Thế giới chúng ta đang sống luôn có tốt và xấu, cao quý và bần tiện, gọn gàng và hỗn độn. Ai cũng đều theo đuổi, bảo vệ lợi ích của riêng mình, và rất thường xuyên, những lợi ích đó thường xung đột lẫn nhau.
Thực tế phức tạp này là điều mà các nhà quản lý thường xuyên phải đối mặt trong công việc. Trong quá trình đưa ra quyết định, liệu có chỗ cho những trách nhiệm nhân văn?
Joseph L. Badaracco là người dạy về đạo đức kinh doanh của Harvard Business School cùng các khóa học MBA và đào tạo quản lý trên toàn thế giới. Trong Đằng sau một quyết định lớn, ông đưa ra khái niệm “thực dụng có đạo đức” cùng bộ công cụ 5 câu hỏi hữu dụng, giúp các nhà quản lý giải quyết vấn đề bằng bộ óc phân tích lẫn trái tim nhân văn.
Sách Đằng sau một quyết định lớn. Ảnh: H. Q. |
“Thực dụng có đạo đức” là gì?
Đầu tiên, ta hãy đến với vế thứ nhất - thực dụng - qua quan điểm của các nhà tư tưởng xa xưa.
Trong Binh pháp Tôn Tử, Tôn Tử nhìn thế giới như một trận chiến, với chiến thuật ranh ma, đề cao khả năng điều chỉnh và tâm lý sắc sảo. “Dụng binh đánh giặc đều dựa trên sự dối trá lẫn nhau (Binh giả, quỷ đạo giã)”.
Niccolo Machiavelli là một chính trị gia vào cuối thời Phục hưng, được thế giới ngày nay biết đến qua tác phẩm kinh điển về thuật quản trị - Quân vương. Ông được ca ngợi như một nhà tư tưởng lỗi lạc, đồng thời bị xem là “kẻ vô lại” bởi đưa ra nhiều quan điểm gai góc.
Machiavelli cho rằng trong một thế giới chứa đầy nguy hiểm, người tốt trước sau gì cũng bị người không tốt hãm hại. Để đối đầu với điều đó, quan điểm của ông là: “Kết quả biện minh cho phương tiện” - phương tiện ở đây có thể là ly rượu độc hay con dao đâm bên sườn.
Đó là tư tưởng từ các tiền nhân, còn theo quan điểm của tác giả Joseph L. Badaracco, tính “thực dụng” không nên bị diễn giải một cách tầm thường là chỉ tìm kiếm lợi ích ngắn hạn, cũng không phải lời khuyên cổ xúy cho những tính toán nghi kỵ.
Mà “thực dụng”, theo Joseph L. Badaracco, nghĩa là nhà quản lý phải từ bỏ cách nhìn thế giới lý tưởng và ngây thơ, nhìn thẳng vào thực tế để từ đó có kế hoạch linh động, sẵn sàng ứng phó với sự biến đổi không ngừng.
Vậy còn đạo đức? Một quyết định có thể đem lại lợi ích cho nhóm người này, lại bất lợi cho nhóm người khác. Không một ai hay một tổ chức nào nằm ngoài mối quan hệ với xã hội - vốn là tập hợp những trách nhiệm đạo đức giữa người với người.
Như vậy, “thực dụng có đạo đức” nghĩa là đối mặt với vấn đề bằng cách đặt nó vào ngữ cảnh đầy đủ, thực tế và nhân văn. Người quản lý không chỉ là người đứng đầu một tổ chức mà còn là một con người với cảm xúc, trực giác, trải nghiệm sống và chiều sâu nhận thức về con người.
Quản lý không đơn thuần là công việc hay sự nghiệp mà còn là cách sống. Quản lý thành công là một nghệ thuật nhân văn.
Trích dẫn hay trong sách. Ảnh: N. T. |
Giải quyết vấn đề một cách “thực dụng có đạo đức”
Đằng sau một quyết định lớn đưa ra bộ công cụ gồm 5 câu hỏi mà nhà quản lý cần suy xét trong quy trình đưa ra quyết định. 5 câu hỏi này được thiết kế để bao quát lý thuyết “thực dụng có đạo đức”, được đề cập và đúc kết từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Câu hỏi 1: Hệ quả thuần của vấn đề là gì? Nhà quản lý thu thập dữ liệu cũng như sự tư vấn của những con người có chuyên môn, từ đó lập danh sách các hướng hành động khác nhau và điểm qua hệ quả của từng lựa chọn.
Câu hỏi 2: Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì? Ở bước này, ta suy xét về trách nhiệm với các bên liên quan: Cổ đông, nhân viên, khách hàng, cộng đồng, từ đó xác định thứ tự ưu tiên giữa các nhóm lợi ích này.
Câu hỏi 3: Kế hoạch hành động nào phù hợp với tình hình thực tế? Câu hỏi này giúp nhà quản lý xây dựng kế hoạch hành động thực dụng, linh hoạt ứng phó theo tình hình.
Câu hỏi 4: Chúng ta là ai? Hành động mà ta sẽ làm tương đồng hay mâu thuẫn với tôn chỉ mà tổ chức đã cam kết? Theo Joseph L. Badaracco, tôn chỉ của doanh nghiệp là một trong những kim chỉ nam cho các hoạt động thông thường lẫn những quyết định lúc khó khăn.
Câu hỏi 5: Liệu có thể sống chung với quyết định này không? Cuối cùng, nhà quản lý cần so sánh giữa hệ quả tốt và hệ quả xấu của một quyết định, từ đó xét xem quyết định này sẽ đem lại hệ quả “chấp nhận được” ở mức độ nào về lâu dài.
Theo tác giả, việc chỉ trả lời những câu ưa thích sẽ không đem lại quyết định tốt. Ví dụ, nếu chỉ trả lời câu hỏi 1, “Hệ quả thuần của vấn đề là gì?”, ta có thể xem nhẹ trách nhiệm của mình với người khác. Còn nếu chỉ trả lời câu hỏi 2, “Trách nhiệm cơ bản của tôi là gì?”, nghĩa là cứ mặc cho hậu quả ra sao cũng được...
Không ai biết trước các quyết định đưa ra có đúng hay không, nhưng điều có thể biết là vấn đề đang được xử lý đúng cách hay chưa.
Tuân thủ quy trình trên sẽ giữ cho mọi việc có trật tự và giảm thiểu sai sót, từ đó đưa ra những quyết định vừa mang tính thực dụng để bảo vệ quyền lợi của tổ chức, vừa bảo đảm khía cạnh đạo đức phản ánh giá trị của cộng đồng.