnh nào. Tuy nhiên, điều khiến thành tựu này trở nên thực sự kỳ diệu là đối tượng trẻ nhất trong nhóm đã 87 tuổi, còn già nhất là 96.
Những kết quả này luôn luôn khả thi; ở đây không có điều gì là mới đối với khả năng của cơ thể người. Tất cả những gì xảy ra chỉ là một niềm tin đã thay đổi và khi nó thay đổi, việc lão hóa đổi thay. Nếu bạn 96 tuổi và sợ vận động cơ thể mình thì nó sẽ tiêu biến.
Để vào được phòng tập tạ ở độ tuổi đó, bạn phải tin rằng nó sẽ tốt cho cơ thể bạn; bạn phải thoát khỏi nỗi sợ; và bạn phải tin vào bản thân. Khi nói lão hóa là kết quả của một niềm tin, tôi không ngụ ý rằng một người có thể đơn giản dùng suy nghĩ để khiến lão hóa biến mất. Chính xác là ngược lại - niềm tin càng mạnh thì càng ăn sâu vào cơ thể và càng miễn nhiễm với sự kiểm soát của ý thức.
Cuốn sách Cơ thể phi tuổi tác tâm trí phi thời gian. Ảnh: KT. |
Theo hệ thống niềm tin mà bạn và tôi đều tuân thủ, Tự nhiên đã giam chúng ta trong những cơ thể luôn già đi bất chấp ý muốn của chúng ta. Truyền thống lão hóa đã kéo dài trong suốt lịch sử được ghi lại, thậm chí từ tận thời tiền sử. Động vật và thực vật già đi, hoàn tất một quy luật phổ quát của Tự nhiên. Thật khó để tưởng tượng lão hóa là kết quả của hành vi được học vì sinh học không thể bị phủ nhận.
Song niềm tin cốt lõi rằng lão hóa là một quá trình cố định, tự động - một điều cứ thế xảy đến với chúng ta, cũng chỉ là một niềm tin. Do đó, nó khiến chúng ta mù mắt, không nhìn thấy được tất cả những thực tế không ăn nhập với hệ thống niềm tin mà chúng ta bám vào. Bạn tin bao nhiêu câu sau đây là thực tế?
a) Lão hóa là tự nhiên - mọi sinh vật đều già đi và chết.
b) Lão hóa là bất khả kháng - không thể ngăn chặn nó.
c) Lão hóa là bình thường - nó ảnh hưởng đến mọi người như nhau.
d) Lão hóa là di truyền - nhiều khả năng mình cũng sẽ chỉ sống lâu bằng bố mẹ và ông bà thôi.
e) Lão hóa là đau đớn - nó gây ra đau khổ cả về thể chất và tinh thần.
f) ) Lão hóa là phổ quát, quy luật entropy khiến tất cả các hệ thống trật tự suy thoái và thối rữa.
g) Lão hóa là chí tử, tất cả chúng ta đều già đi và chết.
Nếu bạn coi bất kỳ điều nào hay tất cả những điều trên là thực tế thì bạn đang chịu sự ảnh hưởng của những niềm tin không ăn nhập với thực tại. Mỗi câu đều chứa đựng một chút sự thật khách quan nhưng cũng đều có thể bị bác bỏ.
a) Lão hóa là tự nhiên, nhưng có những sinh vật không bao giờ già đi, ví dụ như động vật nguyên sinh, tảo và a-míp đơn bào. Có những phần trong bạn cũng không già, chẳng hạn cảm xúc, bản ngã, loại nhân cách, IQ và những đặc điểm tinh thần khác, cũng như phần lớn của ADN.
