Sáng 21/9, phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm của các cơ quan tố tụng, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2016.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp đánh giá, năm 2016, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Uỷ ban Tư pháp cho biết đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân.
“Có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.
Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn |
Vì vậy, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.
Số vụ án tham nhũng bị phát hiện giảm dần
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.
Năm 2016, 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015.
“Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình”, bà Nga nói.
Ngoài ra, công tác giải quyết tố giác, tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đều giảm so với cùng kỳ năm 2015 và không đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Đáng lưu ý, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội trong 3 năm gần đây, số vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử giảm dần.
Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm.
Còn nhìn chung ở cấp tỉnh, huyện, các bộ, ngành thì việc phát hiện và xử lý tham nhũng còn rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những nơi này vẫn còn nghiêm trọng.
Báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền.
Báo cáo của Ủy ban Tư pháp yêu cầu để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội thì phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực nào, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào.