Ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết Sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra 404 dự án. Trong đó, 96 dự án với diện tích 290,9 ha đất, sau thanh tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục tồn tại nên được đề nghị đưa ra khỏi danh sách chậm tiến độ, chậm triển khai.
Còn lại, 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất, Sở TN&MT kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi, bãi bỏ quyết định giao, cho thuê đất.
Đến nay, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đất 10 dự án với tổng diện tích 177,7 ha. Đồng thời, 60 dự án với tổng diện tích 9 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố quyết định gia hạn 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước tiền sử dụng, thuê tương ứng.
Đối với dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính về đất, UBND thành phố giao Cục Thuế thành phố tiếp tục đôn đốc, thu theo quy định.
Tại kỳ họp thứ 4 của HĐND Hà Nội khóa XVI ngày 8/4, UBND thành phố trình 14 giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.
Trong đó, giải pháp quan trọng được đề xuất là phân loại, rà soát dự án đã có quyết định chủ trương (chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư) quá tiến độ thực hiện nhưng chưa được Nhà nước giao, cho thuê đất.
Đồng thời, thành phố kiên quyết thu hồi dự án đối với nhà đầu tư không còn phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai.
UBND Hà Nội đề nghị kiểm tra, thanh tra, làm rõ nguyên nhân và phương án giải quyết để xử lý đối với dự án có vi phạm pháp luật đất đai khác như sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, cho mượn đất, chậm hoàn thành thủ tục đất đai, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đúng quy định, huy động vốn trái phép...
Cũng tại kỳ họp, UBND Hà Nội trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và tiếp theo.
Theo đề xuất ban đầu của 3 sở và UBND các quận, huyện, thị xã, tổng nhu cầu đầu tư ban đầu đối với 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và di tích là 109.728 tỷ đồng với 3.303 dự án.
Trong đó, 233 dự án cấp thành phố với kinh phí 31.403 tỷ đồng, 3.070 dự án cấp huyện với kinh phí 78.324 tỷ đồng. Cấp huyện đề nghị ngân sách thành phố hỗ trợ 43.996 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi rà soát, thành phố xác định tổng nhu cầu 3 lĩnh vực xác định nguồn vốn theo nguyên tắc cân đối các cấp ngân sách là 97.495 tỷ đồng với 3.385 dự án.
Cụ thể, 236 dự án cấp thành phố với kinh phí 26.621 tỷ đồng. Các dự án cấp huyện là 3.149, kinh phí 70.874 tỷ đồng.