Chưa kịp khắc phục hậu quả từ đợt dịch Covid-19 hồi quý I, nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục gặp khó trước tình hình dịch bệnh quay trở lại với diễn biến phức tạp hơn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cho biết sau khi hoạt động trở lại, chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ các gói chính sách tài khóa và tiền tệ thì dịch tái bùng phát lần 2 càng khiến hoạt động khó khăn hơn trước.
Lãi suất thực chỉ giảm 0,1-0,2%
Nói với Zing, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cho biết dù Chính phủ đã có nghị quyết, giao cho bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước ban hành các thông tư, quy định hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng các điều kiện đưa ra để hưởng hỗ trợ đều cao hơn so với đáp ứng của đa số doanh nghiệp.
Theo một số doanh nghiệp ngành vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, hiện nay các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ thông qua việc giảm lãi suất với khoản vay hiện hữu, giãn thời hạn trả nợ. Tuy nhiên mức giảm thực tế cũng không nhiều và doanh nghiệp vẫn khó khăn.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cũng cho biết các doanh nghiệp logistics cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Đến nay, nhóm đã có nhiều kiến nghị tới Chính phủ nhờ hỗ trợ về chính sách tài khóa, tiền tệ, nhưng số thực tế đến được tay doanh nghiệp vẫn chưa có.
“Một số ngân hàng thương mại hỗ trợ giảm lãi với khoản vay hiện hữu, nhưng số giảm thực tế chưa có nhiều khác biệt so với trước dịch”, ông Hiệp thông tin.
Với các khoản vay mới, doanh nghiệp vẫn nhận được hỗ trợ từ ngân hàng nhưng cả lãi suất và điều kiện vay đều không thay đổi. Với các khoản vay trung dài hạn, lãi suất vẫn ở mức 8,5%/năm trở lên và phải có tài sản thế chấp.
“So với trước dịch, lãi suất chỉ giảm đâu đó 0,1-0,2%/năm, hầu hết doanh nghiệp không được giảm quá 0,5%, chứ chưa nói tới mức 1%”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, cũng cho biết nếu xin giãn nợ, doanh nghiệp sẽ vào nhóm tín dụng xấu và việc vay vốn sau này sẽ rất khó. Trong khi đó, du lịch nói chung và Vietravel nói riêng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ dịch Covid-19.
Ông Hiệp khẳng định nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhưng ngân hàng cần đồng hành với doanh nghiệp và hạ lãi suất thực chất, đặc biệt là lãi vay trung, dài hạn. “Các khoản vay ngắn hạn cũng cần được ưu tiên bởi đây là nguồn chính các doanh nghiệp vay để trả lương người lao động, tạo dòng vốn lưu động”, ông nhấn mạnh.
Báo cáo hoạt động ngân hàng của NHNN cuối tháng 7 cho biết lãi suất cho vay bằng VNĐ trên thị trường hiện nay phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn; 9-11% với trung dài hạn. Mức lãi suất này gần như không thay đổi so với đầu tháng 5, thời điểm đợt dịch đầu tiên được khống chế. Thậm chí, lãi suất cũng đã không giảm so với mức bình quân đầu năm 2020.
Vì sao lãi suất khó giảm?
Thực tế, NHNN đã liên tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải thực hiện các giải pháp cụ thể để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh phức tạp.
Vài ngày trước, NHNN một lần nữa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng tín dụng và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Trong đó, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí hoạt động bằng cách giảm lương thưởng, lợi nhuận để tạo nguồn lực giảm lãi suất cho vay thực chất với cả khoản vay hiện hữu và vay mới.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, thực tế hoạt động có ghi nhận một số doanh nghiệp phản ánh về tình trạng khó tiếp cận vốn cũng như lãi suất không giảm nhiều. Tuy nhiên, đây chủ yếu là nhóm hoạt động không hiệu quả trong khi các doanh nghiệp hoạt động tốt đều không có ý kiến.
“Doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, hay có ý kiến về lãi suất là những doanh nghiệp không có phương án kinh doanh đảm bảo, hết vốn tự có. Ngân hàng chỉ có thể tăng số hóa để phục vụ khách hàng nhanh hơn chứ không thể giảm chuẩn tín dụng trong môi trường hiện nay”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank, cũng cho biết trong điều kiện lãi suất huy động hiện nay các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay sâu hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp không có phương án kinh doanh tốt.
Theo vị lãnh đạo ngân hàng, hầu hết doanh nghiệp hiện nay đều khó khăn nên các ngân hàng cũng chủ động giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, biên độ giữa lãi đầu vào và đầu ra tại các ngân hàng không còn nhiều.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết các ngân hàng hiện vẫn có khả năng giảm thêm lãi suất cho vay nhưng dư địa không nhiều, tối đa chỉ khoảng 1%. “Nếu giảm lãi suất quá thấp, người dân sẽ rút hết tiền mặt và tìm kênh đầu tư khác như vàng, khi đó thị trường sẽ gặp rủi ro, áp lực lớn cho thanh khoản ngân hàng”, ông nói.
Ngoài ra, để giảm được lãi suất, các ngân hàng phải dựa vào lãi suất điều hành của NHNN. Nếu cơ quan quản lý có thể giảm lãi suất điều hành một lần nữa sẽ giúp ngân hàng giảm chi phí đầu vào, cùng với việc giảm chi phí lao động, dự phòng… mức lãi suất thực tế mới có thể giảm xuống.
Cần có chính sách tiền tệ mới
Cũng theo vị chuyên gia, Thông tư 01 của NHNN đã có tác động nhất định tới các doanh nghiệp nhưng không nhiều và chưa đạt kỳ vọng.
“Mục đích của gói tiền tệ là hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp bị tác động bởi dịch. Nhưng nhóm bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh lại là nhóm bị ngân hàng ngần ngại hỗ trợ và cho vay nhất”, ông nói.
Theo đó, các doanh nghiệp này thường bị giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận, thậm chí bị mất thanh khoản vì dịch bệnh và những điều kiện này khiến ngân hàng không dám cho vay.
Thực tế, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng không được cho vay dưới chuẩn, tức là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch không phải đối tượng chính trong chương trình cho vay.
Theo ông Hiếu, đây là lý do số dư nợ các ngân hàng khoanh, giãn, cơ cấu lại lên tới hơn 1 triệu tỷ nhưng số cho vay mới lại rất thấp. Tính trong 7 tháng, tăng trưởng tín dụng chỉ là 3,45%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
“Đáng lý, cần phải có chỉ đạo với các điều kiện rõ ràng như tỷ lệ giảm doanh thu, lợi nhuận, mất thanh khoản… thì được vay ưu tiên”, ông Hiếu phân tích.
Để có giải pháp, vị chuyên gia vẫn nhấn mạnh không hạ chuẩn cho vay khi thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ và NHNN có thể chỉ đạo các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng riêng và gói này có thể được hỗ trợ bằng hình thức tái cấp vốn.
Gói tín dụng này cũng cần có định nghĩa rõ ràng với tiêu chuẩn cụ thể. “Đây sẽ là gói tín dụng riêng với hạn mức cho vay được tính toán trước, chuẩn cho vay sẽ thấp hơn vì là tín dụng đặc biệt, nhưng vẫn nằm trong vùng kiểm soát”, ông Hiếu đề xuất.