Liên quan đến thông tin san hô tại khu vực Hòn Sẹo (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị chết hàng loạt, ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với UBND thành phố Quy Nhơn và tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý khảo sát, đánh giá, làm rõ nguyên nhân.
“Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung, thành phố Quy Nhơn nói riêng bị hạn chế; việc tắm biển hay lặn ngắm san hô hầu như không có. Do vậy, chúng ta phải đánh giá lại nguyên nhân san hô chết là do thủy triều, do biến đổi khí hậu hay còn nguyên nhân nào khác”, ông Nguyễn Phi Long nói.
Từ năm 2020, UBND thành phố Quy Nhơn đã công nhận và giao cho 4 tổ cộng đồng tại các địa phương với 220 thành viên quyền đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên tổng diện tích 46 ha mặt nước có rạn san hô.
Trong đó, tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý quản lý khu vực biển Bãi Dứa với diện tích 8 ha; tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải quản lý khu vực biển phía tây của đảo Hòn Khô Nhỏ với diện tích trên 12 ha; tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Châu quản lý khu vực biển Bãi Trước với diện tích trên 20 ha; tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản phường Ghềnh Ráng quản lý khu vực biển Hòn Nhàn với diện tích gần 6 ha.
Sau thời gian khoanh vùng bảo vệ diện tích mặt nước được giao này, hệ sinh thái rạn san hô bước đầu được phục hồi. Cụ thể, tại Bãi Dứa có độ phủ san hô đạt 75,6%, tại Hòn Khô Nhỏ đạt 44,3%, tại Hòn Nhàn đạt 31,8% và tại khu vực biển Bãi Trước là 23,1%.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản Bình Định cũng đã thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Thủy sản Bình Định cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức hoạt động quan trắc đánh giá rạn san hô và nguồn lợi thủy sản tại những khu vực biển đã thả đặt phao tiêu, cắm biển báo khoanh vùng, giao cho các tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương quản lý.