Cha mẹ cần kiên nhẫn nếu muốn rèn cho con những thói quen tốt. Ảnh: I.P. |
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cha mẹ hách dịch sẽ sinh ra những đứa con hống hách. Cha mẹ cư xử với con như thế nào thì chúng sẽ cư xử với những người khác như vậy. Những đứa trẻ rất thích làm người lớn. Nếu chúng thấy người lớn xung quanh có thói quen hách dịch thì chúng cũng trở nên hống hách. Vậy nên muốn bắt lỗi những đứa trẻ hống hách, hãy bắt lỗi chính chúng ta trước.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cha mẹ cũng có lỗi. Cũng có những ông bố, bà mẹ không hách dịch lại sinh ra những đứa con hống hách. Thường thì những đứa trẻ này thích làm theo ý mình và hống hách với người khác là một cách để đạt được mục tiêu đó.
Những đứa trẻ như vậy thường sẽ quay ra hách dịch với chính cha mẹ. Cha mẹ sẽ không nhân nhượng trước điều này. Cha mẹ có thể áp dụng cách thức thú vị dưới đây với bất kỳ trường hợp nào trẻ tỏ ra thô lỗ.
Khi trẻ hống hách, phản ứng đầu tiên của chúng ta nên là nở một nụ cười thật tươi với trẻ. Hành động không lường trước này sẽ cho trẻ thời gian suy nghĩ, cân nhắc về điều đang xảy ra. Rồi chúng ta nên nói: “Hay đấy, Alicia. Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra với gia đình mình nếu ai cũng trở nên thô lỗ? Nó có giúp ích gì không? Con đừng trả lời vội, hãy cứ suy nghĩ kỹ đi.” Rồi chúng ta bỏ đi.
Chúng ta cần xử lý những đứa trẻ hống hách mà không để cảm xúc lấn át. Chúng ta cũng không nên quát tháo chúng theo kiểu “Sao con dám ra lệnh cho mẹ (bố)?”. Hành vi của trẻ nên được xử lý một cách hợp lý và dứt khoát. Tuy nhiên, khi trẻ hống hách với những đứa trẻ khác, chúng ta sẽ là người góp ý. Vì nói cho cùng, đó là vấn đề của bọn trẻ chứ không phải của chúng ta.
Mẹ: “Alicia, mẹ thấy rằng con khá hống hách với các bạn. Con có sợ rằng điều đó sẽ khiến các bạn không thích con không? Các bạn có thể sẽ không muốn làm bạn với con nữa.”
Alicia: “À, các bạn sẽ vẫn chơi với con thôi.”
Mẹ: “Mẹ hơi nghi ngờ về điều đó đấy. Dĩ nhiên, con có thể sẽ là một trong những người hiếm hoi hách dịch với người khác mà vẫn làm bạn với họ được. Con nghĩ thế nào? Con đã tìm ra cách để hống hách khắp nơi mà vẫn giữ được tình bạn chưa?”
Alicia: “Con không biết.”
Mẹ: “Mẹ cũng muốn xem con làm thế nào. Mẹ hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.”
Cuộc sống sẽ mang đến cho trẻ bài học thực tế: sự thô lỗ đồng nghĩa với mất bạn thêm thù. Những đứa trẻ khác rất sẵn lòng dạy cho những đứa trẻ hống hách như Alicia một bài học xương máu. Và khi Alicia về mách mẹ về vấn đề của mình, mẹ cô bé có thể chia sẻ nỗi buồn như một người bạn thực sự:
Mẹ: “Ồ, vậy là mọi chuyện không như ý con à?” Alicia: “Không ạ.”
Mẹ: “Buồn nhỉ. Con định sẽ làm gì để các bạn lại chơi với con?”
Alicia: “Con không biết.”
Mẹ: “Mẹ hy vọng mọi việc sẽ ổn với con. Nếu con muốn nghe lời khuyên của mẹ về cách chơi với các bạn để họ không cảm thấy con đang điều khiển họ, thì hãy nói với mẹ nhé. Mẹ sẽ rất vui khi nói chuyện với con về vấn đề ấy.”
Nhắc nhở con cái không được hống hách chỉ làm chúng hống hách thêm, tức giận với chúng ta, và sự hách dịch sẽ vẫn tiếp diễn. Nhưng đặt gánh nặng của vấn đề lên vai con trẻ và luôn bên cạnh để đưa ra lời khuyên khi trẻ cần sẽ hướng trẻ đến cách giải quyết vấn đề thực sự.
Bình luận