Mới đây, hồi ký đồ họa The Talk (tạm dịch: Chuyện trò) của Darrin Bell - tác phẩm lọt vào top 10 sách hay năm 2023 của Publishers Weekly - đã được chuyển thể thành sách nói. Darrin Bell đã đảm nhiệm viết lẫn vẽ The Talk, và cũng chính là giọng đọc kể chuyện trong phiên bản sách nói. Ông đánh giá cao việc đội ngũ sản xuất rất chú ý đến những chi tiết nhỏ.
Từ hình vẽ trên trang giấy đến tai nghe
Bước đầu tiên trong quá trình sản xuất, Ronald Young Jr. được thuê để chuyển thể cuốn sách của Bell thành kịch bản. Young đã kết hợp văn bản của Bell từ cuốn sách, thêm và mở rộng các đoạn tường thuật để mô tả các yếu tố hoàn toàn trực quan quan trọng đối với câu chuyện. Những đoạn khó nhất là những đoạn phụ thuộc chủ yếu hoặc hoàn toàn vào hình ảnh thay vì lời để mô tả.
Phần kết cuốn sách trong bản in không có lời. Young đã biên soạn một đoạn tường thuật để Bell đọc như một phần của phiên bản sách nói nhằm truyền tải hành động và ý nghĩa. Mặc dù đoạn kết chỉ dài 7 trang truyện, nhưng tác giả và người chuyển thể đã dành một giờ để thảo luận trước khi Young đặt bút diễn đạt những hình ảnh thành lời.
Nick Long - người phụ trách thiết kế âm thanh - cho biết khi hình dung một căn phòng, anh không chỉ nhìn thấy, mà còn nghe thấy, cảm thấy nó: "Mấy chiếc ghế trông ra sao?", "Khi họ bước đi tấm thảm thế nào?", "Khi còn bé mà đeo một đôi giày nặng thì cảm giác ra sao?", anh tự hỏi.
Tựa đề The Talk chỉ cuộc trò chuyện giữa cha mẹ da màu với con cái của họ về vấn đề phân biệt chủng tộc. Sách được tác giả sáng tác dành tặng con trai. Vì vậy, Bell cho biết sẽ rất có ý nghĩa với ông nếu con trai ông là Emyree Zazu Bell được đọc lời thoại của chính cậu bé trong sách nói.
Sau khi kịch bản sẵn sàng, tác giả, con trai ông và các diễn viên Brittany Bradford và William DeMeritt vào phòng thu để lồng tiếng cho các phần của mình một cách riêng biệt. Bradford và DeMeritt mỗi người đóng nhiều nhân vật.
Sau đó, Long kết hợp các bản thu giọng nói thành một phối âm hoàn chỉnh bao gồm cả nhạc gốc do Young sáng tác. Long giải thích rằng các hiệu ứng âm thanh phải bổ sung và mở rộng các từ được nói ra, ngoài việc phản ánh các hình ảnh vắng mặt.
Tác giả Darrin Bell cho biết khi nghe phiên bản sách nói, ông "cảm tưởng như quay về năm 1981, trở lại làm một đứa trẻ". Ông kỳ vọng các thính giả cũng có được trải nghiệm tương tự.
Bell cho biết khi sáng tác ông cũng thường có thói quen nói thành tiếng, để chắc chắn âm thanh nghe thật tự nhiên. "Nếu trong thời gian sáng tác mà tôi thu âm giọng mình, thì chắc có thể dùng để tạo sách nói luôn!"
Phân khúc tiềm năng của thị trường sách nói
Michele Cobb, giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà xuất bản Âm thanh Mỹ, giải thích rằng bản chuyển thể The Talk do Macmillan Audio phát hành vào tháng 8 là một phần của phân khúc đang phát triển trong lĩnh vực sách nói.
Cô cho biết rằng khi tiểu thuyết đồ họa được công nhận hơn trong xuất bản, các nhà xuất bản âm thanh đã nhận ra "chúng ta có thể làm được điều này!"
Như với The Talk, thông thường tiểu thuyết đồ họa được chuyển thể theo phong cách kịch phát thanh, trong đó thiết kế âm thanh cung cấp bối cảnh cho lời thoại do diễn viên đọc. Trong trường hợp của The Talk, lời kể ngôi thứ nhất của Bell kết nối mạch truyện.
Giám đốc sản xuất sách nói The Talk Simone Barros gọi chuyển thể truyện tranh thành sách nói là "tạo ra một tác phẩm, và tác phẩm đó sẽ nở rộ hình ảnh trong tâm trí người nghe". Tác phẩm này di chuyển theo thời gian "theo cách âm nhạc, điện ảnh di chuyển theo thời gian".
Barros chỉ ra rằng sách nói ban đầu được phát triển như một công nghệ hỗ trợ. Nhưng sách nói chuyển thể từ truyện tranh không chỉ được sản xuất vì điều này là khả thi về mặt công nghệ và có thể tiếp cận độc giả, mà còn vì sản phẩm âm thanh cũng thổi làn gió mới vào câu chuyện.
Barros giải thích tầm nhìn đạo diễn rõ ràng là rất quan trọng trong một tác phẩm đồ sộ như The Talk . Bởi vì tác phẩm như vậy cần đội ngũ nhiều người hơn và có mức độ phức tạp hơn so với sách nói thông thường, nên chúng đắt hơn, cần phải tối ưu hóa thời gian thực hiện.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Người trẻ kết hợp các hình thức đọc để gia tăng trải nghiệm
Ngoài sách giấy truyền thống thì sách điện tử, sách nói... đang là những cách "đọc" mới được nhiều bạn trẻ sử dụng, phù hợp với đa dạng nhu cầu, mục đích trong cuộc sống.
App AI giúp người dùng tạo sách nói bằng giọng của chính mình
Theo Cnet, người dùng app Speechify có thể nhập một giọng nói bất kỳ để trí tuệ nhân tạo (AI) "nhại theo", tạo ra sách nói với giọng đọc tùy thích.
Thị trường sách Anh vượt 7 tỷ bảng, sách nói tăng trưởng 17%
Dữ liệu của Hiệp hội Nhà xuất bản (Anh) cho thấy sách nói đang nhanh chóng trở thành "con đường tiếp thị chính cho người tiêu dùng sách" tại xứ sở sương mù.