Về mặt vật chất, thật vô lý khi nói rằng nước và khoáng chất trong cơ thể bạn đang già đi, vì thế nào là “nước già”, thế nào là “muối già”? Chỉ riêng những thành phần này đã chiếm đến 70% cơ thể bạn rồi.
b) Lão hóa là bất khả kháng, nhưng vào những thời điểm nhất định trong năm, ong mật có thể chuyển đổi các hoóc-môn và hoàn toàn đảo ngược tuổi của nó. Trong cơ thể người, những sự chuyển đổi hoóc-môn có thể không kịch tính đến thế nhưng có đủ độ để vào bất kỳ ngày nào, thành phần hoóc-môn của bạn có thể trẻ hơn so với cách đây một ngày, một tháng hay một năm.
c) Lão hóa là bình thường; tuy nhiên, không có đường cong lão hóa bình thường nào áp dụng được cho mọi người. Có những người hoàn toàn thoát khỏi được một số triệu chứng lão hóa nhất định, trong khi những người khác lại đau khổ vì chúng rất lâu trước khi tuổi già kéo đến.
d) Lão hóa có một thành phần di truyền tác động lên mọi người nhưng không ở mức độ mà mọi người thường nghĩ. Nếu bố mẹ sống đến tuổi 80 thì đứa con cũng chỉ được cộng thêm khoảng ba năm vào tuổi thọ kỳ vọng của mình; số lượng người có tuổi thọ dài hơn hoặc ngắn hơn đáng kể nhờ mang gen tốt hoặc gen xấu chỉ chiếm chưa đến 5% dân số. Để so sánh, khi áp dụng một lối sống lành mạnh, bạn có thể trì hoãn các triệu chứng của lão hóa đến tận 30 năm.
e) Lão hóa thường là đau đớn, cả về thể chất và tinh thần, nhưng đây không phải là hậu quả của bản thân lão hóa mà là của nhiều căn bệnh khiến người già đau khổ; một phần lớn những căn bệnh đó có thể phòng ngừa.
f) ) Lão hóa có vẻ như phổ quát, bởi tất cả hệ thống trật tự đều tan rã dần theo thời gian, nhưng cơ thể chúng ta chống đỡ sự thối rữa này rất tốt. Nếu không phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ cả bên ngoài và bên trong, các cơ quan và mô của chúng ta có thể dễ dàng sống từ 115 đến 130 năm trước khi phải dừng hoạt động thuần túy do tuổi già.
g) Cuối cùng, lão hóa là chí tử, bởi ai cũng phải chết, nhưng trong đa số các trường hợp, có lẽ phải đến 99%, nguyên nhân chết không phải là tuổi già, mà là ung thư, đau tim, đột quỵ, viêm phổi do phế cầu khuẩn cùng các bệnh tật khác.
Rất khó để nói chắc được rằng cơ thể sẽ già đi như thế nào. Hai chiếc xe bị bỏ lại ngoài cơn mưa sẽ rỉ sét ở tốc độ gần như nhau; quá trình ô-xi hóa tấn công chúng ở mức độ như nhau, biến sắt và thép của chúng thành ô-xít theo một quy luật hóa học rất dễ giải thích. Quá trình lão hóa thì không tuân theo những quy luật đơn giản như vậy.
Với một số trong chúng ta, lão hóa có tính ổn định, đồng đều, và từ từ, như một con rùa đang bò về đích. Với những người khác, lão hóa giống như đang tiến gần đến một bờ vực vô hình, đầu tiên là một quãng đường dài, bằng phẳng, khỏe mạnh, an toàn, nhưng sau đó là một cú trượt dốc dựng đứng vào những năm cuối đời.
Vả lại có những người khác nữa, phần lớn cơ thể sẽ duy trì trạng thái khỏe mạnh, ngoại trừ một mắt xích yếu, trái tim chẳng hạn, suy thoái nhanh hơn nhiều so với những cơ quan khác. Bạn sẽ phải theo dõi một người trong phần lớn quãng đời trưởng thành thì mới biết được người đó lão hóa như thế nào, nhưng đến lúc ấy thì đã quá muộn.
[...]