Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lạm phát ở Argentina vượt 100%

Tỷ lệ lạm phát của Argentina đã lần đầu tiên vượt mức 100% kể từ năm 1991. Trong đó, thực phẩm và đồ uống là những mặt hàng tăng giá mạnh nhất.

Thực phẩm là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất tại Argentina. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina (INDEC) cho biết lạm phát tại nước này đã vượt mức 100% lần đầu tiên sau hơn 30 năm. Con số này cho thấy giới chức tại quốc gia Nam Mỹ này vẫn đang chật vật trong việc kiểm soát đà tăng của giá cả.

Cụ thể, INDEC cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 đã tăng 102,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã khiến Argentina trở một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới.

CPI của Argentina trong tháng 2 đã tăng 6,6% so với tháng trước. Ngoài ra, CPI trong 2 tháng đầu năm nay cũng tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, thực phẩm và đồ uống là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong tháng 2 với mức tăng lên tới 9,8% so với tháng trước.

Argentina đã trải qua 13 tháng liên tiếp có lạm phát hàng tháng vượt mức 4%, con số này được coi là ngưỡng phản ánh một nền kinh tế tốt.

Để đối phó lạm phát và ngăn đồng peso mất giá, chính quyền của Tổng thống Alberto Fernandez đã áp dụng chính sách hỗ trợ tỷ giá với một số ngành nhất định. Việc này giúp một số doanh nghiệp mua được đồng USD với giá rẻ hơn thị trường.

Cụ thể, các hãng sản xuất rượu được áp dụng chương trình Dollar Malbec. Các công ty bán gói du lịch trong dịp World Cup được tham gia Dollar Qatar. Còn Dollar Coldplay lại dành cho các doanh nghiệp tổ chức sự kiện âm nhạc.

Theo Reuters, tác động của việc giá cả leo thang đã tràn ngập khắp các cửa hàng tại Argentina. Điều này khiến tâm lý người dân trong nước rơi vào căng thẳng và lo âu.

"Hôm trước, tôi mua 3 quả quýt, 2 quả cam, 2 quả chuối và nửa ký cà chua. Người mua hàng nói tổng giá của chúng là 650 peso (khoảng 3,22 USD). Cuối cùng, tôi chỉ mua mỗi cà chua vì không có đủ tiền", bà Irene Devita, chia sẻ câu chuyện của bản thân khi đi chợ tại Buenos Aires, thủ đô Argentina.

HSBC: Việt Nam cần được chú ý hơn đến lạm phát

HSBC cho rằng Việt Nam có dữ liệu thương mại trong tháng 2 tương đối khả quan. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho rằng Chính phủ cần thận trọng hơn đối với vấn đề lạm phát.

Hoạt động sản xuất hụt hơi vì đơn hàng quốc tế giảm

Trong 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, một phần do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao dẫn tới số lượng đơn hàng lao dốc.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Thanh Vũ

Bạn có thể quan tâm