ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam còn 5,2%
Sự lành mạnh của ngân hàng, các khoản chi bất thường và hối lộ, năng lực cạnh tranh... là những yếu tố tạo nên thách thức với kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng 2013 được dự báo sẽ đạt mức 5,2%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hôm nay vừa công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á, đưa ra nhận định tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2013 có thể đạt được mức 5,2% và tăng lên 5,6% năm 2014. Mức 5,2% này thấp hơn 0,5% so với mức dự báo của ADB cách đây 6 tháng bởi những lý do liên quan đến tăng trưởng chỉ 4,9% trong 3 tháng đầu năm.
Điều kiện để đạt được những con số nói trên là các vấn đề trong khu vực ngân hàng đạt được tiến bộ và công nghiệp lớn lấy lại đà phát triển trong năm 2014. Trong khi đó, trong năm 2013, lạm phát được dự báo sẽ giảm nhẹ xuống trung bình 7,5% và sẽ tăng lên mức 8,2% trong năm 2014, với điều kiện sản xuất lương thực thuận lợi và tỷ giá USD/VND ổn định, chính sách kích thích có kiềm chế.
ADB cho rằng có 2 rủi ro đối với triển vọng nói trên, đó là sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng và quy mô nợ xấu. Hoạt động tín dụng của các ngân hàng sẽ có thể tăng cường mạnh mẽ nếu như bảng cân đối kế toán được làm sạch. ADB đánh giá, dự án công ty quản lý tài sản để mua nợ xấu cần phải được đảm bảo đủ kinh phí để hoạt động và đây sẽ là yếu tố thiết yếu cho sự thành công của kế hoạch này. Bên cạnh đó, quy trình đánh giá tài sản minh bạch và hành lang pháp lý về phá sản với năng lực xử lý nợ xấu được cải thiện cũng là nhân tố quan trọng để có thể xử lý được nợ xấu - một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay.
Bất chấp những quan ngại, trong đánh giá của ADB, Việt Nam vẫn là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn với lợi thế là sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động và chi phí lao động thấp, cụ thể là sự gia tăng FDI từ phía Nhật Bản. Dù thế, áp lực cạnh tranh FDI ngày càng tăng trong khu vực Đông Nam Á sẽ là điều mà Việt Nam phải đối mặt. Chính tính kịp thời, cương quyết trong các chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư là các nhân tố sẽ quyết định việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Dẫn ví dụ về xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tại diễn đàn kinh tế thế giới trong 2 năm giảm 16 điểm, kém các nền kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á, ADB cho rằng đó chính là thách thức để đạt được những triển vọng nêu trên. Cụ thể, Việt Nam đứng hạng 75 so với 144 nước được xếp hạng, cơ sở hạ tầng đứng thứ 95, mức độ phức tạp của nền kinh tế là 100, tôn trọng quyền sở hữu (113), các khoản chi bất thường và hối lộ (118) và sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng xếp thứ 125. Lợi thế so sánh của Việt Nam duy nhất chỉ có thị trường lao động xếp hạng 51 và thị trường trong nước lớn (thứ 32).
Lan Anh
Theo Infonet