'Lạm phát không còn là nỗi lo, GDP có thể đạt 5,5%'
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, những diễn biến trong thời gian qua và sắp tới có thể tin GDP sẽ tăng trưởng đạt mục tiêu 5,5%.
Báo cáo trước Chính phủ sáng 27/6, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đưa ra một số định hướng trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ và các bộ, ngành... Ông Vinh cho rằng, với những diễn biến về kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua và triển vọng sắp tới, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm của cả nước có thể đạt cao hơn 6 tháng đầu năm 2012 và tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng cuối năm có thể sẽ cao hơn so với đầu năm chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, sức mua được cải thiện, một số hàng hóa dịch vụ thuộc diện Chính phủ quản lý như điện, viện phí...có thể điều chỉnh giá, các giải pháp giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản; và sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa,...sẽ hỗ trợ cải thiện tổng cầu.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong hai quý cuối năm. Dịch vụ tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản sẽ từng bước được tháo gỡ.
Hoạt động xuất - nhập khẩu sẽ tiếp tục sôi động, trong đó xuất khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra; nhập khẩu tiếp tục chuyển biến tích cực do hoạt động sản xuất và tiêu dùng hồi phục; tỷ lệ nhập siêu có thể tăng trong những tháng cuối năm song vẫn nằm trong mức kiểm soát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ dần cải thiện, cho dù vẫn gặp nhiều khó khăn.
Với dự báo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số định hướng trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ và các bộ, ngành.
Cụ thể, về các chính sách tiền tệ, tài khóa, sẽ tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến của lạm phát và nền kinh tế vĩ mô; tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, hướng dòng vốn vào sản xuất; có giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp còn triển vọng tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu.
Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với mục tiêu cả năm; tích cực triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đối với người có thu nhập thấp; tháo gỡ khó khăn đối với các hộ nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, xem xét phương án cơ cấu lại nợ và duy trì cho vay nếu bảo đảm khâu tiêu thụ. Nhất quán thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá nhằm bảo đảm giá trị VND, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sớm kiện toàn các quy định, quy trình về mua - bán, xuất - nhập khẩu vàng.
Cùng với đó là khẩn trương triển khai đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Thúc đẩy hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), góp phần xử lý nợ xấu, khai thông dòng vốn tín dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; kiểm soát chặt chẽ tỷ giá, thị trường vàng theo mục tiêu, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.
Các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là những dự án đang triển khai có thể hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng. Tăng cường thu hút và giải ngân các vốn FDI và ODA.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch đầu tư đánh giá, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các yếu tố nổi lên là kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm.
Bên cạnh đó, thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt thấp; tiến độ thu ngân sách Nhà nước không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ các năm trước; tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ lẫn số người thương vong so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, người miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Theo VnEconomy/Chinhphu