Là người con của vùng lũ Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể thấy được những thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nêu ra tại Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông Thể, có nhiều vấn đề đáng lo của vùng này, các nhà khoa học cảnh báo khoảng 100 năm nữa ĐBSCL có thể biến mất nên cần có các giải pháp hữu hiệu.
Chọn đúng giải pháp mới giúp ĐBSCL không bị biển nhấn chìm
Nỗi lo lớn ở ĐBSCL là khi dông lốc, mưa bão xảy ra. Khi đó, miền Tây sẽ đối mặt thảm cảnh hết sức nguy hiểm vì vùng này được xem là nơi hiền hòa, ít bị ảnh hưởng mưa bão và dông lốc lớn.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Ảnh: CTV. |
Từ sự hiền hòa đó, nếu ĐBSCL gặp bão hoặc dông lốc cấp 10 thì ông Thể nghĩ rằng nhà cửa ở vùng này sẽ hư hỏng hoàn toàn. Từ thảm cảnh có thể đó, Bí thư tỉnh vùng bán đảo Cà Mau cần các bộ, ngành đưa ra cảnh báo và các mô hình thích ứng.
"ĐBSCL đang có nguy cơ chìm sâu trong nước biển. Nguyên nhân đầu tiên là biến đổi khí hậu, tan băng làm nước biển dâng cao. Tiếp đến là do khai thác nước ngầm quá mức nên một số vùng như Sóc Trăng trong 25 năm qua đã lún xuống 25 cm", ông Thể nói tại hội nghị chuyên đề Tổng quan về thách thức và cơ hội, giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL.
Theo ông Thể, nước biển dâng khi mặt đất lại xuống thì ĐBSCL đứng trước nguy cơ chìm dần.
"Hà Lan là quốc gia phát triển và giàu nên họ có thể thích ứng được. Còn Việt Nam không có tiềm năng kinh tế như Hà Lan, nếu không chọn được giải pháp phù hợp thì không thể giải quyết được vấn đề", ông Thể nói.
Đề cập đến giải pháp hạn chế sụt lún, Bí thư Sóc Trăng cho rằng cần khuyến cáo người dân không sử dụng nước ngầm và hình thành các nhà máy nước mặt cung cấp nước sạch cho người dân. Hiện, các tỉnh ven biển khai thác nước ngầm ồ ạt, nếu không ngăn được việc này thì ĐBSCL sẽ đốt mặt nguy cơ bị nhấn chìm.
Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau. Ảnh: Việt Tường. |
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất phương án tìm cách thay thế nguồn nước. Thứ nhất, cần dẫn dòng nguồn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu về để phục vụ cho vùng ven biển bán đảo Cà Mau. Hướng thứ hai là có những công trình để tích trữ nước mưa, góp phần cung ứng nước cho sinh hoạt tại chỗ.
"Về lâu dài thì phải áp dụng khoa học công nghệ, đó là lọc nước mặn để tạo ra nguồn nước ngọt để thay thế sinh hoạt, sản xuất. Cần áp dụng khoa học công nghệ vào tất cả các lĩnh vực để hướng đến tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất. Với các giải pháp đồng bộ như thế thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề này", ông Sử nói.
Cảnh báo sụt lún, giáo sư Võ Tòng Xuân nói rằng người dân các tỉnh ven biển dùng nước ngầm tưới lúa là không nên. Hiện, nhiều khu công nghiệp bơm nước ngầm để sử dụng thì phải cân, đo, đong, đếm lại và yêu cầu doanh nghiệp phải tiết kiệm nước như thế nào và tìm cách tái sử dụng nước.
"Nhà máy đường ép mía cần nhiều nước để lấy hết đường. Sau khi họ lắng lấy đường thì nước bốc hơi lên, cho ngưng tụ để uống rất tốt", giáo sư Xuân chia sẻ.
Sụt lún đất ở Cà Mau. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo ông Võ Tòng Xuân, để tiết kiệm nước ngọt thì các nhà máy cũng cần tính đến cách thu hồi nước thải để tưới cây trồng, ít nhất cũng đưa vào hệ thống xử lý nước bồn cầu.
"Bây giờ xả bồn cầu một lần gần 10 lít. Tắm vòi hoa sen một lần 30-40 lít, ngồi trong bồn ngâm mình cho thỏa thích thì tốn gần 150 lít nước ngọt", giáo sư Võ Tòng Xuân đưa ra ví dụ cụ thể.
Bài toán cho liên kết vùng
Ở cuối nguồn sông Mekong, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết địa phương này còn nghèo, nguồn lực hạn chế, chủ yếu phát triển kinh tế vườn và thủy sản. Hiện, Bến Tre nhận ra sự phát triển manh mún, phân tán, tự phát đã gây nên sự kìm hãm.
"Bến Tre thấy sự liên kết sẽ tạo ra quy mô kinh tế và năng lực cạnh tranh cao hơn, mạnh hơn trên cơ sở phát huy được lợi thế so sánh của từng địa bàn. Bến Tre cái gì ai có cũng làm, làm ra cuối cùng manh mún, không tạo được hàng hóa quy mô và bị cạnh tranh khốc liệt", ông Trọng nêu thực trạng của địa phương.
Từ đó, lãnh đạo tỉnh này thấy được nhu cầu phát triển là phải đòi hỏi có sự liên kết ngang liên kết dọc và một cơ chế cho sự liên kết này. Cụ thể, liên kết ngang tạo ra sự kết nối giữa các tỉnh thành trong khu vực, địa bàn, lãnh thổ. Liên kết dọc được thực hiện chủ yếu theo lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hệ thống từ trung ương đến địa phương.
"Để thực hiện có hiệu quả khâu liên kết trong khu vực thì vấn đề đặt ra là phải có một nhạc trưởng hoặc tổ chức có đủ thực quyền để chủ trì phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế điều phối, các hoạt động trong liên kết vùng cũng như xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với quy định của pháp luật", người đứng đầu chính quyền ở xứ dừa nói.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trù phú. Ảnh: Việt Tường. |
Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng biến đổi khí hậu đã làm cho chúng ta hướng tới việc chuyển đổi sản xuất trong liên kết vùng vì xâm nhập mặn. Theo ông Sử, các nhà khoa học đề xuất chuyển đổi vùng ĐBSCL thành ba cái vùng, đó là vùng trên, vùng giữa, vùng ven biển bán đảo Cà Mau.
Theo cá nhân ông Sử thì ngay trong từng vùng sản xuất cũng cần quy hoạch thành các tiểu vùng có đặc điểm sinh thái khác nhau. Ví dụ vùng ven biển bán đảo Cà Mau vẫn còn tồn tại hai vùng sinh thái đặc trưng rất đặc biệt cần bảo vệ rừng U Minh Hạ và U Minh Thượng. Đây là hai vùng sinh thái ngọt mà chúng ta cần bảo tồn cái đa dạng sinh học của nó vì nó có giá trị sinh học cho cả vùng.
"Trong vùng ven biển thì có vùng sản xuất luân canh lúa tôm, sản xuất xen canh tôm rừng. Vùng chuyên tôm thì nó có nhiều cái mô hình sản xuất khác nhau cái đặc trưng của từng tiểu vùng. Vì vậy, chúng ta cần có cái quy hoạch và chuyển đổi sản xuất theo từng tiểu vùng phù hợp", ông Sử nói.