Gắn bó với nghề lái taxi gần 10 năm, ông Nguyễn Văn Tứ (46 tuổi, TP.HCM) cho biết chưa khi nào hoạt động taxi lại gặp khó khăn như thời điểm này, kể cả khi thị trường có sự xuất hiện của các hãng taxi công nghệ hồi năm 2015-2016.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ông cùng nhiều đồng nghiệp lái taxi khác đã bị giảm doanh thu rất mạnh. Nếu như trước dịch, mỗi ngày doanh số trên một chiếc taxi có thể đạt 2-3 triệu đồng thì từ khi dịch bùng phát, doanh số chỉ còn 700.000-800.000 đồng. Thậm chí, trong hầu hết tháng 4, những lái xe taxi thuộc hãng lớn như ông Tứ không hề có thu nhập vì phải thực hiện cách ly xã hội.
"Khó khăn là thế, nhưng tôi không hề nhận được hỗ trợ gì từ hãng. Riêng việc xin xác nhận là bị ảnh hưởng bởi dịch để về địa phương nhận 1 triệu đồng (từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ - PV) công ty cũng không hỗ trợ", ông Tứ nói.
Không riêng ông, nhiều tài xế taxi rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng đặt nghi vấn công ty nhận được chỉ đạo nào đó để không xác nhận hỗ trợ tài xế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Câu chuyện này khiến tôi nghĩ rằng có lẽ đang tồn tại một rào cản nào đó giữa ý chí muốn hỗ trợ người lao động, nền kinh tế từ lãnh đạo Chính phủ và bộ máy thực thi. Rào cản này chính là sự lúng túng và thờ ơ của cơ chế truyền dẫn chính sách, một phần có thể do thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống dịch bệnh lần này nhưng một phần cũng là tâm lý sợ trách nhiệm”, PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ với Zing.
Doanh nghiệp không “chạm” được vào gói hỗ trợ
Thực tế, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dù chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh và phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô nhưng vẫn không thể “chạm tay” vào các gói hỗ trợ từ bộ, ngành.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều phản hồi về việc không nhận được các gói hỗ trợ tài khóa, tín dụng, đặc biệt là gói vay không lãi suất 16.000 tỷ đồng để trả lương người lao động ngừng việc.
Nguyên nhân do điều kiện để doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ này quá cao, doanh nghiệp không thể đáp ứng đủ.
Ông Hiệp cũng cho biết thêm, kể cả chính sách giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), hầu hết doanh nghiệp đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, nên việc gia hạn thời gian nộp thuế này không có nhiều tác động tích cực.
Cùng với du lịch và hàng không, vận tải là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch Covid-19. Ảnh: Văn Nguyện. |
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cho biết đánh giá chung từ các doanh nghiệp là điều kiện để được hưởng các gói hỗ trợ đều quá cao và khó tiếp cận.
Như gói tín dụng 16.000 tỷ vay lãi suất 0% hỗ trợ người lao động ngừng việc đưa ra điều kiện doanh nghiệp phải không có doanh thu, đã sử dụng hết các quỹ mới được vay. Tuy nhiên, nếu không còn doanh thu doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, hay các nguồn quỹ muốn dùng phải có quy chế chứ không thể tùy tiện lấy ra trả lương nhân viên.
Ông Quyền nói thêm về chính sách giãn thuế, chủ yếu là thuế TNDN và VAT, thời gian này các doanh nghiệp có phát sinh doanh thu đang được hưởng ưu đãi giãn thuế và tiền thuê đất. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp đều thua lỗ nên coi như không phát sinh thuế TNDN vì vậy việc gia hạn thời gian nộp không mang nhiều ý nghĩa.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng cho biết dịch bệnh đang khiến các ngành sản xuất trọng điểm của thành phố như cơ khí, điện, cao su, dệt may, da giày… rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn lực. Các gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng thì gần như 100% doanh nghiệp, người lao động không tiếp cận được vì điều kiện thủ tục rườm rà, rắc rối.
Chính sách hỗ trợ chưa hiệu quả
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ phải đánh giá lại các gói hỗ trợ đã ban hành từ đó thiết kế các chính sách kinh tế lần 2 phù hợp hơn.
“Các bộ, ngành cần có thống kê, đánh giá tình hình doanh nghiệp và sản xuất một cách toàn diện để dựng bức tranh tổng thể, từ đó có chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực”
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng
Theo đánh giá từ Bộ KHĐT, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải. Trong đó, gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội nhưng đến nay mới triển khai được hơn 11.000 tỷ, đạt chưa tới 18%. Đây là tỷ lệ rất thấp và có tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm khiến việc triển khai hỗ trợ bị chậm trễ.
Tương tự, gói hỗ trợ 16.000 tỷ cho vay lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để trả lương người lao động sau 2 tháng vẫn chưa có bất kỳ doanh nghiệp nào vay được vì không đủ điều kiện.
