Theo Guardian, chỉ một tuần trước thôi, thế giới có vẻ rất khác với những gì xảy ra ngày hôm nay. Những thay đổi nhanh chóng và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có lẽ sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy sợ hãi. Sợ hãi trước một sự thiếu trật tự, khi mà cuộc sống bình thường dường như đang ở ngoài tầm với.
Bộ não con người không được lập trình để chịu đựng sự không chắc chắn, và nó được lập trình để cảnh giác với bất cứ mối đe doạ nào. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy hoảng loạn trước đại dịch thì đó là một phản xạ tự nhiên.
Các siêu thị ở Anh đồng loạt trống rỗng sau khi chính phủ tuyên bố phong toả đất nước để chống dịch Covid-19 lây lan. Ảnh: Shutterstock. |
Căng thẳng vì không biết điều gì sẽ xảy ra
Đối với hầu hết chúng ta, cuộc sống chưa bao giờ cảm thấy không chắc chắn như thế này, và sự không chắc chắn - theo một nghiên cứu năm 2016 của các nhà thần kinh học tại University College London - còn khiến chúng ta căng thẳng hơn là so với việc biết được một điều tồi tệ sẽ xảy ra.
Nếu bạn còn trẻ và khoẻ mạnh, có thể sẽ tốt hơn cho sức khoẻ tinh thần nếu bạn biết mình nhiễm Covid-19, vì điều đó sẽ giúp bạn tạm thời thoát khỏi nỗi lo về việc không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng những người lớn tuổi và có bệnh lý nền sẽ không có được sự xa hoa ấy.
Theo ông Robert Leahy, giám đốc của Viện trị liệu Nhận thức Mỹ, tác giả của cuốn sách Chữa trị Lo lắng, chúng ta đều đang bị kẹt trong "một chấn thương nhân loại quốc tế, nơi mọi người đều có cảm giác rằng cuộc sống của họ, hoặc cuộc sống của những người họ yêu thương, bị đe doạ".
"Chúng ta có xu hướng đánh đồng sự không chắc chắn với kết quả tồi tệ nhất. Ví dụ, sau ngày 11/9, tôi đã nghe nhiều người nói rằng sẽ có một cuộc tấn công lớn khác vào thành phố New York, hoặc một cuộc tấn công hạt nhân của Al-Qaeda. Điều đó không bao giờ xảy ra. Khi chúng ta lo lắng, chúng ta có xu hướng coi sự không chắc chắn là một điều tồi tệ. Nhưng thực tế sự không chắc chắn là thứ gì đó trung tính - chúng ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra", ông Leahy cho hay.
Chúng ta có thể nhìn vào những gì xảy ra ở Trung Quốc, Italy hay Tây Ban Nha và cảm thấy sợ hãi, đó là điều dễ hiểu, nhưng chúng ta cũng nên nắm bắt một thực tế rằng các biện pháp phong toả, giữ khoảng cách xã hội và hạn chế đi lại dường như đang có hiệu quả. Và đến một lúc nào đó, có thể sẽ có phương pháp điều trị cho dịch bệnh này.
Sự lo lắng trước những điều không chắc chắn là một phản xạ tự nhiên trong thời điểm dịch bệnh lây lan. Ảnh: AP. |
Tất cả những điều đó không phải để hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nhiều người sẽ ra đi vì nó. Nhưng vấn đề là vào lúc này, không ai thực sự biết điều gì sẽ xảy ra.
Tập trung vào những gì bạn có thể kiếm soát
"Chúng ta muốn có khả năng dự đoán. Chúng ta muốn được đảm bảo rằng thế giới sẽ giữ nguyên từ khi chúng ta thức dậy vào buổi sáng cho đến khi chúng ta đi ngủ vào buổi tối. Và nếu có thay đổi, chúng ta muốn nó diễn ra theo ý muốn của chúng ta. Nhưng đôi khi cuộc đời có những ý tưởng khác", ông Daniel Freeman, giáo sư tâm lý học lâm sàng tại Đại học Oxford, nhận định.
Sau cùng thì, chúng ta đang sống với khá nhiều sự không chắc chắn và thiếu sự kiểm soát đối với rất nhiều thứ trong cuộc sống, dù là những việc nhỏ bé như lái xe hay ngồi trên một chiếc xe.
"Chúng ta phải chấp nhận với những sự không chắc chắn như vậy. Chúng ta phải chấp nhận rằng không gì là 100% không có rủi ro, và chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát các sự kiện, dù có cố gắng thế nào. Dù có lo lắng thế nào, chúng ta không thể biết điều gì sẽ đến với chúng ta. Và chúng ta không thể ngăn chặn các vấn đề bằng việc chỉ lo lắng về chúng. Cuối cùng, tốt nhất là tập trung vào những thứ có ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta", ông Freeman nói thêm.
Việc liên tục cập nhật tin tức có thể khiến bạn cảm thấy như là mình đang có một chút kiểm soát với các sự kiện, nhưng điều này cũng có thể làm trầm trọng hơn nỗi lo của bạn.
"Tri thức là sức mạnh. Vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn nhận được thông tin và lời khuyên từ các nguồn tốt nhất. Bạn cũng sẽ phải tiếp tục kiểm tra để đảm bảo những gì mình làm là phù hợp với lời khuyên của các chuyên gia. Có một sự cám dỗ rõ ràng để tìm kiếm thông tin mọi lúc, nhưng sẽ có lúc bạn phải đặt giới hạn cho việc này", ông Freeman khuyến cáo.
"Hãy nhắc nhở bản thân rằng hiện tại bạn đang an toàn và khoẻ mạnh", chuyên gia trị liệu Eve Menezes Cickyham cho biết.
"Lo lắng được định nghĩa bởi sự sợ hãi về tương lai. Khi một đại dịch diễn ra, không ai cho rằng tương lai sẽ tràn ngập cầu vồng, nhưng cùng lúc đó, chúng ta không biết được điều gì sẽ xảy ra", bà Cickyham nói thêm.
Các chuyên gia cho rằng chúng ta nên tập trung vào bạn bè và gia đình trong thời điểm này để bớt đi lo lắng. Ảnh: AP. |
"Khi chúng ta lo lắng, chúng ta thường cố gắng kiểm soát nhiều hơn, nhưng hiện tại có quá nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, ngoại trừ việc ở nhà vì lợi ích của bạn và người khác", chuyên gia này khuyến cáo.
"Cuộc sống của chúng ta đang trở nên hạn chế hơn, vì vậy điều cực kỳ quan trọng là chúng ta có đủ các hoạt động mà chúng ta thật sự muốn làm. Lý tưởng là những hoạt động này phải có ý nghĩa với chúng ta. Chúng ta cần phải nghĩ về những cách mới để kết nối và hỗ trợ bạn bè, gia đình và hàng xóm. Trong những thời kỳ như thế này, mối quan hệ của chúng ta với người khác trở nên cực kỳ quan trọng", ông Freeman nói.