Tại buổi toạ đàm Nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội do Báo Thanh niên tổ chức ngày 22/10, Hoa hậu Thế giới người Việt năm 2010 Diễm Hương tâm sự từ khi trở thành hoa hậu cô bị trầm cảm và nhiều khi nghĩ đến tự tử.
"Khi đang mang bầu, tôi vướng phải một scandal. Cộng đồng mạng đã mang cả con tôi ra để hạ nhục. Giai đoạn đó tôi cảm thấy rất bất an và bị động thai", Diễm Hương nhớ lại.
Chia sẻ với những tổn thương của Hương nhưng đạo diễn Lê Hoàng cho rằng không nên vì thế mà đổ hết lỗi cho mạng xã hội (MXH). Ông cho rằng nhờ có MXH mà hàng chục triệu người yếu thế được bày tỏ ý nghĩ của mình.
Nhà báo Đỗ Hùng (trái) và TS Lê Thẩm Dương (phải) cho rằng với mạng xã hội, một câu nói có thể "giết chết" một con người, một doanh nghiệp. Ảnh: Thu Hằng. |
Đạo diễn Lê Hoàng nói nếu đổ hết lỗi lên mạng xã hội sẽ hạn chế quyền tự do sử dụng sự tiến bộ của công nghệ. Quan trọng là thái độ và sự tỉnh táo của người sử dụng.
"Chúng ta phải nhìn MXH với sự biết ơn vì những gì nó mang lại và chấp nhận mặt trái của nó, không thể 'ăn trứng mà không đập vỡ vỏ'. Mỗi người phải tự xây dựng bản lĩnh chịu đựng trước bất công vì có những thứ rất khó phân định đúng sai", ông Hoàng nhận định.
Đồng quan điểm, nhà báo Đỗ Hùng nói thêm rằng khi trao quyền lực vào tay ai đó thì cần cơ chế kiểm soát quyền lực nếu không "quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hoa tuyệt đối".
Nhà báo Đỗ Hùng cũng cho rằng nhiều người khi chia sẻ thông tin họ có ý định tốt nhằm lan tỏa thông điệp cho nhiều người cảnh giác nhưng không nhận ra đang lan truyền tin xấu. Do đó, ông Hùng cho rằng người dùng mạng xã hội cần được hướng dẫn cách thẩm định thông tin trong thời buổi tin giả tràn lan.
Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, cho biết từ khi các thông tin trên mạng xã hội được công nhận là dữ liệu điện tử vào năm 2018 và được dùng như chứng cứ trong các vụ án, TP.HCM đã có 5-7 vụ kiện. Người lĩnh án nhẹ thì 6 tháng, nặng thì 1,5-2 năm tù.
Ông Long gợi ý 4 hình thức xử lý khi bị vu khống trên MXH. Một là gửi yêu cầu xin lỗi đến chủ thể vu khống. Hai là yêu cầu xử lý vi phạm hành chính. Ba là kiện ra toà dân sự, yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất danh dự nhân phẩm. Và cuối cùng là yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
"Luật quy định người có hành vi vu khống, làm nhục người khác thông qua MXH thì tình tiết tăng nặng hình phạt gấp đôi. Do đó, người dân bị xâm phạm quyền chỉ cần nhờ thừa phát lại tập hợp bằng chứng và đưa vấn đề ra trước pháp luật. Đó cũng là hình thức giáo dục răn đe", ông Long đưa lời khuyên.
Ông Vũ Phi Long (trái) khuyến khích người dân nên dùng công cụ pháp luật để tự bảo vệ mình khi bị thiệt hại từ những lời nói trên MXH. Ảnh: Thu Hằng. |
Đồng ý với ông Long, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, đặt thêm vấn đề về việc quản lý không gian MXH còn nhiều bất cập.
Theo ông Cường, quyền lấy dữ liệu và thiết lập luật chơi cho MXH đang do một nhóm nhỏ của thế giới quyết định. Trong khi luật chơi này có thể không phù hợp với quốc gia khác.
Ông Cường nhấn mạnh lợi ích của Luật An ninh mạng trong quản lý không gian mạng và thiết lập tính chính danh của người dùng để dễ dàng truy cứu trách nhiệm khi có trường hợp vu khống xảy ra.
"Không gian mạng có rác chỉ có thể do con người mang vào. Do đó để làm sạch MXH cần giải quyết hành vi của con người trước tiên", ông Cường nói.