Để khắc phục hạn chế này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ hơn về các chính sách đã ban hành, các kết quả đạt được, những hạn chế, hiệu quả của từng gói. Từ đó, Bộ sẽ nghiên cứu những chính sách mới, quy định cụ thể nguồn lực từ đâu, thời gian thực hiện, đối tượng hưởng…
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ phải đánh giá lại hiệu quả của các gói hỗ trợ lần 1 trước khi thiết kế chính sách hỗ trợ lần 2. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đề xuất chính sách mới, ông Lê Duy Hiệp cho rằng cơ quan quản lý chỉ gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, VAT là không đủ và các doanh nghiệp muốn được giảm thuế. “Việc giảm thuế có thể ảnh hưởng đến ngân sách chung nhưng hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn nên cần phải giảm”, ông nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền thì đề xuất nên rà soát lại các điều kiện đưa ra với các gói hỗ trợ đã ban hành. “Các chính sách này cần có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ người lao động mất việc làm”.
Hỗ trợ trên nguyên tắc trật tự phân hạng
PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nhấn mạnh việc Chính phủ đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết trong tình hình hiện nay nhưng cần phải xem xét về cách hỗ trợ và đối tượng được nhận để những nguồn lực này đến được với doanh nghiệp một cách hiệu quả và phát huy tác dụng tối đa.
Ông cũng ủng hộ quan điểm trước khi thực hiện gói hỗ trợ lần 2 nên đánh giá lại hiệu quả của các gói hỗ trợ lần 1 để xem hiệu quả đến đâu, có phát huy tác dụng hay không.
“Hiện tại, hầu như các gói hỗ trợ đã ban hành đều rơi vào tình trạng không hiệu quả hoặc rất mờ nhạt. Các doanh nghiệp chủ yếu vẫn tự gồng mình chống chịu chứ sự trợ giúp từ các chính sách vẫn rất hạn chế”, ông nói.
"Nguồn lực của Chính phủ đủ để hỗ trợ những đối tượng nào thì phải dựa trên nguyên lý trật tự phân hạng"
PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính tại Đại học Kinh tế TP.HCM
Hiện nay, một bộ phận doanh nghiệp cần được ưu tiên giải cứu để tránh việc phá sản hàng loạt khiến sản xuất bị đứt gãy hoặc sa thải quá nhiều người lao động nhưng còn nhóm đối tượng cũng cần được trợ giúp là những người lao động yếu thế, người dân bị ảnh hưởng. Thực tế, số này nhận được hỗ trợ rất ít từ gói 62.000 tỷ.
Với các gói hỗ trợ lần 2, theo PGS Bảo, cơ quan quản lý nên hạ các điều kiện thụ hưởng xuống để các gói này tiếp cận được đúng và nhiều đối tượng hơn.
“Trong lần 1 chúng ta chưa có kinh nghiệm ứng phó cũng như giải quyết hậu quả của dịch nên những tiêu chuẩn đưa ra cũng mang tính chủ quan nhất thời. Đến lần 2 này, sau khi đã có đánh giá được thực trạng và tính hiệu quả của đợt 1 thì việc điều chỉnh lại cho phù hợp là đương nhiên”, ông phân tích.
Các gói hỗ trợ mới được đề xuất nên hướng tới những doanh nghiệp có nhiều lao động và doanh nghiệp có tác động lớn tới cả một ngành. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông cũng nhấn mạnh trong tình hình hiện nay, phòng chống dịch phải là ưu tiên hàng đầu, thứ 2 là đảm bảo một số nguyên tắc để các hoạt động kinh tế được duy trì và không rơi vào suy thoái, không tạo ra sự đổ vỡ quá lớn hay sự đứt gãy của những ngành sản xuất trọng yếu. Và đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Chính sách sau dịch của Việt Nam sẽ rất khác các nước vì chúng ta đã phải chi ra một khoản tiền lớn so với quy mô ngân sách và nền kinh tế để chống dịch và dập dịch. Việc khống chế được dịch bệnh sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để khôi phục và kích hoạt lại nền kinh tế.
Nhưng ngược lại, nó cũng tạo ra những áp lực rất lớn lên cân đối ngân sách và đảm bảo các nhiệm vụ chi tiêu tài khoá khác. Đây chính là lý do phải tiếp cận các gói hỗ trợ trên nguyên tắc trật tự phân hạng, đâu là đối tượng ưu tiên, thành phần kinh tế, doanh nghiệp nào cần được hỗ trợ trước.
Ông Bảo cũng đề xuất Chính phủ có thể cân nhắc sử dụng nguồn lực từ 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công nhưng mới chỉ giải ngân được hơn 30% để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo ông, sử dụng vốn đầu tư công để tạo động lực phục hồi kinh tế là một ý tưởng tốt nhưng tỷ lệ giải ngân tại nhiều địa phương, bộ ngành còn thấp. Vì vậy, có thể xem xét điều chuyển bớt một phần trong số này sang những gói hỗ trợ khác cho doanh nghiệp, người dân.