Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Làm gì để tránh bị 'chặt chém' khi du lịch Nha Trang?

Hỏi giá trước khi gọi, xem kỹ bảng niêm yết, chọn quán uy tín, nắm số điện thoại đường dây nóng tại địa phương… là những cách giúp du khách không bị "chặt chém".

Mấy ngày qua, hình ảnh về các phiếu thanh toán với một số món ăn có giá “cắt cổ” của vài nhà hàng, quán ăn ở Nha Trang được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều người còn chia sẻ chuyện du khách bị “chặt chém”, ép giá khi đi du lịch ở Nha Trang không cá biệt mà diễn ra thường xuyên.

Có một thực tế, nhiều người luôn rơi vào tình trạng bị động mỗi khi đi du lịch và vô hình trung trở thành đối tượng bị mai phục khi đến các điểm vui chơi, ăn uống.

Ít phản ánh qua đường dây nóng

Theo lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ du khách tỉnh Khánh Hòa, mặc dù đi vào hoạt động gần 6 năm, nhưng đường dây nóng nhận được rất ít phản ánh của du khách.

“Chúng tôi luôn có người trực 24/24h để nhận phản ánh. Tuy nhiên, thay vì gọi cho trung tâm thì du khách thường phản ánh qua mạng xã hội, nên rất khó xử lý ngay và kịp thời được”, lãnh đạo Trung tâm nói.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, đơn vị có đến 2 số điện thoại đường dây nóng. “Đề nghị du khách nếu có bất cứ bức xúc gì về chất lượng du lịch có thể phản ánh qua đường dây nóng 02583.528.000 - 0947.528.000 của Sở Du lịch hoặc số 02583.822.072 của Sở Tài chính Khánh Hòa. Lực lượng chức năng sẽ có mặt sau 15 phút để xử lý”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, nói.

Chat chem du khach anh 1

Phiếu tính tiền của nhà hàng Hưng Phát. Ảnh chụp lại.

Ngày 8/2 (mồng 4 Tết), một phiếu tính tiền ghi ở nhà hàng Hưng Phát trên đường Trần Phú được đưa lên mạng xã hội đã có hàng trăm nghìn lượt chia sẻ chỉ vài tiếng sau đó.

Một số món ăn được xem là bình dân nhưng có giá trên trời, như mì xào hải sản 500.000 đồng/phần; đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần; đậu hà lan xào tỏi 300.000 đồng/phần; cơm trắng 200.000 đồng/phần.

Vài tiếng sau, một quán ăn khác cũng bị tố "chặt chém" khi tính món khổ qua xào có giá 500.000 đồng/2 đĩa, mồng tơi xào 250.000 đồng/đĩa và su su 250.000 đồng/đĩa. Ngoài ra, trong phiếu cũng ghi món cháo số lượng 2 có giá 800.000 đồng.

Quán bị tố tên Tháp Bà Làng Chài ở địa chỉ 32-33 đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang. Theo phiếu thanh toán, khách vào quán sáng 7/2 (mồng 3 Tết).

Một trường hợp khác cũng bị kiểm tra liên ngành tỉnh Khánh Hòa xử phạt dịp Tết với phiếu tính tiền gần 50 triệu đồng là nhà hàng Ốc Biển trên đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang.

Theo đó, dịp Tết Kỷ Hợi 2019, một đoàn du khách nước ngoài vào quán Ốc Biển ăn, lúc thanh toán nhà hàng này đưa phiếu tiền gần 50 triệu đồng. Khách phản ứng giá quá đắt nên gọi vào đường dây nóng của Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ nhà hàng Ốc Biển giải thích do khách hiểu nhầm. Trong bảng niêm yết giá, nhà hàng ghi giá tôm hùm từ 2.200 đến 3 triệu đồng tùy lớn nhỏ, tức có giá 2,2 triệu đến 3 triệu đồng.

“Do khách không hỏi kỹ trước khi gọi, họ nghĩ giá tôm hùm chỉ từ 200.000 – 300.000 đồng/kg nên gọi tổng cộng 13 kg tôm hùm, cộng thêm mấy ký cua nên phiếu tính tiền hơn 49 triệu đồng”, chủ nhà hàng Ốc Biển phân trần.

Đoàn thanh tra của Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã lập biên bản, phạt hành chính nhà hàng Ốc Biển về hành vi niêm yết giá không rõ ràng.

“Xét cho cùng thì hành vi của nhà hàng Ốc Biển đã lừa dối khách hàng, họ lợi dụng du khách nước ngoài, hiểu biết ít về giá cả của Việt Nam nên cố tình ghi không rõ ràng. Những nhà hàng, quán ăn như vậy chúng tôi nhắc nhở và bắt buộc phải làm lại bảng niêm yết giá”, một thanh tra Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa nói.

Chat chem du khach anh 2

Đoàn kiểm tra đến quán Hưng Phát xác minh thông tin phản ánh trên mạng xã hội ngày 9/2. Ảnh: C.N.

 

Hỏi kỹ giá niêm yết, mặc cả nếu cần thiết

Chị Hoàng Oanh, giám đốc một công ty lữ hành ở Nha Trang cho rằng, khi đến nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch, khách nên xem thực đơn và giá tiền niêm yết cụ thể trước.

"Với những nơi không ghi rõ giá, khách nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ cửa hàng, tránh tình trạng gọi ít, thanh toán nhiều. Những nơi làm ăn tử tế sẽ để giá tiền tương ứng với món ăn. Nhiều nơi cố tình 'lập lờ đánh lận con đen' sẽ để ba số 0, che số tiền phía trước. Khách hỏi lúc đó họ sẽ nói giá, còn không rất dễ rơi vô trường hợp bị chặt chém", chị Oanh chia sẻ.

Còn theo anh Lê Cường, một hướng dẫn viên du lịch, ở bất cứ đâu cũng có chỗ tốt, xấu không riêng gì Nha Trang. Quan trọng là mỗi người khi đi du lịch cần trang bị các kiến thức cơ bản như lên trang báo uy tín, mạng xã hội, diễn đàn du lịch tham khảo những nhà hàng, quán tại điểm sắp đến từng vướng tai tiếng để tránh, đồng thời chọn sẵn một vài điểm uy tín được cộng đồng mạng đánh giá cao.

Điều cần thiết khác khi đi du lịch là không ngại mặc cả, hỏi kỹ giá. "Nhiều người buôn bán đánh vào tâm lý ngại hỏi giá, khi ăn xong họ tăng giá vô tội vạ, lúc đó khách lỡ ăn rồi nên cắn răng thanh toán cho qua chuyện. Vì vậy nếu vào quán ăn hay điểm vui chơi nào đó đừng ngại hỏi giá cả, thậm chí trả giá tùy theo mặt hàng mình chọn mua", chị Nguyễn Thị Mai, quản lý một nhà hàng ở Nha Trang, nói.

Thêm quán ăn ở Nha Trang bị tố ‘chặt chém’ 250.000 một đĩa mồng tơi

Khi cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đang xác minh nhà hàng Hưng Phát bị tố “chặt chém” du khách, trên mạng xã hội tiếp tục lan truyền một phiếu tính tiền có giá món ăn trên trời.

An Bình

Bạn có thể quan tâm